Hệ tiêu hóa bắt đầu từ miệng và kết thúc ở hậu môn, có chức năng tiếp nhận thức ăn, tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải ra ngoài. Do đó, nếu hệ tiêu hóa, đặc biệt là ruột, có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng của cơ thể, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Vấn đề đường ruột có thể dẫn đến các biểu hiện sau:
Mệt mỏi mạn tính
Mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột có thể gây viêm nhẹ và ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng, khiến cơ thể mệt mỏi. Tuy nhiên, người bệnh dễ lầm tưởng là đang bị mệt mỏi mạn tính, thiếu máu hoặc các bệnh lý nội tiết khác.
Nhức đầu hoặc đau nửa đầu
Một điều không phải ai cũng biết là ruột và não có sự liên kết mật thiết với nhau. Điều này thể hiện qua liên kết thần kinh, hoóc môn, khả năng vi khuẩn đường ruột gây phản ứng viêm và từ đó tác động đến não. Sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột có thể kích hoạt cơn đau đầu.
Trong khi đó, người bệnh thường nghĩ đau đầu là do căng thẳng, huyết áp cao hoặc bệnh lý thần kinh.
Vấn đề về da
Bất ổn đường ruột, đặc biệt là hội chứng rò rỉ ruột, có thể gây viêm nhiễm. Hệ quả là dẫn đến đến vấn đề về da như nổi mụn hay ngứa dữ dội. Nhiều người dễ nhầm lẫn là dị ứng hoặc mụn do nội tiết.
Tâm trạng thay đổi
Sức khỏe đường ruột kém có thể ảnh hưởng đến tâm trạng. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy rối loạn đường ruột có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Khi đó, men vi sinh có thể giúp xử lý tình trạng này.
Để bảo vệ sức khỏe đường ruột, mọi người cần giảm căng thẳng, ăn chậm và ăn các món có lợi cho vi khuẩn đường ruột. Các biện pháp giúp giảm căng thẳng là thiền định, đi bộ hay dành thời gian với bạn bè, gia đình. Giấc ngủ cần được duy trì 7-8 tiếng/ngày.
Sau giấc ngủ thì cần chú trọng bữa ăn, ăn quá nhanh sẽ dẫn đến tiêu hóa kém gây hại cho ruột. Thay vào đó, chúng ta nên ăn chậm, nhai kỹ. Chế độ ăn hằng ngày nên có các món có lợi cho vi khuẩn đường ruột như sữa chua, kim chi, yến mạch, chuối, dưa chua hay rau củ lên men, theo Verywell Health.
Bình luận (0)