Thời trang Việt trong mắt ai

13/01/2007 17:15 GMT+7

Quá nhiều tạp chí thực hiện chuyên đề thời trang. Quá nhiều nhà thiết kế lẫn công ty tung ra bộ sưu tập mới. Quá nhiều show diễn thời trang được tổ chức trong năm 2006. Nhưng bấy nhiêu đó đã đủ để hình thành nên xu hướng chung cho thời trang Việt? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ khi mà những người thiết kế, sản xuất và người tiêu dùng chưa gặp nhau ở điểm chung.

Thử phác họa khuynh hướng thời trang 2007

Có thể nói, năm 2007 này, thời trang Việt vẫn chịu ảnh hưởng và bị chi phối bởi thời trang ngoại. Rõ nét nhất là các mốt thời thượng tràn ngập phố phường được du nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Trung Quốc. Mẫu áo dài phủ mông, thắt lưng to bản mặc chung với quần jeans ôm sát hoặc quần lửng quá gối có thể sẽ tiếp tục lên ngôi. Kiểu dáng được ưa chuộng nữa là dạng quần suôn thẳng với màu nhũ đồng, nhũ bạc hay dạng quần lửng ống rộng, nhiều túi "bụi". Áo chemise sọc to bản sẽ thay thế sọc nhỏ, trông nam tính hơn.

Đặc biệt, theo xu hướng thế giới, năm nay những mẫu trang phục "hot" nhất sẽ quay về với kiểu dáng bán cổ điển, mốt của thập niên 60, 70. Màu sắc trang phục cũng sẽ ngả dần sang màu trầm như xanh lá, chàm, hồng nhạt, nâu, beige. Chất liệu chủ yếu vẫn là denim, cotton, thun, linen, lụa, the, voan... Năm 2007 là năm chủ đạo của những mẫu đầm, váy ngắn mặc với áo cổ lọ, dài hay ngắn tay. Mẫu trang phục mang phong cách di-gan với hoa văn sặc sỡ, kiểu đầm, váy dài phủ gót hoặc xòe tròn, vạt xéo vẫn còn được chuộng.

Những đường cắt phóng khoáng, táo bạo và mạnh mẽ sẽ quyết định phong cách của từng nhà thiết kế. Qua rồi thời lấy chi tiết làm điểm nhấn bằng cách kết cườm, kim sa hay thêu hoa văn cầu kỳ, phức tạp. Thời trang của năm 2007 nghiêng hẳn sang tính ứng dụng cao với kiểu dáng ngày càng đơn giản hơn, phù hợp với gam màu sang trọng, lịch lãm, không quá chói gắt và lệch pha.

Tuy nhiên, khuynh hướng thời trang này có thể được giới trẻ phía Bắc thể hiện rõ nét hơn. Riêng tại TP.HCM, do điều kiện thời tiết nắng nóng quanh năm, nhịp sống công nghiệp cao và phải điều khiển xe máy hàng ngày nên trang phục vẫn trung thành với kiểu dáng đơn giản, gọn nhẹ bằng chất liệu cotton, thun mỏng, mềm tạo cảm giác mát mẻ cho người mặc.

Tất cả những kiểu dáng kể trên bắt đầu xuất hiện nhiều trên thị trường vào dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, song gần như đều do Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông sản xuất. Các công ty dệt may cả tư nhân lẫn nhà nước và những nhà thiết kế (NTK) đơn lẻ vẫn chưa thể tạo nên một khuynh hướng chung, đậm nét Việt cho thời trang trong nước. Những nhà sản xuất chỉ còn cách nghe ngóng xu hướng thời trang chung, đang "ăn khách" của thị trường để thiết kế những mẫu mã na ná hàng ngoại rồi tung ra thị trường. Đương nhiên là chậm chân hơn không chỉ một mà rất nhiều bước.


Bộ sưu tập áo dài của Võ Việt Chung

Tiếp cận với thế giới đâu chỉ bằng áo dài, khăn đóng...

Công bằng mà nói, chiếc áo dài dân tộc đã khắc họa rõ nét văn hóa mặc của người Việt trước công chúng thế giới qua những lần trình diễn thời trang trong và ngoài nước, qua những cuộc thi Hoa hậu tầm cỡ thế giới, qua nhiều tác phẩm nghệ thuật từ hội họa, thi ca đến điện ảnh, âm nhạc. Tuy nhiên áo dài không là đại diện điển hình cho thời trang Việt đương đại. Khó khăn lớn nhất mà các công ty dệt may và những nhà thiết kế gặp phải vẫn là chưa thiết lập được hệ thống tiếp thị đúng nghĩa các sản phẩm may mặc với khách hàng thế giới. Công ty chỉ làm tròn vai trò may gia công cho các hãng thời trang nước ngoài hoặc xuất hàng FOB chỉ định (đối tác chỉ định mẫu mã, chất liệu, màu sắc, thậm chí cả nhà phân phối nguyên phụ liệu để các công ty thực hiện đơn hàng). Trong khi đó các NTK lại sản xuất quá đơn lẻ, yếu kém về khâu tiếp thị, tổ chức sản xuất. Đơn cử, số NTK lập trang web giới thiệu sản phẩm - cách được cho là tiếp thị đơn giản và rẻ tiền nhất hiện nay - cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi thế sản phẩm của họ làm ra được buôn bán loanh quanh trong nước, với thị phần vô cùng nhỏ bé so với thị trường hơn 80 triệu dân.

