200 ngày dưới họng súng cướp biển - Kỳ 1: Trong địa ngục trần gian

01/10/2011 00:09 GMT+7

Sống dưới họng súng của cướp biển Somalia hơn 200 ngày, 24 thủy thủ người Việt không được ăn một cọng rau xanh, họ phải vét gạo mốc dưới hầm tàu nấu cháo. Bữa ăn tươi của thủy thủ trong dịp tết cổ truyền là 2 tấm da dê do bọn cướp “ban ơn”.

Tàu Hoàng Sơn Sun dài 157m, rộng 22m, trọng tải 22.000 tấn, nơi 24 thủy thủ sống hơn 200 ngày trong tay cướp biển - ảnh do công ty Hoàng Sơn cung cấp

Cơm gạo mốc

Hai ngày sau khi về đến Hải Phòng, 24 thuyền viên của tàu Hoàng Sơn Sun vừa thoát khỏi tay cướp biển Somali đã được đưa đến Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng) để khám sức khỏe. Tất cả các thủy thủ đều bị sụt cân, đau nhức khắp người… Nhớ lại 8 tháng sống trong “địa ngục trần gian” (từ 17.1 đến 16.9), các thủy thủ không khỏi rùng mình.

Bên ngoài hành lang BV, đầu bếp Lê Đình Huy kể cho chúng tôi chuyện nổi da gà trên con tàu Hoàng Sơn Sun.

Huy cho biết, sau khi khống chế tàu và dồn các thủy thủ giam vào buồng lái, bọn cướp biển lục lọi khắp tàu và vơ vét sạch tiền bạc, điện thoại, quần áo và đồ ăn. “Trong chuyến hành trình từ Iran về Trung Quốc, tàu Hoàng Sơn Sun đã dự trữ lương thực, thực phẩm, nước ngọt... đủ dùng cho cả đoàn trong 20 ngày. Thế nhưng, bọn cướp biển Somali quá đông (20-30 người), cũng đói khát lâu ngày nên chúng đã ngốn hết sạch thực phẩm trên tàu sau 10 ngày”, Huy nhớ lại.

Đến bữa, anh Huy và một thủy thủ khác được phép xuống bếp để nấu ăn cho mọi người trong sự giám sát chặt chẽ của nhóm cướp. Không chỉ thực phẩm, ngay cả bát đũa, đồ nấu nướng cũng phải san sẻ cho bọn cướp. Chúng giam thủy thủ trên ca-bin, còn phòng thủy thủ do bọn chúng chiếm. Trong 24 người, không ai được ra ngoài nếu chúng không cho phép, chỉ có Huy được xuống bếp, những người còn lại cũng phải ăn ngay tại ca-bin.

Không có bát đũa, Huy chỉ nấu cơm và một nồi canh to rồi mang ra cho các thủy thủ ăn chung. Bếp trưởng Huy kể: “Lúc đó, món độc nhất trên tàu là canh cá. Bọn cướp có cho ít muối đen, phải cho vào nước để lọc bớt cặn bẩn ra mới nấu ăn được. Có hôm, chúng cho loại muối mỏ, hạt cứng và to bằng ngón tay, đen, bẩn như hòn than”.

Đến khi lương thực trên tàu cạn kiệt, bọn cướp chỉ thỉnh thoảng cho các anh vài củ khoai tây ăn cầm hơi. Còn chúng, lâu lâu đi xuồng vào bờ chở ra một vài con dê để giết thịt ngay trên tàu.

May mắn cho các thủy thủ là trước kia, tàu Hoàng Sơn Sun chở gạo xuất khẩu nên dưới sàn tàu thường sót lại một ít gạo rơi vãi. Anh Huy phải đi vét nhặt từng hạt gạo mốc, bám bụi đen xì để nấu, miễn sao có chút cháo bỏ bụng.

Tháng 1.2011, tàu Hoàng Sơn Sun (của Công ty TNHH vận tải biển Hoàng Sơn) chở 22.000 tấn quặng mịn từ cảng Bik (Iran) sang Trung Quốc. Đến ngày 17.1, cướp biển Somali bất ngờ tấn công tàu và bắt giữ 24 thuyền viên tại vị trí cách cảng Muscat (của Oman) khoảng 520 hải lý ( 836 km). 

Sau nhiều nỗ lực đàm phán, đến ngày 15.9, tàu Hoàng Sơn Sun và 24 thuyền viên đã được thả. Ngày 23.9, 24 thuyền viên đã về đến Hà Nội.

