Khi xung đột vợ chồng lên đến đỉnh điểm, đàn ông thường mất bình tĩnh, quát tháo, đập phá, thậm chí đánh vợ mặc dù mình sai. Còn phụ nữ thì sao? Phản ứng mạnh nhất của nhiều phụ nữ ngày nay là tuyên bố không thể tiếp tục chung sống nữa, và đùng đùng gói ghém quần áo đem con về ngoại. Coi như họ ly thân và sẵn sàng đưa đơn ra tòa. Không ít cuộc hôn nhân đã tan vỡ như thế.
Đa số đàn ông rơi vào cảnh này đều tỏ ra ân hận, biết là mình sai nhưng không biết phải sửa thế nào và làm gì để cứu vãn hôn nhân? Tiếp xúc với nhiều trường hợp như thế, các nhà tâm lý nhận thấy đàn ông thường mắc vào bốn điều dại dột sau đây. Nó chẳng những không cứu vãn được hôn nhân mà có khi còn dẫn đến đổ vỡ hoàn toàn.
Sai lầm thứ nhất: gọi vợ trở về
Nhưng cách này không hiệu quả vì khác nào bạn khẳng định việc cô ấy bỏ đi là sai. Thế nên, càng lớn tiếng gọi vợ về càng làm tình hình xấu thêm. Lẽ ra, trong trường hợp này người chồng cần phải nói với vợ: “Anh hiểu vì sao em bỏ đi, bởi vì đã nhiều lần em đòi anh sửa đổi mà không kết quả. Anh rất lấy làm tiếc. Đúng là anh không mang lại được hạnh phúc cho em và việc em bỏ về nhà mẹ là dễ hiểu”. Bạn phải thừa nhận việc bỏ đi của cô ấy là đúng.
Sau đó, bạn cần khẳng định không thể sống thiếu cô ấy và bạn đã hiểu rằng chính mình cần phải thay đổi một cách nghiêm túc. Nhưng thông thường đàn ông không làm thế. Anh ta gọi điện thoại cho vợ thay vì đích thân đến gặp. Đã không nhận lỗi, anh ta còn khẳng định vợ bỏ đi như thế là không nên, lại đòi vợ chuyển máy để nói chuyện với con. Có anh còn hứa cuối tuần sẽ đến đưa con đi công viên, khác nào vẫn muốn khẳng định mình là người cha, người chồng tốt. Chỉ có vợ là sai và cô ấy càng thêm tức.
Sai lầm thứ hai: phát “băng”: anh hứa...
Đàn ông thường hứa họ sẽ thay đổi ngay nhưng lời hứa đó chẳng giá trị gì vì anh ta đã hứa nhiều lần. Người vợ thừa biết lời hứa của chồng chỉ là giải pháp tình thế nên điều đó không hấp dẫn. Họ cần một người đàn ông có nghị lực, đáng tin cậy, hiểu được vợ cần gì. Vì thế bạn đừng bao giờ tuyên bố là mình “sẽ thay đổi” hoặc “đang thay đổi” một cách dễ dàng thế. Bạn chỉ cần khẳng định điều tốt nhất mình có thể làm lúc này là quyết tâm cứu vãn cuộc hôn nhân.
Sai lầm thứ ba: hấp tấp làm lành với vợ
Sau khi vợ đi, người chồng thường liên tục gọi điện, kể cả đến tận nơi tìm vợ. Điều đó chỉ làm tình hình xấu thêm vì lúc này cô ấy không có tâm trạng để nói chuyện bình tĩnh. Bạn càng tranh luận hoặc thuyết phục thì càng thất bại.
Bạn có thể nói chuyện với con vào buổi tối, nhưng chỉ được nói với vợ nếu cô ấy muốn, bởi vì cứ bắt đầu nói là cãi nhau. Nếu vợ nói thì bạn chỉ nên lắng nghe cô ấy trút những nỗi phẫn uất của mình, đừng thanh minh hay phản công lại.
Bạn phải để cho vợ nói thoải mái. Đó là một kỹ năng rất đơn giản mà bạn cần học nếu muốn cứu vãn hôn nhân. Xưa nay bạn chỉ thích khẳng định mình đúng, người khác sai. Hoặc tệ hơn, không làm một việc gì để người khác cảm thấy dễ chịu hay ít nhất được tôn trọng.
Sai lầm thứ tư: tống hết lỗi về phía vợ
Đàn ông thường hay đổ hết tội lên đầu vợ. Tất nhiên chẳng ai hoàn hảo. Có thể cô ấy cũng có những yếu kém, thậm chí sai lầm. Nhưng bây giờ chưa phải lúc nói chuyện đó. Càng đổ lỗi cho vợ chỉ khiến họ càng bất mãn. Cuối cùng bạn chỉ nói cái bạn muốn, không cần biết đối phương muốn gì. Kết quả là người vợ càng thất vọng hơn và có thể đưa đến những cuộc ly hôn oan uổng. Bạn chỉ nên nhận trách nhiệm về phía mình, và đừng bao giờ dùng con làm áp lực buộc cô ấy trở về.
Nếu đàn ông tránh được bốn điều dại dột trên trong tình huống vợ bỏ đi, anh ta sẽ làm người bạn đời bắt đầu nhìn thấy tia hi vọng trong cách cư xử của chồng. Tất nhiên đây chỉ là bước đầu nhằm đưa người vợ trở về nhà. Muốn giải quyết triệt để mâu thuẫn phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề và có cách xử lý vấn đề đó tận gốc.
Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa/ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)