Chỉ một vài thương hiệu như Sĩ Hoàng, Lê Minh Khoa, Việt Hùng, Võ Việt Chung, Liên Hương, Thuận Việt... được người tiêu dùng nước ngoài biết đến. Ngay như NTK Lê Minh Khoa, từng tham dự rất nhiều show thời trang ở Singapore, Malaysia, Hồng Kông... cũng nhìn nhận: "So với các nước, thời trang Việt Nam không hề thua kém. Lần tham gia Tuần lễ thời trang Xuân hè 2007 tại Hồng Kông vào tháng 7.2006 vừa qua, bộ sưu tập của tôi được đánh giá rất cao và và được đưa lên đài FTV (Fashion Television) của châu Á. Khó khăn của chúng ta hiện nay là chưa xây dựng được thương hiệu nên dù sáng tạo nhiều mẫu đạt chuẩn quốc tế cả về kiểu dáng lẫn chất lượng nhưng hàng thời trang của Việt Nam vẫn thuộc dạng "no name". Tôi đã ký nhiều đơn hàng với các đại lý phân phối nước ngoài, sau đó họ bày bán bộ sưu tập của tôi tại các boutique sang trọng bên đó. Hiện nay người tiêu dùng thế giới cũng có xu hướng chọn trang phục "no name" nhưng có kiểu dáng độc đáo, chất lượng cao, giá thành thấp chứ ít người chịu bỏ món tiền lớn để xài hàng hiệu như trước nữa".

Thuyền nào ra biển lớn?

"Muốn bán hàng, dứt khoát phải biết chào hàng!" - Đó là lời nhận định của NTK Kiều Việt Liên. "Theo tôi đến nay vẫn chưa có nhiều nhà thiết kế lập chiến lược phát triển thương hiệu, vẫn chỉ quẩn quanh thị trường trong nước. Đơn giản vì ít người đủ nội lực cả trong sản xuất lẫn quản lý. Tôi đang triển khai trang web để giới thiệu những mẫu mới nhất của mình, từng bước mở rộng hoạt động ra thị trường thế giới. Chấp nhận "sân chơi" mới là chấp nhận rủi ro nhưng cũng tìm kiếm được nhiều cơ hội hơn".


Buổi biểu diễn của thời trang Việt tại Ý

Riêng nhà thiết kế Công Trí, người đã có khá nhiều thành công trong ngành thời trang và đồ họa góp thêm ý kiến: "Dĩ nhiên nhà tạo mẫu nào cũng muốn đưa sản phẩm mình ra thị trường cả trong lẫn ngoài nước. Quan trọng là xác định năng lực về tài chính, marketing, quản lý. Đến giờ, theo tôi biết chưa NTK nào ở Việt Nam đủ lực để làm điều đó. Cái cần nhất hiện nay vẫn là một tổ chức, hiệp hội đứng ra thực hiện việc này. Có như thế những nhà phân phối và người tiêu dùng thế giới mới biết đến thời trang Việt một cách có hệ thống, mang tính chuyên nghiệp cao. Những NTK làm việc rất đơn lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, mở shop, kinh doanh kiểu "cò con" nên khó lòng chinh phục được thị trường trong nước chứ nói chi đến thị trường thế giới".

NTK Võ Việt Chung:

"Từ ngày 24.1 đến 5.2.2007, tôi sẽ tham dự Tuần lễ Văn hóa Việt Nam do Sở Vănhóa - Thông tin TP.HCM tổ chức tại San Francisco (Mỹ). Đây là dịp để quảng bá thời trang Việt Nam đến với công chúng và đối tác kinh doanh ở Mỹ. Bộ sưu tập được thiết kế bằng chất liệu lãnh Mỹ A, theo kiểu dáng vừa u vừa Á. Từ lâu, tôi đã thiết lập hệ thống bán hàng ở Sydney (Úc), Osaka (Nhật Bản) và sắp tới có thể là tại Mỹ. Gia nhập sân chơi kinh tế toàn cầu là điều kiện rất thuận lợi cho những nhà thiết kế Việt Nam có cơ hội kinh doanh không chỉ ở thị trường khu vực mà còn ở khắp thế giới".

NTK Công Trí:

"Trở ngại hiện nay là chưa NTK nào ở Việt Nam có được quy mô về nhà xưởng đạt chuẩn. Điều này tạo lực cản rất lớn khi đối tác muốn ký kết hợp đồng sản xuất vì thiếu hẳn sự tin cậy cần thiết. Như tôi cũng chỉ dám ký những đơn hàng nhỏ, lẻ từ 50 đến 100 sản phẩm chứ không dám làm nhiều vì đụng phải quá nhiều vấn đề từ khâu cung cấp nguyên phụ liệu đến năng lực sản xuất và cả tiến độ giao hàng. Nên có ngay một tổ chức làm cầu nối giữa nhà thiết kế trong nước và nhà phân phối ở nước ngoài để các sản phẩm Made in Vietnam có cơ hội và chỗ đứng trên thị trường thế giới".

NTK Ngô Thái Uyên:

"Chuyện sống còn hiện nay là các NTK phải bán được hàng hóa. Đã qua rồi thời NTK trình diễn bộ sưu tập để "lấy tiếng". Ở Việt Nam chưa NTK nào vạch được chiến lược cụ thể để phát triển sản phẩm, nhãn hiệu vì thiếu hụt kiến thức khi được đào tạo từ quản lý sản xuất đến marketing thương hiệu. Chúng ta hoàn toàn chưa có sự nối kết giữa NTK và nhà sản xuất thì làm sao giới thiệu thời trang Việt ra thế giới?".

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.