40 năm Ngày chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam: Cuộc chiến vì chính nghĩa

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
29/12/2018 07:01 GMT+7

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nhấn mạnh như vậy trong tham luận ở hội thảo quốc gia ngày 28.12.

Hội thảo với chủ đề “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng 7.1.1979 - 7.1.2019”, do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư và Tỉnh ủy An Giang tổ chức tại TP.Long Xuyên (An Giang).
Trong tham luận của mình, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu hồi tưởng: Ngay sau thắng lợi ngày 17.4.1975 ở Campuchia, tập đoàn Pol Pot - leng Sary đã lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội lại nhân dân Campuchia, thiết lập cái gọi là “Nhà nước Campuchia Dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, tàn sát nhân dân, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội... Đối với VN, Pol Pot xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù, phát động cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, gây ra những tội ác đẫm máu đối với người dân vô tội, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN...
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhớ lại: “Thậm chí, Pol Pot còn tuyên bố trên Đài phát thanh Phnom Penh: Trong đời tôi, tôi hy vọng giải phóng Sài Gòn”.
Là người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kể: sau ngày 30.4.1975, tôi được phân công ở lại Sư đoàn 4, Quân khu 9 tham gia tiếp quản các địa phương miền Tây Nam bộ và trực tiếp chiến đấu ngay từ những ngày đầu chống sự xâm lược của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary giành lại chủ quyền các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà trên vùng biển Tây Nam và bảo vệ tuyến biên giới từ Tịnh Biên (An Giang) đến Hà Tiên (Kiên Giang). “Chỉ tính từ ngày 30.4.1975 đến tháng 6.1977, chúng đã xâm phạm biên giới ta trên 2.000 lần, gây tổn thất hơn 4.000 người”, đại tướng Phạm Văn Trà nhắc lại và nhấn mạnh: “Những cuộc tấn công của quân đội Pol Pot không phải là hành động bột phát mà có sự chuẩn bị từ những kẻ cầm đầu chính quyền Pol Pot - Ieng Sary”.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN, nói: Từ ngày 23.12.1978, đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện VN cùng lực lượng vũ trang của mặt trận mở cuộc tổng phản công - tiến công lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot.
Đến ngày 6.1.1979, ta bắt đầu công kích vào thủ đô Phnom Penh. Sau 2 ngày tổng công kích, đến ngày 7.1.1979, quân tình nguyện VN và lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã giải phóng Phnom Penh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary…
Đánh giá về sự giúp đỡ to lớn, trong sáng của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân VN trong việc đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, ngày 27.12.2013, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định: “Quân dân Campuchia nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện VN thì không thể giải phóng nhanh đến thế...” và nhấn mạnh: “Không có sự giúp đỡ của VN, chúng tôi sẽ chết hết”.
Bài học về huy động sức mạnh tổng hợp
Nêu bài học về huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên T.Ư Đảng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ: “Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Trong cuộc chiến tranh này, ta vừa phải bảo vệ biên cương của Tổ quốc, vừa phải giúp hàng triệu người dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, bước vào kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển đất nước”.
“Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu”, đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh như vậy trong tham luận của mình và nói rõ: “Để đất nước không bị bất ngờ, các đơn vị quân đội phải chủ động phối hợp với các lực lượng (nhất là công an, ngoại giao...) để nắm chắc những biến động, dự báo chính xác tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới, nhất là diễn biến trên Biển Đông, khu vực biên giới và trong nội địa. Trên cơ sở đó tham mưu với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách phù hợp nhằm kịp thời ngăn chặn, triệt tiêu nguy cơ chiến tranh, xung đột từ rất sớm, từ xa. Không để bị động, bất ngờ về chiến lược”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.