Bà Thanh là người duy nhất còn sống trong cuộc thảm sát do lính Trung Quốc gây ra tại xóm Lũng Riềng (xã Quốc Phong, H.Quảng Uyên, Cao Bằng) rạng sáng 2.3.1979 làm 28 thương binh, y tá và người dân bị chết.
Thoát chết vì bạn chở che
Năm 1979, bà Thanh 19 tuổi, đang theo học lớp 10/10 Trường cấp 3 Quảng Uyên (TT.Quảng Uyên, H.Quảng Uyên, Cao Bằng). Rạng sáng 17.2.1979, pháo Trung Quốc từ bên kia biên giới bắn trùm lên thị trấn nằm án ngữ giữa đường từ cửa khẩu Tà Lùng và Trà Lĩnh về TX.Cao Bằng, nơi có sở chỉ huy Trung đoàn 567 đóng quân. Người dân phải chạy lên rừng sơ tán.
Buổi chiều khi đã ngớt pháo, bà Thanh cùng một số thanh niên quay xuống lấy thêm đồ đạc thì được ông tổ trưởng dân phố vận động ra giúp bộ đội chuyển đạn từ ô tô xuống sân kho, rồi chuyển lên tuyến trên để chặn lính Trung Quốc. Xong việc, bà cùng mấy bạn nữ kéo nhau vào bệnh xá Trung đoàn 567 (khi đó thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng) đóng ngay cạnh thị trấn. Thấy bộ đội bị thương quá nhiều, y bác sĩ lại ít nên bà Thanh và bạn cùng tuổi Phương Thị Sáu, Nguyễn Thị Thủy tìm chỉ huy đại đội quân y xin ở lại giúp bệnh xá.
“Ban đầu các chú không cho vì đang còn học sinh, bảo phải có ý kiến gia đình. Mãi đến khi mẹ bạn Thủy đến bảo lãnh, bộ đội mới đồng ý”, bà Thanh nhớ lại và kể: “Thường ai cũng sợ máu, nhưng lúc ấy thấy các anh, các chú bị thương nhiều quá nên chúng tôi quên sợ. Chúng tôi làm mọi việc, từ bón cháo, giặt giũ thay đồ, dìu cõng, thay băng, phụ việc y tá... từ ngày 18.2 đến đầu tháng 3.1979”.
|
Ngày 1.3.1979, TT.Quảng Uyên bị bao vây cô lập bởi các mũi tấn công của Trung Quốc từ Tà Lùng, Trà Lĩnh sang, dưới TX.Cao Bằng lên. Do cạn kiệt súng đạn, lương thực và bị thương vong nhiều sau nửa tháng cầm cự, Sở Chỉ huy Trung đoàn 567 phải rút quân và lệnh cho bệnh xá chuyển thương binh lên hang Ngườm Hẩu (xóm Lũng Riềng, xã Quốc Phong, H.Quảng Uyên) cách đó gần 10 km, sau đó vận tải xuyên rừng về phía sau. Ròng rã từ sáng đến đêm, bà Thanh cùng mọi người đi lại chuyển gần 100 thương binh lên hang Ngườm Hẩu để bộ phận vận tải đưa đi tiếp.
Rạng sáng 2.3.1979, khi số thương binh đã được chuyển đi gần hết, bà Thanh tranh thủ chợp mắt ngay góc hang, cùng với 2 bạn Phương Thị Sáu, Nguyễn Thị Thủy và 3 người dân trong xã. Chưa được tiếng đồng hồ, bà bừng tỉnh vì lính Trung Quốc đã bao vây hang vừa bắn vừa gọi hàng. “Chúng tôi cùng nhau đưa thương binh vào sâu vách đá, toàn người bị thương nặng. Có 2 khẩu súng CKC thì 2 nữ y tá Đinh Thị Tuyến (sinh năm 1958, quê Ngọc Khê, Trùng Khánh, Cao Bằng) và Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1958, quê Phục Hòa, Cao Bằng) sử dụng, bắn trả lính Trung Quốc để đợi lực lượng chi viện”, bà Thanh kể.
Khi trời tang tảng sáng, bà Thanh bỗng thấy lửa tràn vào đầy hang và súng nổ rất to. “Trong chớp mắt, tôi thấy tối đen rồi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy trời đã tối đen, cựa quậy và lần mò mãi mới lờ mờ hiểu: Mình thoát chết vì bạn Thủy và Sáu đè lên người che chắn. Cả người tôi đầy máu. Bò khỏi hang xuống chân núi, gặp lính Trung Quốc phát hiện chĩa súng bắt giơ tay hàng tôi cũng kệ. Thần kinh tê liệt, người như thể chết rồi”, bà Thanh nhớ lại.
28 người nằm lại
Tôi tới UBND xã Quốc Phong (Quảng Uyên, Cao Bằng) hỏi đường lên Lũng Riềng, may mắn gặp ông Hứa Văn Quỳnh (54 tuổi, Phó chủ tịch HĐND xã Quốc Phong) rành rẽ câu chuyện và đưa lên hang Ngườm Hẩu. Tháng 2.1979, Sở Chỉ huy Trung đoàn 567 đóng tại nhà ông ở thôn Bản Chang (xã Quốc Phong). Buổi sáng 17.2.1979, Trung Quốc tấn công tuyến biên giới, ông xung phong vào đội dân quân gồm 17 người của xã tham gia phục vụ bộ đội chiến đấu, làm mọi việc từ vác đạn, tải thương cho đến canh gác và sẵn sàng đánh giặc. “Tôi biết rất rõ 3 chị xung phong làm việc ở đại đội quân y. Chị Sáu tuy hơn tuổi tôi nhưng học cùng lớp 9A”, ông Quỳnh nhớ lại.
