25 năm 'Sự im lặng của bầy cừu'

08/04/2016 15:10 GMT+7

Ra mắt vào năm 1991, Sự im lặng của bầy cừu là bộ phim đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của khán giả và giới chuyên môn về thể loại phim tâm lý - kinh dị.

Ra mắt vào năm 1991, Sự im lặng của bầy cừu là bộ phim đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của khán giả và giới chuyên môn về thể loại phim tâm lý - kinh dị.

Chạm tới đáy sâu tâm lý của con người, 'Sự im lặng của bầy cừu' khiến mọi khán giả đều phải rùng mình vì sợ hãi - Ảnh: AFPChạm tới đáy sâu tâm lý của con người, 'Sự im lặng của bầy cừu' khiến mọi khán giả đều phải rùng mình vì sợ hãi - Ảnh: AFP
Một kiệt tác chuyển thể từ văn học
Với kinh phí chỉ 19 triệu đô-la Mỹ, trước khi phát hành, hiếm ai có thể tin được Sự im lặng của bầy cừu (tên gốc tiếng Anh: The Silence of the Lambs) lại có thể tạo ra một cơn "đại địa chấn" trong thị trường điện ảnh đầu thập niên 1990, đồng thời ẵm trọn 5 giải Oscar trong tổng số 7 hạng mục được để cử. Nó là bộ phim thứ ba trong lịch sử điện ảnh giành được cả 5 giải thưởng quan trọng nhất tại Oscar (thường gọi là Top five categories, bao gồm giải Phim hay nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam và Nữ chính xuất sắc nhất). Không chỉ vậy, đây còn là tác phẩm đầu tiên và gần như duy nhất thuộc thể loại tâm lý kinh dị mà có thể chiến thắng tại hạng mục Phim hay nhất của Viện hàn lâm. Trước đó, The Exorcist (1973) và Jaws (1975) cùng thể loại cũng từng được đề cử nhưng lại thất bại ra về.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn Thomas Harris, Sự im lặng của bầy cừu xoay quanh hành trình phá án của một nữ đặc vụ FBI tập sự Clarice Starling. Để tìm ra được chân tướng của một tên sát thủ hàng loạt có mệnh danh Buffalo Bill, Clarice phải nhờ đến sự giúp đỡ của Hannibal Lecter, một tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm nhưng có kiến thức vô cùng uyên thâm trong lĩnh vực tâm lý. Dù ngồi sau song sắt, Hannibal vẫn có thể giúp được Clarice bắt được thủ phạm, đồng thời tìm cách trốn thoát một cách vô cùng ngoạn mục.
Khi bắt đầu thực hiện bộ phim này, Jodie Foster (thủ vai nữ đặc vụ Clarice Starling) đang ở đỉnh cao sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, dù mới nhận giải Oscar trước đó không lâu với The Accused (1988), Jodie Foster vẫn bị đạo diễn Jonathan Demme thẳng thừng từ chối vì cho rằng vai diễn này không hợp với cô. Nhân vật Clarice Starling sau đó được Jonathan Demme dự định giao cho Michelle Pfeiffer. Thế nhưng, nữ diễn viên này lại tỏ ra khá dè dặt với chủ đề kinh dị của bộ phim, nên vai diễn rốt cuộc lại được giao về cho Jodie Foster. Và dĩ nhiên, Jodie Foster đã nhanh chóng chứng minh cô là một sự chọn hoàn hảo cho nhân vật, và cho đến tận bây giờ đây vẫn là một trong những vai diễn ấn tượng nhất của cô.
Sự im lặng của bầy cừu mang lại cho Jodie Foster giải Oscar thứ 2 trong vòng 3 năm - Ảnh: AFP
Trái với nữ chính, Anthony Hopkins (người thủ vai bác sĩ Hannibal) dù trước đó đã có tên tuổi nhưng vẫn chưa gặt hái được đề cử Oscar nào trong sự nghiệp. Tuy vậy, ông cũng mắc phải trường hợp tương tự đồng nghiệp: là lựa chọn thứ hai sau khi một nhân vật khác từ chối vai diễn. Nhờ Sean Connery không nhận vai nên rốt cuộc Anthony Hopkins mới bước được lên đài danh vọng Oscar 1992 và nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Báo chí và các nhà phê bình khắp thế giới hầu hết đều tán thưởng nhiệt liệt cách diễn tinh tế, ma quái, rùng rợn và cũng đầy ranh mãnh của ông khi hóa thân thành Hannibal. Chỉ cần nhìn cái cách nhân vật của ông nhe răng cười trên màn ảnh cũng đủ để hàng triệu người phải nổi da gà. Chính vì vậy mà có thể nói diễn xuất của Anthony Hopkins là yếu tố góp phần vô cùng lớn lao trong việc thành công của bộ phim.
Nâng tầm dòng phim kinh dị
Dù được xem là bộ phim hoàn hảo, không tì vết nhưng kỳ thực ban đầu, khi vừa ra mắt, Sự im lặng của bầy cừu không gặt hái nhiều thành công như mong đợi. Tuần đầu tiên công chiếu của tác phẩm chỉ thu về được vỏn vẹn 18 triệu đô-la Mỹ. Con số này sau đó vẫn giảm dần theo từng tuần, nhưng chính những bài viết nhận định tích cực của giới phê bình đã giúp bộ phim liên tục trụ vững tại các rạp chiếu. Kết quả, Sự im lặng của bầy cừu được xếp lịch chiếu đến 18 tuần, thu về tổng cộng hơn 272 triệu đô-la Mỹ, gần gấp 24 lần kinh phí làm phim.
Ánh mắt của Anthony Hopkins khiến người xem nổi da gà - Ảnh: AFP
Ngoài thành công về mặt thương mại, Sự im lặng của bầy cừu cũng thay đổi cái nhìn đầy định kiến của các nhà chuyên môn về thể loại phim kinh dị. Sự giao thoa hài hòa giữa những tình tiết tâm lý lẫn sự rùng rợn đã khiến bộ phim chinh phục được mọi đối tượng khán giả, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường mà vẫn đậm tính nghệ thuật. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã từng gọi tác phẩm này là một bộ phim mang tính biểu tượng văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ của quốc gia.
Hiệp hội Điện ảnh Mỹ cùng từng bầu chọn nó vào nhiều bảng xếp hạng khác nhau như 100 bộ phim hay nhất mọi thời đời, 100 bộ phim dị xuất sắc nhất... Hai nhân vật Hannibal Lecter và Clarice Starling cùng xuất hiện trong danh sách Những ác nhân được yêu thích nhấtAnh hùng được yêu thích nhất.
Đã ¼ thế kỷ trôi qua kể từ ngày bộ phim ra mắt, Sự im lặng của bầy cừu vẫn là một cái bóng quá lớn để các tác phẩm tâm lý - kinh dị sau này có thể vượt qua. Nó là một minh chứng đơn giản và rõ ràng nhất cho cái chân lý, rằng những bộ phim chạm được tới đáy sâu tâm lý của loài người mới là những bộ phim vĩ đại nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.