Nghị quyết 164/2024 của Quốc hội có hiệu lực kể từ 1.1.2025, quy định thí điểm 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa.
Nghị quyết này áp dụng với các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Sớm trả lại tiền cho bị hại
Theo nghị quyết, nếu vật chứng, tài sản là tiền đã xác định rõ chủ sở hữu, bị hại, số tiền bị thiệt hại, đồng thời có văn bản đề nghị của bị hại và bị can, bị cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng trả lại tiền cho bị hại theo thứ tự, tỷ lệ được pháp luật thi hành án dân sự quy định.
Đối với số tiền đã thu giữ, tạm giữ không thuộc trường hợp trên, nếu có văn bản đề nghị của chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng gửi tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để chờ xử lý.
Riêng với tiền trong tài khoản bị phong tỏa, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định cho chủ sở hữu tài khoản đó được chuyển đổi thành tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và phong tỏa tài khoản tiền gửi để chờ xử lý.
Nộp tiền để hủy phong tỏa
Nghị quyết đề cập tới vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán… thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nếu các đối tượng trên có nhu cầu khai thác, sử dụng và có văn bản đề nghị nộp tiền bảo đảm để nhận lại tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá và xem xét, cho họ được nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đối với vật chứng, tài sản đó.
Tiền bảo đảm được nộp vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để xử lý theo quy định.
Chuyển nhượng bất động sản đang bị kê biên
Một biện pháp khác đối với vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán… thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan và không có tranh chấp, được mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Nếu các đối tượng trên có văn bản đề nghị cho bán, chuyển nhượng thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá và xem xét, quyết định cho bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đó thông qua hình thức đấu giá công khai.
Tổ chức, cá nhân mua, nhận chuyển nhượng vật chứng, tài sản phải chuyển toàn bộ số tiền từ việc mua bán, chuyển nhượng vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng. Tiền vào tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định hủy bỏ biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa.
Giao vật chứng cho chủ sở hữu khai thác
Đối với vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất hoặc trang thiết bị, phương tiện…, nếu chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp có văn bản đề nghị thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá và xem xét, quyết định giao vật chứng, tài sản đó cho họ, hoặc người được họ đề nghị.
Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác, sử dụng có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản không được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, hủy hoại, cố ý gây thiệt hại vật chứng, tài sản.
Tạm ngừng giao dịch tài sản
Khi có căn cứ cho rằng cần ngăn chặn việc người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có hành vi chuyển quyền sở hữu, tẩu tán, hủy hoại tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó.
Trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra, xác minh.
Nếu có đủ căn cứ thì cơ quan tiến hành tố tụng ra ngay quyết định áp dụng biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa. Nếu không thì phải ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp đã áp dụng. Trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần, nhưng không quá 2 tháng.
Bình luận (0)