50 năm, nhớ về vụ thảm sát Giồng Sắn

29/09/2014 15:20 GMT+7

UBND H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) vừa tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm ngày thảm sát Giồng Sắn (27.9.1964-27.9.2014).

UBND H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) vừa tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm ngày thảm sát Giồng Sắn (27.9.1964-27.9.2014).

 50 năm, nhớ về vụ thảm sát Giồng Sắn 1
Ngã ba sông này năm xưa đã xảy ra một vụ thảm sát tang tóc.

Trong thời kỳ chiến tranh, Nhơn Trạch là vùng đất cách mạng (có Chiến khu rừng Sát) nơi ẩn nấp, hoạt động, làm việc của nhiều lực lượng cách mạng quan trọng do vậy Mỹ-Ngụy thường xuyên tìm cách triệt phá. Trong một lần như vậy, đã gây ra  vụ thảm sát, làm 536 người dân vô tội bị thiệt mạng.

Buổi chiều kinh hoàng

 Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Ngã ba Giồng Sắn (thuộc xã Phú Đông, H.Nhơn Trạch), nơi giao nhau của 3 con sông Ông Kèo, sông Ông Mai và sông Thị Vải. Tại đây các ghe, xuồng của thương lái, người dân ở vùng Nhơn Trạch và các nơi khác chọn làm điểm giao thương, làm ăn, sinh sống. Cứ mỗi buổi chiều, phiên chợ trên sông lại bắt đầu với cả trăm ghe thuyền cặp bến buôn bán. Thế nhưng, vào chiều ngày 27.9.1964, do nghi ngờ có bộ đội trà trộn mà Mỹ-Ngụy đã nhẫn tâm quyết định đánh nơi này. Cụ Nguyễn Văn Kiếm (81 tuổi, ngụ tại ấp Bến Đình, xã Phú Đông) một nhân chứng năm xưa kể lại: “Chiều hôm đó, tôi đang giăng lưới bắt cá gần Ngã ba Giồng Sắn thì nghe tiếng máy bay gầm rú. Ngay sau đó tôi nhìn lên bầu trời, thì thấy có 3 chiếc máy bay nhào tới bắn súng và thả bom nhắm nhóm đông người đang tụ tập mua bán ở ngã ba Giồng Sắn. Cả 1 bến sông hoảng loạn tiếng la hét, than khóc vang lên. Hết tốp này đến tốp nọ thay phiên nhau oanh tạc như muốn xóa xổ khu vực này. Sau đó, chúng còn cho pháo kích từ phía Nhà Bè (TP.HCM) sang với quy mô tàn khốc hơn.”

 50 năm, nhớ về vụ thảm sát Giồng Sắn 2
Cách Ngã ba Giồng Sắn khoảng 500 m, năm 2004 UBND huyện Nhơn Trạch đã xây dựng bia tưởng niệm.

Theo nhiều cụ già lớn tuổi ở xã Phú Đông, kết thúc đợt thả bom và pháo kích, khu vực Ngã ba Giồng Sắn trở thành một bãi chiến trường. Thuyền, ghe bị bắn tan nát, sản vật trôi lềnh bềnh. Thi thể người chết đầy khúc sông, những người bị thương thì rên la thảm thiết. Những người dân trong ấp sau khi hết hoàng hồn đã vội vã chèo xuồng tìm những người bị thương để đưa vô bờ cứu chữa. Có gia đình gần chục người từ miền Tây lên buôn bán bị trúng bom chết sạch. Ông Nguyễn Văn Vè (72 tuổi,  ngụ ấp Bến Đình), một nhân chứng khác trầm ngâm nói: “Sáng hôm đó, khi ra ngã ba Giồng Sắn, tôi thấy rất nhiều xác chết trôi trên bờ sông. Tôi cùng người dân khác vớt tử thi. Khi đem lên, ai có người thân thì họ nhận về, còn lại được người dân đào đất mai táng sơ sài tại chỗ. Cũng có 1 số xác chết bị văng vô bờ, vô bụi khuất nên mấy ngày sau mới được tìm thấy”.

Cũng ở khu vực này, một thời gian sau đó người dân đã lén lút dựng 1 tấm bia ghi lại sự kiện thương tâm này và đặt gần nơi xảy ra vụ việc.

Vùng đất yên bình

Sau 50 năm, vụ thảm sát lùi dần vào quá khứ. Vùng đất Phú Đông ngày nay có nhiều phát triển với những công trình giao thông, trường học, khu công nghiệp…được hình thành ngay trên mảnh đất bom đạn cày nát ngày xưa.

Giồng Sắn, nơi xảy ra vụ thảm sát năm xưa nay đang là những cánh đồng mía xanh tươi, chứa đầy phù sa của mùa nước nổi. Chiều xuống, vài chiếc xuồng nhỏ của ngư dân đi đánh vó, thả lưới trở về, tạo một khung cảnh hết sức yên bình. Tại ngã ba sông này, cây cầu treo bắc ngang con sông Ông Kèo được dựng lên và luôn tấp nập người qua lại.

Tưởng nhớ những người đã mất trong chiến tranh, năm 2004, Nhơn Trạch đã khởi công xây dựng công trình Bia - Công viên tưởng niệm Giồng Sắn trên diện tích 15.000 m2, đây là di tích ghi dấu, tố cáo tội ác của kẻ thù trong cuộc thảm sát thường dân vô tội diễn ra trên vùng đất Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai. Địa điểm Giồng Sắn đã được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2004. Ông Dương Văn Em, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhơn Trạch, cho biết: “Mỗi khi nhắc lại ngày thảm sát hãi hùng đó, nhiều người dân Phú Đông lại không cầm được nước mắt. Chúng ta không được phép lãng quên vụ thảm sát ngã ba Giồng Sắn, mà phải luôn nhắc nhở thế hệ trẻ và những người đang sống hiểu rõ nỗi đau ấy. Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ thành quả của cách mạng, phát huy tinh thần bất khuất của dân tộc”.

 50 năm, nhớ về vụ thảm sát Giồng Sắn 3
Đón nhận quyết định công nhận địa điểm thảm sát Giồng Sắn là Di tích lịch sử cấp Quốc gia

Dịp này, UBND H. Nhơn Trạch cũng đón nhận quyết định công nhận địa điểm thảm sát Giồng Sắn là Di tích lịch sử cấp Quốc gia của Bộ VH-TT-DL  

Lê Lâm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.