Câu chuyện thú vị về hai chàng trai và một cô gái đều thuộc thế hệ 9X nhưng lại thành công không phải ở việc học đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ tại buổi đối thoại 20, bỗng nhiên tôi muốn bỏ học diễn ra tại TP.HCM vào chiều nay 2.6.
|
Ngay từ khi bắt đầu, ban tổ chức lẫn khách mời đều khẳng định buổi đối thoại không cổ súy ai đó bỏ học mà chỉ đưa ra những góc nhìn mới để các bạn trẻ cùng thảo luận và tìm ra những định hướng cá nhân thông qua những con người thật, câu chuyện thật.
Huyền Chip cho biết sau khi báo đài đưa tin về một cô gái 20 tuổi dám bỏ học để đi du lịch qua 25 nước chỉ với 700 USD, cô nhận được rất nhiều email đại loại như “em cũng muốn bỏ học giống chị”, “em có thể làm như chị được không”…
Huyền khẳng định: “Bạn có thể bỏ học khi bạn tìm được một công việc khác để làm và việc đó mang lại nhiều giá trị hơn là khi bạn đi học”.
|
Cô gái 22 tuổi này đã bỏ ra hai năm để đi ngao du khắp thế giới chỉ bắt đầu từ một suy nghĩ muốn đi đây đi đó để thay đổi cuộc sống hiện tại. Cô bỏ ngoài tai những lời khuyên của bố mẹ: "Con gái kiếm việc gì nhẹ nhẹ mà làm. Đi riết da tóc hư hết, còn gì là con gái".
Kết quả là Huyền trở thành một "hiện tượng" khi một thân một mình đi qua 25 nước chỉ vì "tính bướng thích đi bừa".
Trong khi đó, Hoàng Đức Minh (sinh năm 1990), giám đốc Chương trình nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu RAECP và dự án Tôi ghét Nylon (ở Hà Nội), thẳng thắn bày tỏ: “Sống trên đời để làm gì nếu không phải là để mình được hạnh phúc? Vậy thì bạn hãy làm bất cứ việc gì mà bạn cho rằng nó có thể duy trì niềm hạnh phúc đó”.
|
Nghĩ vậy nên dù đang theo học Đại học Thủy lợi (Hà Nội), Minh vẫn dành thời gian để tham gia các hoạt động chống biến đổi khí hậu và sẵn sàng hoãn việc học lại một năm để tham dự các hội nghị về môi trường và biến đổi khí hậu ở Malaysia, Philippines và Đan Mạch.
Với Minh, những kinh nghiệm từ quá trình tham gia hoạt động tình nguyện cùng những trải nghiệm sau mỗi chuyến đi sang các nước bạn chính là những bài học thiết thực nhất.
"Đại gia bút chì” Đặng Ngọc Vinh (sinh năm 1991) lại bắt đầu bằng một việc chẳng giống ai: đi nhặt nhạnh những cành cây khô, những chiếc đĩa CD, giấy vụn… để làm ra những vật dụng “hái ra tiền”.
Ở tuổi 21, chàng sinh viên Khoa Thiết kế nội thất Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM không mấy nổi trội trong việc học nhưng lại sở hữu một xưởng sản xuất nho nhỏ chuyên kinh doanh đồ tái chế.
|
Đương nhiên cả ba nhân vật đặc biệt đều không nhận được sự hưởng ứng của gia đình ngay từ đầu.
Minh vẫn thường bị mẹ la “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng vẫn không bỏ được sở thích hoạt động tình nguyện vì môi trường.
Đến tận bây giờ, khi đã trở về Việt Nam, Huyền vẫn bị gia đình thúc giục đi học đại học “cho cả nhà yên tâm” nhưng cô bạn vẫn đang lên kế hoạch xin visa đi Nam Phi và Nam Mỹ.
Họ đã thuyết phục gia đình và mọi người xung quanh bằng chính những thành công bước đầu của mình.
Ở tuổi 22, ai đã một lần được tham gia Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Copenhagen với tư cách đại biểu như Minh. Mấy ai đã có một kho kinh nghiệm quý báu từ việc du lịch qua 25 nước như Huyền, hay trở thành một “đại gia” 9X từ việc đi nhặt cây khô như Vinh?
“Không có quyết định nào đúng hay sai mà chỉ có quyết định tẻ nhạt hay thú vị. Bản thân mình có cả danh sách những việc cần làm trước khi chết nhưng không đặt ra mục tiêu cụ thể cho mình”, Huyền chia sẻ.
Thiên Hương
>> Cô gái đi vòng quanh thế giới với 700 USD
>> Những kế hoạch xanh
>> Những “quan sát viên” Việt Nam tại Copenhaghen
>> “Chúng tôi sẽ trở lại VN tìm cơ hội kinh doanh!”
Bình luận (0)