Ngày 1.3.1979, bộ đội rút đi, dân cũng sơ tán lên núi, vào rừng. Đến đêm thì thương binh chuyển hết lên hang Ngườm Hẩu. Khoảng 4 giờ sáng 2.3.1979, ông Quỳnh và nhóm coi kho quân khí đang ăn cơm sáng thì nghe súng nổ chát chúa phía Lũng Riềng. Gần 1 tiếng sau, lính Trung Quốc từ Lũng Riềng theo đường mòn (nay là đường tỉnh 207) tràn xuống Bản Chang bắn xối xả khiến cả nhóm phải rút lên núi. Lúc ấy mọi người mới biết lính Trung Quốc từ Trà Lĩnh luồn sang đánh tập hậu Trung đoàn 567. Trên đường đi, thấy bộ đội ta trên hang Ngườm Hẩu cạnh đường nên tấn công...
Khoảng 10 ngày sau, khi Trung Quốc rút quân, ông Quỳnh dẫn một tổ công binh lên kiểm tra hang, bàng hoàng thấy cảnh đổ nát, khói đen ám đặc và thi hài nằm ngổn ngang. Sau khi dọn dẹp, xác định được 28 người hy sinh, trong đó có 20 thương binh, 2 nữ y tá và 6 người dân.
“Khi chôn cất 4 người nữ, chỉ nhận dạng được 2 nữ y tá và chị Thủy thấp đậm, người nữ còn lại bị cháy đen vì súng phun lửa nên cứ tưởng là Thanh, ghi tên lên bia đàng hoàng. Mãi sau mới biết người hy sinh là chị Phương Thị Sáu”, ông Quỳnh kể.
Thanh xuân không hối tiếc
Phần bà Thanh, sau khi xuống núi bị lính Trung Quốc bắt đưa về TT.Quảng Uyên giam giữ cùng nhiều người dân và 3 - 4 hôm sau lại bị bịt mắt, tống lên xe tải chạy sang bên kia biên giới. Do bị thương nên bà được đưa vào điều trị. Khi bị hỏi cung, bà một mực: “Đang là học sinh đi lánh nạn” và phản đối: “Tại sao các ông sang đốt nhà tôi, giờ lại bắt tôi?”.
Cuối tháng 5.1979, bà được phía Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) theo đợt đầu tiên gồm những người bị thương, sau đó được đưa về điều trị tại Bệnh viện Quân y 91 (Phổ Yên, Thái Nguyên). Khi về lại Quảng Uyên học tiếp cấp 3, bà được xác định thương tật 41%, xếp hạng thương binh 3/4. Năm 1981, bà tốt nghiệp cấp 3 và vào làm công nhân may tại trại thương binh Cao Bằng (nay là Trung tâm điều dưỡng người có công); năm 1994 chuyển sang làm việc tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng và năm 2006 nghỉ hưu.
Những ngày đầu năm 2019, bà Thanh cùng các cựu binh đi quyên góp để sắp tới xây bia tưởng niệm 28 người đã bị giết hại trong hang Ngườm Hẩu 40 năm về trước, với mong muốn “Anh chị em có chỗ thờ tự đàng hoàng, tôi sẽ trèo núi lên thăm!”. Hỏi bà có hối tiếc về quyết định tuổi thanh xuân của mình, bà quả quyết: “Tôi tình nguyện phục vụ bộ đội vì hồi ấy bố tôi là Tống Quý Lảo đang giữ biên giới Hà Tuyên và anh trai Tống Quý Hiệp đang chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Cứ nghĩ người thân mình bị thương nằm đấy mà không ai chăm thì sẽ ra sao, nữa là bộ đội toàn dưới xuôi lên chiến đấu bảo vệ quê hương mình. Thời điểm ấy, rất nhiều nữ sinh Cao Bằng đã tình nguyện chiến đấu, phục vụ chiến đấu và không ít người đã ngã xuống”.
“40 năm, mẹ vẫn hỏi em con đi đâu”Nhà tôi có 4 chị em, tôi sinh năm 1957 là thứ hai, em Nguyễn Thị Thủy sinh 1960 là thứ ba, khi hy sinh đang là giáo viên mầm non của Trường TT. Quảng Uyên. Tôi nhập ngũ tháng 2.1975, khi đó em Thủy mới 15 tuổi. Thống nhất hai miền, tôi đi làm nhiệm vụ bên Campuchia và cuối 1978 về Hà Nội học lớp văn hóa của Binh chủng Thông tin liên lạc. Tháng 2.1979, mẹ và em út chạy giặc về Hà Nội. Tôi xin phép đơn vị đưa mẹ lên lại Cao Bằng lo mộ chí cho em Thủy và động viên mẹ. Mẹ tôi giờ hơn 90 tuổi nhưng mỗi dịp lễ tết, ngành giáo dục vào thăm gia đình liệt sĩ, vẫn hỏi em con đi đâu?...
Cựu chiến binh, đại úy Nguyễn Thiết Bình, anh trai liệt sĩ Nguyễn Thị Thủy
|
(còn tiếp)
Bình luận (0)