Tình cảm của người dân mỹ
34 ngày với 2 cuộc biểu tình, 51 cuộc gặp gỡ tại các thành phố lớn của Mỹ: Los Angeles, Chicago, Atlanta, New York, Washington D.C, Seattle và San Francisco. Đó là những gì mà Đoàn vận động hành trình vì công lý Việt Nam lần V đã trải qua. Đoàn hành quân với sự giúp sức của Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) Việt Nam, Hội Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ.
“Những ngày trên đất Mỹ là khoảng thời gian xảy ra nhiều sự kiện bằng cả cuộc đời của tôi, với những cuộc đấu tranh vì công lý không ngừng nghỉ tại nơi này. Cũng ở đó, tôi đã gặp những người bạn Mỹ giúp đỡ rất nhiều cho người dân Việt Nam trong cuộc chiến giành lại công bằng cho những NNCĐDC Việt Nam” - bà Hiền xúc động kể lại.
Vừa đặt chân đến Los Angeles, bà Hiền và 2 thành viên trong đoàn đã lập tức có những cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh Mỹ, tổ chức 6 lần hội nghị, tổ chức chiếu phim về những hình ảnh của NNCĐDC Việt Nam, 3 lần phỏng vấn tiếp xúc với Việt kiều. 3 ngày sau, đoàn đến Chicago. Ở đây, đoàn có 6 lần tuyên truyền về hành trình vì công lý cho NNCĐDC Việt Nam. Đặc biệt nhất là buổi nói chuyện tại trường Jone College Prep. Khi chứng kiến những con người thật, việc thật, những hình ảnh minh chứng qua những thước phim, hiệu trưởng và các học sinh tại đây vô cùng cảm động. Một học sinh da màu phát biểu trước đám đông: “Em vô cùng cảm động khi xem những hình ảnh này. Em ngạc nhiên vì sao Chính phủ Mỹ lại không công khai những hình ảnh này cho chúng em biết? Nhìn những hình ảnh này, chúng em là người Mỹ cảm thấy rất xấu hổ vì những gì Chính phủ Mỹ đã gây ra cho những người Việt Nam!”. Những học sinh có mặt đều đồng tình, và thầy giáo phát động làm bài luận về đề tài này vào ngày mai…
Tại Atlanta sau đó, rất nhiều cơ quan báo chí quốc tế đã đến phỏng vấn. Đoàn gặp gỡ những thành viên từng tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, chính họ đã đưa đoàn đến với lãnh đạo của bang, gặp trợ lý của lãnh đạo bang, ông này ghi chép tất cả rất tỉ mỉ và hứa sẽ chuyển thông tin lên cấp trên ngay lập tức. Cũng tại bang này, đoàn đã tham gia và phát biểu ý kiến tại hội nghị của những người da màu, họ đã rất nhiệt tình ủng hộ NNCĐDC Việt Nam trong vụ kiện. Đến New York, đoàn ở nhà ông
Frank - giáo sư khoa học nghiên cứu về môi trường, và vợ là bà Giely - Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế. Đoàn cũng tham gia biểu tình, vận động nói chuyện tại nhà thờ. Ở Washington, với sự giúp đỡ của Goef - một cựu chiến binh ở Irắc, đoàn đã được đến gặp các nghị sĩ Quốc hội Mỹ. Goef đã lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của NNCĐDC Việt Nam… Tổng cộng tại New York, có đến 10 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nghị sĩ Mỹ - trong đó có 7 trợ lý và 3 nghị sĩ. Sau đó, đoàn tiếp tục đến Seatle và Francisco, tiếp tục có những hoạt động tương tự…
|
Đi đến đâu, đoàn cũng nhận được những tình cảm nồng hậu từ phía những cựu chiến binh Mỹ, của những người ủng hộ vụ kiện của NNCĐDC Việt Nam. Song, cũng không ít lần đoàn đối mặt với những nguy hiểm…
Cuộc biểu tình đáng nhớ
