4 kỳ vọng của Việt Nam tại COP28

29/11/2023 04:30 GMT+7

Chiều qua 28.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội tới thủ đô Ankara, thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và tham dự hội nghị COP28 cùng các hoạt động song phương tại UAE từ ngày 29.11 - 3.12.

Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với UAE.

4 kỳ vọng của Việt Nam tại COP28 - Ảnh 1.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci tiễn Thủ tướng và phu nhân tại sân bay Nội Bài

Nhật Bắc

Đặc biệt, các hoạt động song phương tại UAE là chuyến thăm thứ 2 của người đứng đầu Chính phủ tới khu vực Trung Đông chỉ trong vòng 2 tháng, ngay sau chuyến thăm Ả Rập Xê Út và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC hồi tháng 10.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, chuyến công tác của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị và tạo động lực mới, mang tính đột phá cho hợp tác của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE trong tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, tới các lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, năng lượng…

Ngoài các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao và chính khách của các nước, Thủ tướng cũng sẽ tham dự và phát biểu ở các diễn đàn, tọa đàm doanh nghiệp, tiếp các doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và UAE; tìm kiếm cơ hội và mở thêm thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao mới, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, năng lượng sạch, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Cam kết mới về chống biến đổi khí hậu

Tại UAE, dự kiến có hơn 130 nguyên thủ và lãnh đạo các quốc gia đến tham dự để cùng trao đổi, tìm kiếm giải pháp lâu dài trong ứng phó biến đổi khí hậu tại hội nghị COP28 - đây cũng là sự kiện đa phương quan trọng nhất về biến đổi khí hậu trong năm nay.

COP28 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, được cộng đồng quốc tế quan tâm cao nhất trong năm 2023. Trên phạm vi toàn cầu, tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đòi hỏi các quốc gia cần hành động khẩn trương và mạnh mẽ để đạt được mục tiêu theo Thỏa thuận Paris về giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Việc ứng phó biến đổi khí hậu cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đảm bảo công bằng, công lý khí hậu và dựa trên nền tảng là đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong đó các nước phát triển có vai trò đi đầu, tạo động lực cho các hành động khí hậu, đồng thời tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, Việt Nam kỳ vọng hội nghị COP28 sẽ đạt được những bước tiến thực chất, đặc biệt trên 4 lĩnh vực. Một là, các nước tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng. Hai là, các nước phát triển thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong việc cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình này (bao gồm thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỉ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030). Ba là, quan tâm thích đáng tới hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa ra được Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi. Bốn là, sớm đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới, lớn hơn hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Về phía Việt Nam, từ sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP26 (năm 2021), Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có những hành động quyết liệt và cụ thể nhằm đạt mục tiêu này.

Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các hoạt động của Thủ tướng tại UAE cũng giúp đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển nhanh, thực chất và hiệu quả. Lãnh đạo hai nước đồng quan điểm phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế. Triển vọng nâng cấp quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới là rất lớn. Kim ngạch thương mại song phương (không bao gồm sản phẩm dầu khí) đạt trên 5 tỉ USD năm 2022 (theo số liệu của UAE là 8,3 tỉ USD bao gồm cả xuất khẩu sang nước thứ 3), hợp tác kinh tế đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực.

Việt Nam - UAE cũng đang đẩy nhanh đàm phán, hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA).

4 kỳ vọng của Việt Nam tại COP28 - Ảnh 2.

4 kỳ vọng của Việt Nam tại COP28 - Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.