Đây là thắc mắc của bạn Lan Anh (23 tuổi, sinh viên mới ra trường tại TP.HCM) về những khoản tiền mà lương của người lao động bị khấu trừ.
Với câu hỏi này, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, hiện theo quy định tại điều 90 bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tuy nhiên, dù lương do 2 bên thỏa thuận, nhưng người lao động sẽ bị trừ một số khoản để thực hiện các nghĩa vụ. Cụ thể gồm:
1. Trừ tiền bảo hiểm
Điều 168 bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp.
Mức đóng các khoản bảo hiểm này được quy định tại Công văn 2525/VBHN-BHXH của BHXH Việt Nam (văn bản hợp nhất về quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).
Theo đó, dựa trên tiền lương tính đóng BHXH hằng tháng, người lao động phải đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất (công ty đóng thêm 14%), 1,5% đóng vào quỹ BHYT (công ty đóng thêm 3%) và 1% đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (công ty đóng thêm 1%).
Phía công ty sẽ đóng thêm 0,5% dựa trên tiền lương đóng BHXH của người lao động cho bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và 3% vào quỹ ốm đau và thai sản.
2. Thuế thu nhập cá nhân
Tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, trợ cấp được tính là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.
Trong đó, thuế suất được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần được quy định tại điều 22 luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, năm 2014 và năm 2020). Cụ thể, thu nhập đến 5 triệu đồng, tính thuế suất 5%; trên 5 - 10 triệu đồng, tính thuế 10%; trên 10 - 18 triệu đồng, tính thuế 15%; trên 18 - 32 triệu đồng, tính thuế 20%; trên 32 - 52 triệu đồng, tính thuế 25%; trên 52 - 80 triệu đồng, tính thuế 30%; trên 80 triệu đồng, tính thuế 35%.
Về thu nhập tính thuế, căn cứ theo quy định tại điều 21 luật Thuế thu nhập cá nhân, đây là khoản tiền sau khi trừ đi các khoản đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc và các khoản giảm trừ theo quy định của pháp luật.
Cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo, các khoản miễn thuế. Trường hợp có người phụ thuộc thì được giảm trừ gia cảnh thêm 4,4 triệu đồng/mỗi người phụ thuộc.
3. Phí công đoàn, chi đoàn
Căn cứ theo quy định tại điều 26 luật Công đoàn 2012, được hướng dẫn bởi chương 2 Nghị định 191/2013/NĐ-CP thì kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.
Nếu người lao động tự nguyện đăng ký gia nhập và tham gia tổ chức công đoàn, thì đoàn phí công đoàn được trừ trực tiếp vào tiền lương của người lao động. Mỗi tháng, người lao động trích 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để đóng phí công đoàn, nhưng đóng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở.
Ở những nơi có chi đoàn (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), người lao động là đoàn viên sẽ đóng phí hằng tháng cho chi đoàn. Mức đóng đoàn phí thực hiện theo quy định hiện hành, căn cứ vào tình hình thực tế Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ trình Ban Thường vụ Trung ương Đoàn xem xét điều chỉnh mức đóng hợp lý.
Ngoài ra, người lao động là đảng viên cũng sẽ đóng đảng phí theo quy định.
4. Phí khác
Người lao động (đơn cử như công chức, lao động trong cơ quan hành chính) có thể trích tiền đóng góp vào một số loại quỹ như phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo… hoặc một số chương trình an sinh xã hội khác.
Bình luận (0)