Trước khi đặt chân đến cựu lục địa, người đứng đầu ngành ngoại giao cường quốc số 1 thế giới không khỏi căng thẳng với nhiệm vụ phải giải thích "ra ngô ra khoai" vấn đề om sòm hiện nay: nhà tù bí mật mà Mỹ thiết lập tại nhiều nước - trong đó có châu u - để giam giữ, tra tấn các nghi can khủng bố và những "chuyến bay đêm" của CIA qua lãnh thổ châu u nhằm chuyển tù nhân từ chỗ này đến chỗ khác. Một số chính phủ châu u một phần không thể nhắm mắt làm ngơ trước những lời tố cáo, lên án của các nhóm nhân quyền, một phần cũng thấy "nhột" khi Mỹ chẳng nể mặt, ngang nhiên có những hành động như vậy trên lãnh thổ mình, đã gây áp lực buộc Washington phải đưa ra một lời giải thích rõ ràng. Liên minh châu u (EU) thậm chí còn làm dữ khi tuyên bố nếu ông bạn bên kia bờ Đại Tây Dương không làm sáng tỏ vụ việc thì đừng có trách!
Nay ngồi trên chuyên cơ trở về Washington, bà Rice ắt hẳn phải rất thư giãn khi đã hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà Trắng giao phó: trấn an và giải đáp những thắc mắc của các đồng minh châu u. Không hổ danh là một chính trị gia sắc sảo và thông minh, ngay trước khi đặt chân đến thủ đô nước Bỉ chiều ngày 7.12, tại Kiev (Ukraine), Ngoại trưởng Rice đã tung đòn phủ đầu nhằm tháo bỏ bớt áp lực bà sẽ phải đối mặt bằng tuyên bố nghĩa vụ của Washington tuân thủ Công ước quốc tế chống tra tấn (cấm đối xử vô nhân đạo, độc ác... với tù nhân) "được áp dụng đối với tất cả công dân Mỹ dù họ ở đâu, là ai bên trong hay bên ngoài nước Mỹ". Bà cũng nhấn mạnh các nhân viên hỏi cung của Mỹ đều bị cấm dùng biện pháp tra tấn cả trong lẫn ngoài nước.
Quả vậy, sau bữa ăn tối tại Brussels - "thủ đô" EU - cùng vị đồng nhiệm Mỹ, các ngoại trưởng EU và NATO trở ra với gương mặt rạng rỡ hơn. Vậy hãy thử hỏi ý kiến một vài người trong số họ xem sao. "Rất thỏa mãn!", Ngoại trưởng xứ sở hoa tu-lip B.Bot buông một câu đầy cảm thán (nên nhớ ông này là một trong những người quan ngại sâu sắc nhất về vấn đề gây tranh cãi kia). "Tất cả chúng tôi đều cảm thấy thỏa mãn", Ngoại trưởng Đức F.Steinmeier cũng nói không khác mấy. "Rất hữu ích", đó là lời Ngoại trưởng Slovakia E.Kukan. Ngoại trưởng nước chủ nhà K.De Gucht "chốt" lại rằng tất cả các vị bộ trưởng đều hài lòng với những lời giải thích của bà Rice cùng sự đảm bảo quan điểm của Mỹ đối với luật pháp quốc tế cũng tương tự như các đồng minh châu u. Vậy là xong. Có thể coi vụ việc đã chìm xuống? Hình như vậy.
Xuân Anh
(Theo AFP, BBC)
Bình luận (0)