Đó là khẳng định của thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, tại phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2017, do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức sáng 23.8.
Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu quan tâm tới thực trạng buôn bán nội tạng tại Việt Nam.
Bà Lê Thị Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, nêu câu hỏi: Trong số các vụ mua bán người được phát hiện 5 năm qua, bao nhiêu vụ mua bán người vì mục đích mua bán nội tạng, vì không thấy nếu trong báo cáo?
“Trong báo cáo của Bộ Công an thì trong thời gian qua, chỉ khởi tố 2 vụ án làm giả giấy tờ để mua bán thận. Con số này có thấp hơn so với tình hình thực tế hay không?”, bà Yến nêu.
Theo bà Yến, việc mua bán nội tạng tại Việt Nam đang được thực hiện với những thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, dưới hình thức hiến tặng, xác lập hồ sơ giả.
“Nguy cơ tiềm ẩn loại tội phạm này ngày càng lớn và có xu hướng gia tăng”, bà Yến nhận định, và cho biết hiện nay, thông tin quảng cáo trao đổi mua bán nội tạng vẫn công khai trên mạng, dù là hành vi bị nghiêm cấm.
Cùng băn khoăn, ông Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, cũng cho rằng trong các báo cáo của cơ quan chịu trách nhiệm giải trình chỉ mới thống kê phụ nữ và trẻ em, mà chưa thấy số liệu về đối tượng bị mua bán là nam giới.
“Liệu những đối tượng bị mua bán là nam giới có phải là mua bán nội tạng hay không? Nếu đúng là mua bán nội tạng thì các cơ quan chức năng đã có thông tin chưa và xử lý thế nào?”, ông Hải đặt vấn đề.
Chưa thụ lý vụ án nào
Trả lời những băn khoăn trên, ông Lê Quý Vương khẳng định, trong thời gian qua chưa có vụ án nào về mua bán nội tạng. Bộ Công an chưa thụ lý vụ nào về điều tra mua bán nội tạng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định hình thức mua bán nội tạng trong thực tế có xảy ra, song “chủ yếu là tự nguyện”. “Tôi có biết thông tin, có nhiều người sang Trung Quốc tự nguyện bán thận. Nhưng cái đó mình không thể xử lý được”, ông Vương cho hay.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ 2012-2017, chỉ có 2 vụ án “Làm giả giấy tờ để mua bán thận” được khởi tố, trong đó có 1 vụ án do Công an Hà Nội khởi tố vào tháng 1.2016; vụ án còn lại do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 5.2016.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, đối tượng nam giới trong các vụ mua bán người thì một là vì mục đích lao động, hai là bán nội tạng.
“Thực tế có chuyện ban đầu ra nước ngoài lao động, nhưng sau đó bán nội tạng kiếm tiền theo hình thức hiến tạng”, ông Dung nêu, và cho bày tỏ: “Đáng tiếc là tới nay, chúng ta chưa xử được vụ nào về mua bán nội tạng, nhưng trong thực tế là có”.
Bình luận (0)