6 sai lầm nữ giới thường mắc phải khi đàm phán lương

05/01/2016 10:24 GMT+7

'Đối với nhiều người, tài sản lớn nhất chính là khả năng kiếm tiền. Vì vậy, bạn phải quản lý nó thật tốt như bất kỳ tài sản nào khác bạn đang có', Dawn Rapoport, giám đốc Waddell & Associates đưa ra lời khuyên trên Business Insider .

'Đối với nhiều người, tài sản lớn nhất chính là khả năng kiếm tiền. Vì vậy, bạn phải quản lý nó thật tốt như bất kỳ tài sản nào khác bạn đang có', Dawn Rapoport, giám đốc Waddell & Associates đưa ra lời khuyên trên Business Insider.

Ảnh minh họa chụp màn hình Business InsiderẢnh minh họa chụp màn hình Business Insider
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng, nữ giới thường gặp khó khăn khi thương lượng, quản lý mức thu nhập. Dưới đây là 6 sai lầm thường mắc phải nhất khiến nữ giới đàm phán mức lương không hiệu quả.
1. Chấp nhận ngay lời đề nghị đầu tiên
“Từ các nghiên cứu học thuật và kinh nghiệm thực tế của tôi trong lĩnh vực kinh doanh, phụ nữ thường không đàm phán. Họ chỉ đơn giản là chấp nhận ngay lời đề nghị đầu tiên”, theo Lee E. Miller, nhà chiến lược, tác giả của cuốn A woman’s guide to successful negotiating (tạm dịch Hướng dẫn để phụ nữ đàm phán thành công).
Trên thực tế, nhà tuyển dụng thường sẵn sàng cho một cuộc đàm phán. Tự hạn chế cơ hội thương lượng cho quyền lợi của chính mình là nguyên nhân dẫn đến sự hoài nghi từ phía nhà tuyển dụng. “Nếu bạn không thể tự giành quyền lợi chính đáng cho mình, thì liệu bạn có thể làm tốt vai trò đàm phán ở những vị trí cao hơn hay không”, Miller chia sẻ thêm.
2. Tin những gì người khác nói
Nữ giới thường có xu hướng làm theo những nguyên tắc và thậm chí chấp nhận hoàn toàn những gì người khác nói, ví dụ như “mức lương cho vị trí này không thể thương lượng thêm”, hay “đây là tất cả khả năng mà chúng tôi có thể trả cho bạn ở vị trí này”.
Thế nhưng, đề nghị đầu tiên hiếm khi là lời đề nghị tốt nhất. Nam giới hiểu điều này tốt hơn và hầu như nam giới luôn trở lại để yêu cầu, thương lượng, cho dù không phải tiền lương thì cũng là những lợi ích đi kèm.
3. Chấp nhận chờ đợi đến khi có cơ hội mới thương lượng
Tác giả Miller đã quan sát và thấy rằng đa số phụ nữ chấp nhận một vị trí công việc mà không hề đàm phán, với ý định sẽ chứng mình là họ xứng đáng với vị trí này, sau đó mới tiếp cận cấp trên để có cơ hội thương lượng về vấn đề tăng lương. Nhưng có một sai lầm trong cách thức trên, vì “nếu bạn bắt đầu ở mức quá thấp thì cơ hội được tăng lên mức bạn mong muốn hoặc mức xứng đáng là không cao. Hãy luôn biết rõ mình, sẵn sàng trao đổi để có được thỏa thuận tốt nhất ngay từ ban đầu”, Miller giải thích thêm.
Đôi khi, bạn chấp nhận ở mức thấp vì tự nhận thấy bản thân chưa đủ khả năng. Nhưng nếu sau một thời gian học thêm nhiều kỹ năng, hãy mạnh dạn thương lượng. Nếu kết quả không như mong muốn, bạn nên nghĩ đến giải pháp thay đổi công việc, vì luôn có người sẵn sàng trả tiền cho những kỹ năng bạn đã có.
4. Tỏ ra hoặc cam kết sẽ không bỏ việc
Khi nữ giới cho nhà tuyển dụng biết họ không thể hoặc sẽ không rời bỏ công việc vì phải có trách nhiệm lo cho gia đình, hay vì rất yêu thích công việc cũng là lúc họ đưa mình vào thế bất lợi.
“Hãy cho nhà tyển dụng biết bạn có khả năng, kinh nghiệm gì, bạn sẵn sàng làm việc gì và tại sao bạn xứng đáng với vị trí và mức lương được đưa ra thay vì tự trói buộc mình”, Miller đưa ra lời khuyên. Nam giới thường nắm rõ chiến thuật này và họ sẵn sàng thay đổi công việc để có mức lương phù hợp.
5. Thích nói về những gì “công bằng”
Nghiên cứu cho thấy rằng, khi nữ giới đàm phán, họ có xu hướng tìm kiếm một kết quả “công bằng” và sợ đối phương bị tổn thương, khó xử. Nhưng nam giới thì không, họ tiếp cận và đi thẳng vào vấn đề để đạt được mục tiêu mà họ nghĩ rằng mình xứng đáng.
6. Lo lắng đòi hỏi nhiều hơn sẽ bị mất việc
Một trong những lý do chính khiến phụ nữ thường không đàm phán, thương lượng mặc dù bản thân không hài lòng là vì họ sợ bị mất việc. Nhưng rời bỏ công việc khi nó không còn đem lại cho bạn cảm giác hạnh phúc được cống hiến cũng như mức lương xứng đáng không giống như lời hù dọa để được chú ý hay tăng lương. Đây là lúc bạn đang hiểu rõ mình muốn gì và có thể làm được gì.
Có hai điều giúp bạn có mức lương cao hơn: một là khi bạn tự ra đi tìm công việc khác, hai là khi sếp tăng lương vì không muốn mất một nhân sự tốt. Vì vậy, đừng sợ khi đấu tranh cho chính mình. Tất cả nằm ở khả năng bạn tiếp cận vấn đề, hãy đặt ra câu hỏi khéo léo về mức lương kèm với khả năng đóng góp hiệu quả hơn thay vì đưa ra một lời tuyên bố, ra lệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.