200 năm ngày Napoleon bại trận tại Waterloo

18/06/2015 10:49 GMT+7

(TNO) Ngày này 2 thế kỷ trước, trận chiến Waterloo lịch sử diễn ra giữa quân đội của Napoleon Bonaparte và quân đồng minh, đánh dấu thất bại cuối cùng của vị hoàng đế nước Pháp.

(TNO) Ngày này 2 thế kỷ trước, trận chiến Waterloo lịch sử diễn ra giữa quân đội của Napoleon Bonaparte và quân đồng minh, đánh dấu thất bại cuối cùng của vị hoàng đế nước Pháp.

>> Thảm bại Leipzig của Napoleon

Diễn viên tái diễn trận Ligny để kỷ niệm 200 trận đánh Waterloo tại Bỉ - Ảnh: Reuters
Trận đánh diễn ra vào chủ nhật, ngày 18.6.1815 gần Waterloo, nay là miền trung nước Bỉ, giữa một bên là quân Anh do Công tước Wellington chỉ huy, cùng quân Phổ, Hà Lan, Bỉ và Hannover; và một bên là quân Cận vệ đế chế Pháp của Napoleon Bonaparte. Hoàng đế Napoleon và Công tước Wellington cùng tuổi nhau (cả hai đều sinh năm 1769, và ở tuổi 46 vào thời điểm trận chiến diễn ra), đều là những bậc thầy quân sự, những chiến lược được thế giới tôn vinh và từng giành nhiều chiến thắng, theo tạp chí The Week (Mỹ).
Napoleon, người nổi lên trong cuộc Cách mạng Pháp (1789-1799), đã nắm quyền kiểm soát nước Pháp vào năm 1799 và lên ngôi hoàng đế vào năm 1804. Ông đã từng có tham vọng xây dựng đế chế quân sự của mình, nhưng sau một loạt thất bại, Napoleon đã phải thoái vị và bị bắt đi đày vào năm 1814.
Năm 1815, ông trở lại Paris cùng 1.000 người ủng hộ. Vị tân vương lúc đó là vua Louis XVIII buộc phải bỏ chạy. Với tham vọng quay trở lại làm hoàng đế, Napoleon lập nên triều đại còn được gọi là Vương triều 100 ngày và khiến Anh, Phổ, Nga và Áo tuyên bố chiến tranh với ông.
Diễn viên trong vai Napoleon Bonaparte - Ảnh: Reuters
Vào tháng 6.1815, ông tiến quân đến Bỉ và một phần Hà Lan vời mục tiêu là chiếm được Brussels (Bỉ). Tuy nhiên ông vấp phải sự kháng cự của quân Anh và Phổ đóng tại đây. Ngày 16.6.1818, quân Napoleon thất bại dưới tay người Phổ, do tướng Gebhard Leberecht von Blucher chỉ huy. Hai ngày sau, quân Napoleon giáp mặt với quân của Công tước Wellington đóng quân tại phía nam Brussels, gần Waterloo.
Bại trận vì... mưa? 
Yếu tố quan trọng dẫn đến thất bại của Napoleon là quyết định đợi đến giữa trưa để tấn công quân Anh. Đêm trước đó, trời mưa rất to và Napoleon muốn chờ mặt đất lầy lội khô đi. Tuy nhiên, việc hoãn kế hoạch tấn công đã giúp số quân còn lại của tướng Blucher (khoảng 30.000 lính, theo các sử gia) có đủ thời gian để hành quân đến Waterloo và gia nhập quân Anh. Đó chính là yếu tố quyết định.
Cả 2 bên chiến đấu trong 10 giờ. Napoleon mắc nhiều sai lầm chiến thuật và chỉ định nhiều người không đủ khả năng làm chỉ huy. Trong khi đó, sự xuất hiện của quân Blucher làm cán cân cuộc chiến nghiêng về phe đồng minh.
Cuộc chiến kết thúc khi quân Pháp rút lui trong thất bại. Cả 2 phe đều chịu những tổn thất nặng nề. Các sử gia ước tính quân của Napoleon gánh chịu hơn 33.000 thương vong, trong khi con số của quân Anh và Phổ là khoảng 22.000. Trận chiến này cũng là thất bại cuối cùng của Napoleon Bonaparte.
Công tước Wellington sau đó giữ chức Thủ tướng Anh, trong khi hoàng đế Napoleon buộc phải rời ngôi lần thứ hai và cũng là lần cuối. Ông bị lưu đày tại đảo Saint Helena xa xôi tại nam Đại Tây Dương. Ông qua đời tại đây vào năm 1821 ở tuổi 51.
Buổi lễ này diễn ra ngày 14.6.2015 tại Ligny, Bỉ - Ảnh: Reuters
Nói về Napoleon, Công tước Wellington cho rằng: “Sự hiện diện của ông ấy tại chiến trường tạo ra sự khác biệt của 40.000 người lính". Trong khi đó, Napoleon vẫn một mực cho rằng Wellington là một vị tướng tồi.
Mãi về sau, trận chiến Waterloo vẫn là một sự kiện người Pháp muốn quên đi, theo The Week. Hồi đầu năm nay, Pháp đã phản đối việc Bỉ dự tính đúc đồng tiền 2 euro để kỷ niệm trận đánh Waterloo, cho rằng điều đó sẽ gây ra một “phản ứng bất lợi”.
Phía Bỉ có vẻ như đã chấp nhận bỏ đi 180.000 đồng xu này, nhưng mới đây họ lại vực lại kế hoạch này khi dẫn ra một quy định ít người biết của Liên minh châu Âu cho phép các nước phát hành đồng xu euro của riêng mình. Kết quả là đồng xu 2,5 euro có biểu tượng của trận Waterloo sẽ được phát hành tại Bỉ. Bộ trưởng Tài chính Bỉ, ông Johan Van Overtveldt nói mục đích của việc này không phải là gợi lại mối bất hòa trong lịch sử châu Âu hiện đại mà vì chưa từng có cuộc chiến nào gần đây quan trọng như trận Waterloo.
Nước Bỉ sẽ tái dựng trận chiến Waterloo trong buổi lễ kỷ niệm 200 năm với màn trình diễn của 5.000 diễn viên và 300 con ngựa. Trong khi đó tại Anh, bảo tàng quân đội quốc gia sẽ tổ chức một cuộc triển lãm các món đồ sưu tập từ thời điểm cuộc chiến xảy ra. Nhà hát Albert Royal sẽ trình diễn buổi hòa nhạc kỷ niệm 200 năm trận Waterloo, theo The Week.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.