Tại SEA Games 31, đội tuyển điền kinh Việt Nam phát hiện 5 trường hợp nghi ngờ dương tính với doping thông qua việc xét nghiệm mẫu A. Ngay lập tức, Tổng cục TDTT đã tiến hành điều tra và yêu cầu các VĐV tiến hành giải trình, đồng thời gửi mẫu B tiếp tục xét nghiệm.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, công tác phòng chống doping là một trong những mục tiêu quan trọng được ngành thể thao Việt Nam đặt ra.
Công tác tuyên truyền phòng chống doping tại SEA Games 31 |
HOÀNG QUÂN |
“Về sự việc các VĐV nghi ngờ dương tính với chất cấm doping tại SEA Games vừa qua, tôi chưa có phát ngôn chính thức nào về chuyện này. Việc có VĐV dương tính với doping thì không phải chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia Đông Nam Á đều có. Chúng ta có 5 trường hợp dương tính thông qua kiểm tra mẫu A. Quyền lợi của các VĐV là đề xuất mở mẫu B được lưu trước đó để kiểm tra. Trong quá trình đó, tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi về việc tại sao chưa công bố nhưng tôi phải tuân thủ theo quy tắc”, ông Trần Đức Phấn cho biết.
Giải thích thêm về quan điểm này, ông Phấn cho hay, các VĐV có quyền bất khả xâm phạm khi chưa hết thời gian giải trình.
VĐV Quách Thị Lan (giữa) được đôn lên nhận Huy chương vàng ASIAD khi đối thủ của cô bị dính doping |
LIÊN ĐOÀN ĐIỀN KINH CHÂU Á |
Cụ thể, theo quy định, sau khi Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) thông báo cho Ủy ban Olympic quốc gia, Trưởng đoàn thể thao quốc gia về các trường hợp nghi ngờ sử dụng doping thông qua xét nghiệm mẫu A, các VĐV sẽ được cho phép báo cáo giải trình trong một khoảng thời gian nhất định.
“Các VĐV Việt Nam sẽ có thời gian đến đầu tháng 12 hoặc trung tuần tháng 12. Sau khi nhận giải trình, WADA và Ban tổ chức SEA Games 31, mới đưa ra quyết định và kết luận cùng hình thức kỷ luật. Lúc đó, tôi với tư cách là trưởng đoàn thể thao Việt Nam sẽ công bố. Các VĐV Việt Nam vẫn trong thời gian được giải trình nên chúng tôi chưa được quyền công bố”, ông Trần Đức Phấn nói.
Cũng theo ông Phấn, khi WADA thông báo về các trường hợp nghi ngờ sử dụng chất cấm, các VĐV sẽ không được thực hiện quyền của VĐV. Cụ thể, là không được phép đăng ký thi đấu nên 5 VĐV điền kinh sẽ không tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9.
Ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định, quan điểm của ngành thể thao trước đến giờ là nói không với doping. Ông Đặng Hà Việt cho rằng, sự việc các VĐV nghi ngờ sử dụng doping cần phải được làm rõ rằng cố tình hay vô tình. Ngoài ra, còn phải tiến hành khảo sát, rà soát rất nhiều yếu tố liên quan như thực phẩm chức năng, vấn đề dinh dưỡng…
“Như ở vấn đề quản lý thực phẩm chức năng bổ sung, ngành thể thao không quản lý việc này. Có rất nhiều loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng bán tràn lan ở các phòng gym hay trên thị trường nhưng chưa thấy báo chí nào phản ánh cả. Sử dụng những loại này cực kỳ ảnh hưởng nếu lạm dụng. Ngoài ra, các công ty sản xuất thực phẩm bổ sung đó không phải công ty nào cũng có đạo đức. Thành phần ghi trên đó là một chuyện nhưng những thành phần bổ sung lại chỉ ghi rất chung chung. Những cái đó khi xét nghiệm lại có những chất cấm mà WADA mới cập nhật”, ông Đặng Hà Việt chia sẻ.
Người đứng đầu Tổng cục TDTT cho biết thêm, hiện các VĐV vẫn còn đang trong thời gian giải trình. Tuy nhiên, việc dồn hết mọi tội lỗi cho các VĐV là không nên.
Các VĐV điền kinh Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với doping ở cả mẫu A và mẫu B, trong đó có 4 VĐV nữ giành huy chương vàng nội dung cá nhân và tiếp sức (có 1 VĐV nữ còn giành thêm 1 huy chương bạc); VĐV nam giành huy chương bạc nội dung cá nhân. Khi có kết luận cuối cùng về việc 5 VĐV sử dụng doping, Liên đoàn điền kinh Việt Nam sẽ tiến hành tước huy chương SEA Games 31.
Trên 100 mẫu sẽ được xét nghiệm tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9
Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping của Đại hội cho biết, sẽ có khoảng 67, 68 thành viên tiểu ban sẽ đồng hành cùng các đoàn thể thao, VĐV trong suốt đại hội để tiến hành công tác kiểm tra doping.
Ở mỗi điểm địa phương thi đấu đều có trạm lấy mẫu kiểm tra doping. Hiện tiểu ban đang tiến hành kiểm tra, rà soát các trạm lấy mẫu. Ngoài ra, kết quả kiểm tra của các VĐV sẽ đều được đăng tải để WADA giám sát.
Ngay trước ngày khai mạc đại hội, tiểu ban sẽ tổ chức tập huấn, mời lãnh đạo các đoàn cùng nhau rà soát, kí cam kết về vấn đề đảm bảo an toàn cho VĐV, thực hiện quy định đúng luật.
Bình luận (0)