Với bà Hiền, một sự kiện không thể nào quên trong hành trình vận động ủng hộ NNCĐDC Việt Nam, là cuộc biểu tình nảy lửa tại New York vào ngày 1.5. Bà Hiền nhớ như in từng chi tiết nhỏ. Hôm đó, có hơn 15.000 người biểu tình chống chiến tranh hạt nhân tập trung ở Quảng trường Thời đại. Trước đó một ngày, một xe cảm tử khủng bố chở bom mìn đến quảng trường này, nhưng cảnh sát phát hiện và tháo gỡ kịp thời. Tuy nhiên, đoàn người biểu tình vẫn không hề run sợ trước thông tin đó. Trong không khí sục sôi của cuộc biểu tình, sau diễn thuyết của đoàn Nhật Bản nói về sự kiện bom nguyên tử ném xuống Hiroshima; bà Hiền đã cùng Minh bước lên bục diễn thuyết, phát biểu về những hậu quả của chất độc da cam mà người dân Việt Nam đã gánh chịu. Nhân chứng sống là hình ảnh của chàng thanh niên trẻ trung tên Minh đã phải gánh chịu số phận nghiệt ngã đứng trước đám đông càng khiến hàng nghìn người giơ tay ủng hộ. Sau bài phát biểu, bà Hiền cùng Minh hô vang khẩu hiệu: “Không chiến tranh, không vũ khí hạt nhân, không vũ khí hóa học”. Rất đông phóng viên quốc tế đã đến ghi hình đoàn Việt Nam đi đòi công lý. Sức lan tỏa vô cùng lớn.
Ngay khi đoàn về Việt Nam chưa được bao lâu, PV của đài phát thanh tại San Francisco (Mỹ) đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hiền ngay tại Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC Đà Nẵng. Khi PV này hỏi tại sao Việt Nam vẫn không ngừng theo đuổi vụ kiện, bà Hiền trả lời: Việt Nam muốn Mỹ và 37 công ty sản xuất hóa chất phải nhận trách nhiệm và trả lại công lý cho những người dân vô tội gánh chịu hậu quả của chất độc da cam/dioxin. “Chúng tôi sẽ kiện đến cùng, đến khi nào phía Mỹ chịu thừa nhận!” - bà Hiền khẳng định. |
Đó là cuộc biểu tình đáng nhớ nhất. Trước đó, ngay trong ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, đoàn đã lập tức tham gia biểu tình chống Công ty DOW - là công ty đã sản xuất ra chất độc da cam/dioxin sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Trên đường phố của Los Angeles, với những chùm bóng bay màu cam, với những biểu ngữ “DOW, đừng chạy trốn, hãy làm sạch dioxin ở Việt Nam!”. Nhiều PV nước ngoài đã đến ghi lại hình ảnh, phỏng vấn những thành viên trong đoàn. Cũng ngay tại lễ tưởng niệm Howard Xinn (nhà sử học từng tham chiến tại Việt Nam, đã viết sách và quay phim về NNCĐDC ở Việt Nam… - PV) tại thánh đường Immanuel với khoảng 1.000 người tham dự; sau buổi tưởng niệm, đoàn đã có những phát biểu, công bố hình ảnh NNCĐDC hiện nay tại Việt Nam.
“Nước Mỹ đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Nếu không có những người cựu chiến binh Mỹ giúp đỡ trong 34 ngày ở Mỹ thì chúng tôi hẳn không thể biết mình sẽ phải làm gì và làm như thế nào cho thật hiệu quả. Họ thật tâm huyết và nhiệt tình. Tôi đã khóc òa khi thấy người lái taxi da màu ở New York lưu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiếc điện thoại của mình. “Bác Hồ là người hùng trong trái tim tôi!” - người lái taxi hãnh diện nói. Và tôi cũng không thể quên câu nói của trợ lý thượng nghị sĩ Kirten Gillibrand: “Các bạn đừng bao giờ đầu hàng. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ cho các bạn. Hãy chuẩn bị thật chu đáo để đừng xảy ra sơ suất khi tiến hành vụ kiện!”. Câu nói đó làm cho chúng tôi càng thêm quyết tâm!” - bà Hiền kể.
Diệu Hiền
Bình luận (0)