Một ngày sau vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong vì tiêm vắc xin phòng viêm gan B xảy ra tại Bệnh viện đa khoa H.Hướng Hóa (Quảng Trị), dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Hàng loạt vấn đề chung quanh an toàn tiêm chủng được đặt ra.
Ai phải chịu trách nhiệm cho những cái chết tức tưởi như thế này? (Ảnh chụp chiều 20.7) - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Tại gia đình các trẻ sơ sinh xấu số, dù chưa hết bàng hoàng, đau đớn trước những cái chết tức tưởi thì thân nhân cũng phải lo việc mai táng cho các cháu. Mẹ ruột của sản phụ Trần Thị Hà (40 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh, H.Hướng Hóa) nghẹn ngào nói: “Chỉ mong sao các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân vụ việc để đừng có những cái chết bất ngờ, tức tưởi như cháu tôi”. Riêng con của anh Nguyễn Đình Đạo (35 tuổi, trú khóm Đông Chính, thị trấn Lao Bảo) thì phải đưa về quê gốc thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế để mai táng. Bi đát nhất là gia đình của sản phụ Hồ Thị Du (18 tuổi, trú xã Thuận, H.Hướng Hóa), vì sống ở xã vùng sâu, đời sống rất khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết đã yêu cầu ngành y tế có phương án chăm sóc đặc biệt đối với 3 sản phụ vừa mất con.
Do chất lượng, nhãn mác hay bảo quản... ?
|
Như Thanh Niên đã thông tin, số vắc xin khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong thuộc 2 lô vắc xin V-GB 020812E và lô V-GB 030812E, sản xuất tháng 9.2012, có hạn sử dụng đến năm 2015, do Công ty vắc xin sinh phẩm số 1 cung cấp. Bệnh viện đa khoa H.Hướng Hóa chỉ mới nhận số vắc xin này từ Trung tâm y tế dự phòng huyện vào chiều 18.7.
Một thông tin rất đáng chú ý do ông Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị, cung cấp: “Thông thường các loại vắc xin sinh phẩm được bảo quản phụ thuộc vào nhiệt độ thì nhà sản xuất cần có “Tem chỉ thị nhiệt VVM” trên vỏ để giám sát quá trình bảo quản. Khi nhiệt độ thay đổi, tem này sẽ thay đổi màu tương ứng. Nhưng vỏ vắc xin viêm gan B dành cho trẻ sơ sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng lại không có tem này”. Cũng theo ông Tường, vắc xin phòng viêm gan B bảo quản trong điều kiện nhiệt độ chuẩn từ 2 - 8 độ C ổn định lâu dài, tiêm phòng là tốt nhất; từ 20 - 25 độ C ổn định vài tháng, còn trong điều kiện nhiệt độ 37 độ C ổn định vài tuần.
Trong khi đó, GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế khuyến cáo: “Việc điều tra các phản ứng sau tiêm vắc xin cần lưu ý, nếu tai biến liên quan đến cơ địa thì chỉ xảy ra riêng lẻ, cá nhân. Còn nếu sự cố sau tiêm là chùm tai biến với cùng một lô vắc xin cần xem xét các yếu tố liên quan tác động đến chất lượng của vắc xin. Chất lượng của vắc xin có thể do sản xuất nhưng cũng phụ thuộc điều kiện bảo quản, tuân thủ về vô khuẩn”.
GS-BS Nguyễn Đình Bảng, thành viên Hội đồng tư vấn vắc xin sinh phẩm Bộ Y tế, cũng phân tích: “Cần xem xét thực hành tiêm chủng đối với vắc xin này. Với một lọ vắc xin được lấy trong tủ lạnh, phải được để ấm trước khi tiêm cho trẻ, nếu tiêm ngay cơ thể trẻ có thể sốc vì lạnh”.
Lọ vắc xin viêm gan B dành cho trẻ sơ sinh (trái) không có “Tem chỉ thị nhiệt VVM” trên vỏ để giám sát quá trình bảo quản (lọ bên phải là vắc xin 5 trong 1 do Hàn Quốc sản xuất, tem chỉ thị nhiệt là dấu vuông màu trắng) - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Có cần phải tiêm ngay khi trẻ vừa được sinh ra ?
|
PGS-TS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội Chu sinh - sơ sinh TP.HCM, cho rằng với những bà mẹ mang thai có nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B (VGSVB), thì theo hướng dẫn chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và trong nước, cần tiêm phòng bệnh cho trẻ sau sinh trong vòng 24 giờ đầu để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao.
Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Minh Xuân lưu ý: “Mặc dù tiêm mũi đầu tiên ngừa bệnh VGSVB càng sớm càng tốt cho bé sau sinh, nhưng bác sĩ cần phải khám sàng lọc kỹ cho bé, khi thấy trẻ thật sự khỏe thì mới cho tiêm, chứ không phải vừa sinh ra là cứ thế tiêm ngay. Bởi vì có những bé mắc bệnh tim, bệnh rối loạn chuyển hóa, hay những bệnh lý bẩm sinh nào đó khác, nhưng lúc mới vừa sinh ra chưa biểu hiện bệnh, mà 2 giờ sau mới có triệu chứng. Việc tiêm vắc xin ngay khi vừa sinh mà chưa khám sàng lọc, nếu có xảy ra biến chứng hoặc tử vong sẽ không biết được nguyên nhân do trùng lắp bệnh, hay do chất lượng vắc xin, kỹ thuật tiêm...”.
TS-BS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng phân tích: “Việc chỉ định tiêm cần lưu ý với trẻ sơ sinh, vì hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Cần lưu ý khám sàng lọc trước tiêm, vì có một số bệnh bẩm sinh không nên tiêm hoặc trì hoãn tiêm, mặc dù ở trẻ sơ sinh việc khám sàng lọc khá khó khăn”.
Còn với những trường hợp bà mẹ mang thai qua kiểm tra không nhiễm vi rút VGSVB thì sao? Trả lời câu hỏi này của Thanh Niên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nói rõ: “Nếu bà mẹ mang thai không bị nhiễm vi rút VGSVB, thì không nhất thiết phải tiêm vắc xin phòng bệnh ngay trong 24 giờ sau sinh, mà có thể tiêm trong vòng 7 ngày đầu”.
Lúc 18 giờ ngày 21.7, đoàn chuyên gia của Bộ Y tế do GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư dẫn đầu đã đến Quảng Trị và có cuộc làm việc nhanh với lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để nắm thêm thông tin. Sau cuộc họp, phía đoàn chuyên gia chưa có bình luận gì.
Theo dự kiến, chiều nay 22.7 sẽ diễn ra cuộc họp chính thức giữa đoàn chuyên gia với UBND tỉnh, công an và ngành y tế tỉnh Quảng Trị.
Nguyễn Phúc - Liên Châu - Thanh Tùng
>> Bộ Y tế vào cuộc vụ 3 trẻ sơ sinh chết sau khi tiêm vắc xin
>> Tạm dừng tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại Quảng Trị
>> 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin
>> Ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B
Bình luận (0)