Ngày 3.6, ông Nguyễn Đăng Dương, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nghệ An, cho biết Sở đã ra quyết định đình chỉ hưởng trợ cấp đối với 195 trường hợp bị phát hiện làm giả, khai man hồ sơ thương binh; yêu cầu các phòng LĐ-TB-XH thu hồi số tiền khoảng 20 tỉ đồng đã chi trả.
20 tỉ đồng chi trả cho hàng trăm thương binh giả. Trong hình, các bị cáo bị xét xử về hành vi giả thương bệnh binh để nhận tiền trợ cấp ở Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2014 - Ảnh: Nguyễn Long
|
Trước đó, qua kiểm tra ngẫu nhiên trong số 1.500 hồ sơ thương binh ở 3 huyện, thị trên địa bàn Nghệ An, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH phát hiện 195 hồ sơ bị làm giả, khai man và 51 hồ sơ có dấu hiệu làm giả để hưởng chế độ ưu đãi thương binh.
Theo thông báo kết quả giám định của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng) và kết quả kiểm tra, xác minh của các đơn vị quân đội liên quan, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH kết luận và đề nghị Sở LĐ-TB-XH Nghệ An dừng việc chi trả chế độ cho 195 trường hợp bị phát hiện làm giả, khai man hồ sơ thương binh.
Kết luận nêu rõ, các hồ sơ làm giả bằng những cách như: tẩy xóa nội dung cũ để viết lại nội dung mới không đúng với nội dung nguyên thủy trên tài liệu gốc; ghi thêm phần bị thương vào tài liệu; giả mạo hình dấu của cơ quan, tổ chức; sử dụng phôi tài liệu không đúng; giả mạo danh sách quân nhân bị thương của đơn vị.
Ngoài ra, trong số 1.500 hồ sơ được kiểm tra ngẫu nhiên trên, có 51 trường hợp khác đang được Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH kiểm tra, xác minh do có dấu hiệu khả nghi bị làm giả.
Sau khi Sở LĐ-TB-XH Nghệ An ra quyết định ngừng chi trả chế độ, có 23 người có đơn khiếu nại, đề nghị được xem xét lại. Ông Dương cho rằng việc thu hồi số tiền đã chi trả hiện đang gặp nhiều khó khăn.
PV Thanh Niên đã liên hệ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, đơn vị xác lập hồ sơ thương binh bị phát hiện làm giả, để làm rõ nghi vấn của dư luận từng có đường dây chạy hồ sơ thương binh, nhưng đại diện cơ quan này cho biết chưa thể làm việc với PV vì đang xác minh làm rõ nguyên nhân.
Bình luận (0)