5 yếu tố khiến giá cổ phiếu công nghệ lao đao

01/04/2018 15:43 GMT+7

Những lo ngại về quy định mới và chủ nghĩa bảo hộ vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cổ phiếu của ngành công nghệ trong thời gian tới.

Việc bán tháo cổ phiếu công nghệ trong vài tuần qua đã gây áp lực không nhỏ lên các cổ phiếu toàn cầu và tình trạng này có thể sẽ không kết thúc sớm.
“Tôi nghĩ vẫn sẽ có thêm nhiều tổn thương nữa”, Patrick Armstrong, đối tác quản lý tại Plurimi Investment Manager, nói với CNBC.
Theo CNBC, ông Armstrong không phải là người duy nhất hoài nghi về các nguyên tắc cơ bản trong ngành công nghệ. Dưới đây là một số yếu tố khiến các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn với cổ phiếu ngành này.
Tổng thống Donald Trump muốn siết chặt thuế của Amazon
Amazon hôm 28.3 đã mất hơn 30 tỉ USD giá trị thị trường sau khi một nguồn tin cho biết Tổng thống Trump thực sự “bị ám ảnh với Amazon” và đang theo dõi cách nộp thuế của hãng thương mại điện tử này. Năm ngoái, ông Trump cũng từng chỉ trích Amazon vì “gây thiệt hại nặng nề cho các nhà bán lẻ, những người đóng thuế tích cực cho đất nước, và khiến nhiều việc làm bị mất”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói rằng hiện “không có chính sách hay hành động cụ thể nào” gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh của Amazon. Một nhà phân tích hôm 29.3 cho rằng nỗi sợ này đang bị thổi phồng. Tuy nhiên, việc Nhà Trắng để mắt tới Amazon và các công ty công nghệ lớn khác tiếp tục làm các nhà đầu tư lo ngại.
Người dùng quay lưng
Cổ phiếu của Facebook đã giảm mạnh trong tháng 3.2018 sau khi giới truyền thông đưa tin Facebook đã để công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016.
Vụ bê bối này đã châm ngòi nổ trên các phương tiện truyền thông xã hội, tạo động lực để người dùng xóa Facebook. Tuần trước, ông chủ Tesla Elon Musk đã xóa các trang Facebook của Tesla và SpaceX. Tạp chí Playboy cũng hủy trang Facebook với hơn 25 triệu like. Nhiều công ty đã ngưng quảng cáo trên mạng xã hội lớn nhất thế giới do nghi ngại về vấn đề bảo mật thông tin.
Quy định
Một trong những yếu tố nổi bật khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc về cổ phiếu công nghệ trong những tháng tới là quy định. Mặc dù các quy định hiện tập trung chủ yếu vào Facebook, nhưng cuộc khủng hoảng dữ liệu trên mạng xã hội có thể lan sang các hãng công nghệ lớn khác.
Hôm 26.3, Chủ tịch Tư pháp Thượng viện Mỹ, ông Chuck Grassley, đã gọi giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg lên điều trần. Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai và giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey cũng được triệu tập trong buổi điều trần.
Theo ông Damian Collins, Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Anh, giới lập pháp Anh “có thể” sẽ yêu cầu các công ty công nghệ lớn khác đưa ra bằng chứng có liên quan đến vụ bê bối của Facebook.
Oliver Jones, nhà kinh tế học tại Capital Economics, nói rằng quy định và bảo hộ là hai yếu tố lớn đẩy hiệu suất của ngành công nghệ cao đi xuống.
“Thật khó nói yếu tố nào sẽ ảnh hưởng nhiều hơn. Nhưng nhìn chung, môi trường hoạt động của các công ty công nghệ sẽ trở nên khó khăn hơn”, ông Jones nói.
Chiến tranh thương mại
Quyết định áp thuế trừng phạt lên tới 60 tỉ USD đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Trump hồi tuần trước đã ngay lập tức được Bắc Kinh đáp lại bằng lời cảnh báo sẽ đánh thuế 3 tỉ USD vào hàng hóa Mỹ.
Tuy nhiên, nguy cơ về một cuộc chiến thương mại toàn cầu đã phần nào hạ nhiệt trong vài ngày qua vì các nhà đàm phán của hai nước đang âm thầm thương lượng với nhau. Song, một số nhà phân tích vẫn tin rằng chủ nghĩa bảo hộ là nguyên nhân gây quan ngại, đặc biệt khi nói đến công nghệ.
“Chúng tôi cảm thấy những cuộc thảo luận làm dịu căng thẳng thương mại gần đây diễn ra quá nhanh và quá dễ dàng. Ở một mức độ nào đó Trung Quốc có lẽ sẽ phải nhượng bộ trong lĩnh vực công nghệ vì nước này vẫn phải nhập khẩu phần lớn chất bán dẫn. Sẽ mất nhiều năm cho đến khi Trung Quốc có thể hoàn toàn tự cung về chất bán dẫn”, Neil Campling, đồng giám đốc của nhóm chuyên đề toàn cầu tại Mirabaud Securities, nhận định.
Tâm lý lo sợ về việc Washington chặn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ vẫn không có dấu hiệu biến mất. Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Trump đã ngăn Ant Financial, công ty con của Alibaba Group, mua lại hãng chuyển tiền khổng lồ của Mỹ MoneyGram. Đầu tháng 3.2018, đề xuất mua lại công ty sản xuất chip điện tử Qualcomm của Mỹ từ phía tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Broadcom có trụ sở tại Singapore cũng bị từ chối.
Thiếu nguyên tắc cơ bản
Một số nhà phân tích cho rằng cổ phiếu công nghệ đang thiếu các nguyên tắc cơ bản để chứng minh cho việc định giá cao. Cụ thể, các nhà đầu tư vẫn tự hỏi liệu cổ phiếu của nhóm FANG, bao gồm Facebook, Amazon, Netflix và Google, có thể tăng hay không.
“Tôi đã rất nghi ngờ về các cổ phiếu công nghệ trong năm nay, đặc biệt là cổ phiếu của FANG. Dường như có rất nhiều nhà đầu tư mua những cổ phiếu này một cách đơn giản bởi vì họ đang đi theo một hướng cụ thể nào đó và không suy nghĩ quá nhiều về mức giá thực sự tương xứng. Nhưng xu hướng này sẽ bắt đầu tan rã khi sự biến động tăng lên”, Mati Greenspan, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của eToro, nói.
Trong khi đó, ông Armstrong lại đặc biệt hoài nghi về Tesla do những vấn đề sản xuất xung quanh các loại xe của công ty. Giá cổ phiếu của Tesla đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ lần đầu tiên được phát hành.
Theo ông Armstrong “giám đốc điều hành tài năng” Elon Musk đã giúp cổ phiếu Tesla tăng giá trong quá khứ. “Nhưng về cơ bản một công ty không có thu nhập, dòng tiền âm, giá ô tô bán ra dưới mức giá sản xuất không phải là những điều thu hút tôi”, ông Armstrong nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.