Khi có hạt gạo mốc để ăn, thì cái lo khác lại ập đến, đó là nước ngọt. Nước ngọt dự trữ trên tàu đã sắp cạn, anh em phải đánh răng, tắm bằng nước biển. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, máy trưởng Bùi Thái Hùng chợt nhớ đến chiếc máy biến nước biển thành nước ngọt vốn được trang bị trên tàu nhưng anh em ít khi sử dụng. Tuy nhiên, theo thiết kế, máy này chỉ chạy được khi tàu chuyển động, máy chính hoạt động mới đủ nhiệt làm ngưng tụ hơi nước. Nhưng nếu chạy máy chính thì sẽ tiêu hao rất nhiều dầu, không đủ để chạy  máy phát điện chứ chưa nghĩ đến chuyện cho tàu chạy trở về.

Sau nhiều lần bàn bạc, thử nghiệm với anh em thợ máy, kỹ sư Hùng đã đấu nối các van, ống dẫn để dù chạy máy phát điện, hệ thống biến nước biển thành nước ngọt vẫn hoạt động, mỗi ngày cho hàng khối nước, đủ cho anh em thủy thủ lẫn cướp biển dùng.

Thấy anh em đói quá, thủy thủ trưởng Đặng Hữu Thái xin bọn cướp cho ra phía sau tàu câu cá biển, ăn không hết phơi khô để ăn dần. Suốt mấy tháng liền, món ăn chính của các thủy thủ là cá nấu và cá nướng. Sau đó, khi tàu bị đưa vào khu neo đậu của bọn cướp thì không câu được cá nữa do mặt nước động.

“Khổ nhất là do không có một cọng rau xanh nào, nên hầu hết anh em đều bị táo bón, đau bụng…”, thuyền phó Lê Huy Dân cho biết.

Cỗ tết với da dê

Suốt thời gian bị giam giữ, đồ ăn của các con tin người Việt chủ yếu là do bọn cướp biển “bố thí” sau khi chúng đã ăn no nê. Bữa ăn thịnh soạn nhất với các thủy thủ có lẽ là vào dịp Tết Tân Mão (tháng 2.2011, khoảng gần 1 tháng sau khi tàu bị cướp). Khi đó, nhóm cướp làm thịt 2 con dê và cho bên thủy thủ 2 bộ da. Anh em đầu bếp phải dùng đèn khò (lửa hàn xì) thui da dê cho trụi lông, sau đó luộc thật kỹ và chế biến thành món ăn, cùng với miến măng, cá biển...  để cả đoàn ăn tết.

Trong nỗi nhớ nhà, chiều 30 tết, máy trưởng Bùi Thái Hùng đã làm bài thơ: Chiều 30 tết ăn da dê/Cá nướng, miến, măng ngóng ngày về/Không bia, vô tửu bất thành lễ/Ai ơi tin sống có tràn trề.

Thiếu chất, ăn uống kham khổ khiến đa số thủy thủ đã bị bệnh. Chị Mai Hương, vợ anh Nguyễn Quyết Thắng ứa nước mắt khi nhắc đến những ngày tháng cơ cực của chồng: “Khi ở trên tàu, anh ấy bị đau bụng dữ lắm, nhất là ở vùng dạ dày. Có lúc đau quá, mà không có bác sĩ, anh ấy định tự mổ luôn”.

Người được tiếp xúc gần nhất với cướp biển là bếp trưởng Huy. Anh kể: “Hầu hết nhóm cướp là người theo đạo Hồi, nên họ ăn bốc, thực phẩm chính của họ là dê, cơm (một kiểu gạo đã hết nhựa, hạt rời không dính vào nhau) và một thứ cỏ mà ở mình không có. Cỏ đó họ coi như một thứ thần dược, ăn với nước đường. Tôi phải nấu một nồi 100 lít nước, cho vào 7-8 kg đường thành một thứ nước sánh như mật ong, họ cho thêm quế và một số gia vị khác, sau đó múc nước đường uống khi còn âm ấm, ăn kèm với cỏ. Nhiều khi chúng muốn ăn cơm kiểu VN, lại bảo tôi xào nấu theo cách của người Việt, tên trùm ăn và tấm tắc khen ngon”.

Khi thực phẩm trên tàu đã hết, mỗi khi cướp biển đem dê ra thịt, anh lại cố gắng gom nhặt những miếng da dê, đầu dê (thứ cướp biển không bao giờ ăn) để dành nấu ăn cho anh em thủy thủ. 

Phương Nga

>> Kỳ 2: Cuộc ngã giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.