Mới đây, Bộ VH-TT-DL có tổ chức buổi tọa đàm, góp ý để tiếp tục hoàn thiện cho Dự thảo "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".
Trong nhiều vấn đề được đề cập, có việc xây dựng những nhà hát hoành tráng. Theo đó, tới năm 2030, trong 50 nhà hát trên cả nước sẽ đầu tư xây mới và trung đại tu (ít nhất cũng trên nghìn chỗ), có 11 nhà hát được xây dựng có sức chứa 2.000 - 3.000 ghế, và đã có 3 địa điểm được xác định xây dựng tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Theo tôi với 3 TP lớn trên, điều này xứng đáng và cần thiết. Song có lẽ, để tiết kiệm cho ngân sách, cần tính toán vào một giai đoạn xa hơn nữa khi mà ở Hà Nội hiện đã có Trung tâm Hội nghị quốc gia với 5.000 chỗ ngồi mà đang gần như "đắp chiếu", một năm sáng đèn sân khấu với số đêm đếm được trong lòng bàn tay, nếu tính "cởi mở" hơn, tức là cả những chương trình có hơi hướng văn hóa đi nữa thì cũng chỉ trong lòng... 2 bàn tay thôi.
Rồi ở Đà Nẵng, dù Cung văn hóa thể thao Tiên Sơn (khoảng 6.000 chỗ) tuy không phải là nhà hát theo đúng nghĩa, song với thực tế hiện nay, chắc chắn nó cũng đáp ứng phần nào. Và thật lãng phí nếu chúng ta tiếp tục xây dựng trong những năm tới một nhà hát vài ngàn chỗ nữa. Tại sao không tận dụng cái đã có kia? Xin hỏi, liệu mỗi năm ngành văn hóa thể thao các cấp sẽ có thể đảm bảo cho nó sáng đèn được bao đêm? Trong khi thực tiễn cho thấy, những nhà hát cỡ nhỏ vài trăm chỗ ngồi xem ra hiệu quả kinh tế hơn, dễ kín khách hơn… Tất cả đang là những bài toán khó cho các nhà quản lý cơ sở vật chất nói chung hiện nay của ngành VH-TT-DL.
Nên chăng, cần cân nhắc thận trọng hơn trong việc quy hoạch xây dựng nhà hát một cách chặt chẽ, tỉnh táo. Xin đưa một ví dụ ở Hà Nội: Nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, chúng ta cũng đã quyết định tân trang rạp Đại Nam và rạp Công Nhân, vậy mà đến nay, xin hỏi các nhà quản lý văn hóa, những nhà hát trên "đỏ đèn" được bao đêm trong tuần? Trong khi đó, có những nhà hát như Tuổi Trẻ với mặt bằng, địa thế chật chội thì "đỏ đèn" suốt tuần, khiến bao đơn vị nghệ thuật nhìn mà tủi thân. Nên chăng, với những nhà hát làm ăn tốt như vậy, hãy mạnh tay giao cho họ những địa điểm thuận lợi hơn để họ có điều kiện khai thác thế mạnh sẵn có. Một rạp chiếu phim như rạp Đống Đa năm xưa, có lẽ nào lại để đến nông nỗi biến nó thành nhà hàng mà không giao cho ngành sân khấu quản lý nếu kinh doanh phim ảnh không nổi? Hoặc có địa phương gần 4 triệu dân như Thanh Hóa, có tới 4 đoàn nghệ thuật hoạt động mà không có nổi một nhà hát thì quả là đáng buồn. Thiết nghĩ, nếu chúng ta còn tư duy như vậy thì quả là rất khó cho công tác quy hoạch về nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, tạp kỹ... nói chung.
Hy vọng, bằng cái nhìn thoáng, cách tư duy mới, với cơ sở vật chất hiện có của Nhà nước đang nắm giữ trong lĩnh vực của mình, ngành VH-TT-DL vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tư nhân tin tưởng tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực này, và số tiền 7.000 tỉ đồng dự tính cho việc xây dựng và nâng cấp 50 nhà hát nghìn chỗ nói trên không phải lấy từ ngân sách nhà nước.
Xin lưu ý: 7.000 tỉ đồng không hề là con số nhỏ, nhất là trong tình hình kinh tế như hiện nay!
Quốc Phong
Bình luận (0)