Cái mà tôi cảm thấy được nhất khi ở cùng với vùng quê Sơn Mỹ anh hùng và đau thương này, là tôi tự biết: điều cao cả nhất chính là tình yêu thương. Khi mình biết yêu thương nhân dân mình, thì mình làm việc gì cũng được, cũng có kết quả tốt đẹp.
Để có được tiền cho Quỹ học bổng trao hàng năm, nhà thơ Thanh Thảo (tác giả bài viết) phải tiết kiệm cả năm tiền nhuận bút các bài báo của mình mới gom đủ tiền trao gửi tình yêu thương tới các em học sinh nghèo vất vả. |
Tôi đã viết được trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ” sau 1 tháng sống cùng bà con ở đây, và sau đó 21 năm, khi về lại Sơn Mỹ, tôi đã phát hiện vùng quê anh hùng này vẫn chưa có… điện. Tôi đã viết ngay một bài cho báo Thanh Niên: “Sơn Mỹ cần một tượng đài: điện!”. Và báo Thanh Niên từ bài viết này đã phát động một phong trào “Toàn dân ủng hộ đưa điện về Sơn Mỹ”. Được sự hưởng ứng của cộng đồng cả nước, sự vào cuộc rất kịp thời của Tổng công ty Điện lực miền Trung, vào dịp kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ tháng 3.1998, điện đã chính thức về vùng quê Sơn Mỹ.
Cùng với đó là cuộc đón tiếp và vinh danh hai cựu phi công Mỹ là Hugh Thompson và Lawrence Colburn, hai người anh hùng đã hạ trực thăng đối đầu với các đồng đội của mình đang tàn sát đồng bào Sơn Mỹ để cứu sống được mấy chục nạn nhân. Đó là dịp kỷ niệm mà tôi có nhiều xúc cảm nhất. Ngay sau lễ kỷ niệm, khi đi cùng hai phi công Mỹ thăm hai ngôi trường học ở đây, tôi đã quyết định mình phải làm một cái gì đó cho các em học sinh nghèo của mảnh đất đau thương này. Quỹ học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ” đã ra đời từ đó, hàng năm tôi đều về Trường THPT Sơn Mỹ để phát học bổng cho các em học sinh nghèo, gia đình khó khăn nhưng quyết không bỏ học.
Tác giả, nhà thơ Thanh Thảo (giữa) trao học bổng cho học sinh nghèo |
Từ đó tới hôm nay, Quỹ học bổng này đã trao học bổng liền trong 25 năm cho các em học sinh nghèo Sơn Mỹ. Tôi xin nói ở đây lòng biết ơn với 3 người thầy hiệu trưởng của Trường THPT Sơn Mỹ, đó là thầy Khai (thầy mất đã lâu vì bạo bệnh), thầy Thanh (thầy đã về hưu hơn 5 năm nay), và thầy Địch (sẽ về hưu trong cuối năm 2022 này). Đó là ba thầy hiệu trưởng đã ủng hộ tôi hết mình khi tôi trao học bổng cho các em học sinh nghèo, và đã khiến tôi duy trì được nhiệt huyết, tình yêu thương với các em học trò đã từng là nhân vật của tôi trong Trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ” và những thế hệ các em học sinh sau này.
Để có được tiền cho Quỹ học bổng trao hàng năm, thường tôi phải tiết kiệm tiền nhuận bút các bài báo của mình từ đầu năm, tới cuối năm thì gom đủ tiền trao gửi tình yêu thương tới các em học sinh nghèo vất vả.
25 năm nay, Quỹ học bổng này đã khiến tôi hạnh phúc, cho tôi cảm thấy mình vẫn đồng hành cùng học sinh, cùng bà con Sơn Mỹ từ một điểm chung duy nhất: tình yêu thương.
Chiều thứ sáu ngày 23.9 này, tôi lại được về Trường THPT Sơn Mỹ để trao học bổng cho 15 em học sinh của trường, và cũng là dịp để tôi và các thầy cô, cùng thầy hiệu trưởng Địch ngồi với nhau khi tiễn đưa thầy Địch về hưu sau bao nhiêu năm yêu thương và dìu dắt những thế hệ học sinh của trường này.
Đây cũng là dịp để tôi bày tỏ lòng biết ơn với 3 thầy hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ, khi chúng tôi cùng có tình yêu thương với mảnh đất này, với những thế hệ các em học sinh ở đây. Nhân dịp này, để tỏ lòng biết ơn các thầy các cô Trường THPT Sơn Mỹ, tôi xin đổi tên Quỹ học bổng từ năm sau. 2023 sẽ mang tên giản dị và ấm áp là Quỹ học bổng “Thầy tôi”. Ai đã đi học đều có những người thầy người cô mà mình yêu thương kính trọng. Tôi cũng vậy. Và các em học sinh Trường THPT Sơn Mỹ càng như vậy.
Bình luận (0)