66,2% động vật hoang dã bị săn dùng làm đồ nhậu

12/08/2009 23:55 GMT+7

Ngày 12.8, tại Ninh Bình, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức hội thảo "Bảo vệ động thực vật hoang dã góp phần bảo tồn bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở VN".

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Vang - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội - cho biết, ước tính số lượng động thực vật hoang dã cung cấp cho thị trường ở VN vào khoảng 3.400 tấn hoặc 1 triệu con/năm, trong đó có tới 18% là khai thác bất hợp pháp. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhu cầu sử dụng động thực vật hoang dã tại VN, có đến 66,2% là làm thực phẩm, 0,3% làm sinh vật cảnh, 0,4% làm dược liệu chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe con người, 18,3% dùng cho xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu tiểu ngạch khoảng 14,8%. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học VN - bổ sung thông tin, trước năm 1990, việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã chỉ mới ở mức sử dụng trong phạm vi địa phương miền núi. Kể từ sau năm 1990 đến nay, xu hướng mở rộng thị trường tiêu thụ phục vụ cho "khách hạng sang" ngày càng tăng, khiến việc sử dụng động vật hoang dã lan rộng toàn quốc. Hiện có khoảng 200 loài động vật hoang dã, trong đó có trên 80 loài động vật quý hiếm đang được kinh doanh, sử dụng trên thị trường VN. Rắn, kỳ đà, tê tê, rùa các loại, mèo rừng, hổ, báo, gấu, voi, lợn rừng, nai, khỉ các loại, cầy các loại, sơn dương và nhím là các loài đang bị khai thác bất hợp pháp nhiều nhất.

"Với tốc độ săn bẫy như hiện nay để phục vụ các nhà hàng sang trọng ở các thành phố, khu nghỉ mát thì dù có đến hàng trăm ngàn nhà bảo tồn cứ ngày đêm miệt mài, tận tâm cho công tác bảo tồn cũng không đuổi kịp việc tiêu xài lãng phí các loài động vật hoang dã đang xảy ra hằng ngày", ông Huỳnh nêu cảnh báo.

Trên thực tế, theo ông Huỳnh, tê giác hai sừng, heo vòi, vượn tay trắng, cầy nước gần như đã bị diệt vong, trong khi một số loài khác, số lượng còn quá ít, rất dễ bị tuyệt chủng như hổ, tê giác một sừng, bò xám, bò tót, hươu vàng, voọc, hươu cà toong, hươu xạ, hạc cổ trắng, gà lôi lam màu đen, gà lôi tía, công, trĩ, sếu đầu đỏ…

"Cần có chính sách ổn định đời sống người dân khu vực bảo tồn, giảm bớt sự phụ thuộc vào việc khai thác, săn bắt động thực vật hoang dã từ rừng, tạo điều kiện cho người dân tham gia và có thu nhập từ hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, để họ trở thành lực lượng chính trong việc bảo tồn động thực vật hoang dã", ông Nguyễn Đăng Vang kiến nghị.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.