>> Doanh nghiệp khó khăn, 4.100 lao động mất việc
>> Hỗ trợ thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp khó khăn
>> Luật phải để doanh nghiệp yên tâm làm ăn
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc - Ảnh: N.T
Gần 500.000 doanh nghiệp là “đội thuyền thúng”
Đó là thông tin được Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ với báo chí trong buổi gặp gỡ sáng 27.4. Với một tâm trạng hồ hởi, vị chủ tịch đại điện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước cho biết đây sẽ là hội nghị mang tầm vóc, quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Sẽ có 4 Phó thủ tướng, 9 tư lệnh ngành, hàng trăm doanh nghiệp tham gia (hơn 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ). Đặc biệt là vai trò chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều đó cho thấy quyết tâm hành động của Chính phủ trong việc giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua sóng gió, hồi sinh và vươn ra biển lớn. “Một niềm tin, động lực mới sẽ được truyền lửa tới các doanh nghiệp trong Hội nghị”, ông Lộc nói.
Nhìn vào “sức khỏe” của các doanh nghiệp, ông Lộc lộ rõ vẻ lo lắng, nhưng cũng chỉ gói gọn lại trong một câu: “Doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp dân doanh đang đứng trước một giai đoạn khó khăn nhất của mình rồi”. Sự lo ngại này là điều dễ hiểu khi sau 30 năm cải cách với các cơ hội kinh doanh bùng nổ, nhìn lại cả nước còn hơn 500.000 (có hơn 3.000 của nhà nước, gần 8.000 có vốn đầu tư nước ngoài), còn lại 95 - 96% các doanh nghiệp cỡ nhỏ và siêu nhỏ. Số này đang được các nhà kinh tế ví như “đội thuyền thúng” bơi ra biển lớn. Còn riêng cá nhân ông Lộc khi nhìn vào “tầm vóc”, quy mô, năng lực tài chính yếu kém, công nghệ lạc hậu, lượng nhân công ít ỏi… thì so sánh như đội quân bé “ly ti” không đủ sức để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
“Chúng ta chưa thể tạo ra được một thế hệ các nhà công nghiệp gắn liên tên tuổi sự nghiệp và với các thương hiệu lớn”, ông Lộc chia sẻ.
Giảm thuế, phí khoan sức doanh nghiệp
Trong 300 kiến nghị, qua tổng hợp VCCI sẽ đặt lên bàn Thủ tướng 8 nhóm giải pháp lớn. Trong đó, nổi bật và cốt yêu nhất theo ông Lộc, Chính phủ cần bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Phải tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong thành lập, đầu tư, kinh doanh và rút khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, việc khoan sức cho doanh nghiệp cũng hết sức cần thiết trong giai đoạn khó khăn này. Các doanh nghiệp lớn mong muốn sớm được rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập xuống 20%. Mở rộng tín dụng, giảm mức phí và lệ phí cũng là các giải pháp quan trọng trước mắt.
Trong 8 nhóm giải pháp, các doanh nghiệp cũng đề nghị Thủ tướng sớm có giải pháp về công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực tạo lực đẩy giúp doanh nghiệp tự tin bởi ra biển lớn.
“Những giải pháp cụ thể sẽ được báo cáo tại hội nghị và gửi lên Thủ tướng. Nhưng quan trọng hơn cả doanh nghiệp đang chờ đợi một niềm tin, động lực mới từ sự quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành. Khi đó họ mới yên tâm để khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh đóng góp sức lực, của cải cho nền kinh tế”, ông Lộc khẳng định.
Anh Vũ
Bình luận (0)