Ban tổ chức cho biết, vượt qua 28 đội dự thi, với nội dung đa dạng, phong phú, có tính sáng tạo và chất lượng cao, 7 đội tuyên truyền bảo vệ môi trường đã xuất sắc đạt giải, gồm: giải nhất thuộc về Đội tuyên truyền bảo vệ môi trường xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp); Đội tuyên truyền bảo vệ môi trường xã Lục Dạ (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã giành giải nhì; Đội tuyên truyền bảo vệ môi trường xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đạt giải ba.
Các đội tuyên truyền bảo vệ môi trường xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), xã Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), xã Bồng Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) và xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đều giành giải khuyến khích.
Ban tổ chức cho biết, nối tiếp thành công của cuộc thi “Dấu ấn tuyên truyền viên bảo vệ môi trường năm 2018”, T.Ư Đoàn tiếp tục triển khai cuộc thi “Dấu ấn tuyên truyền viên bảo vệ môi trường năm 2019” tại 7 tỉnh triển khai thí điểm Đề án 712 của Thủ tướng Chính phủ (gồm Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bến Tre).
Cuộc thi “Dấu ấn tuyên truyền viên bảo vệ môi trường” thông qua các clip, phóng sự, phản ánh về hoạt động tuyên truyền của các đội đối với người dân về công tác bảo vệ môi trường. Những nội dung Ban Bí thư T.Ư Đoàn lựa chọn trong cuộc thi là sự định hướng hoạt động cho các đội hình; là yêu cầu sản phẩm đầu ra của mỗi đội tuyên truyền; là thước đo đánh giá hiệu quả của các đội tuyên truyền bảo vệ môi trường.
|
Sau thời gian triển khai cuộc thi, T.Ư Đoàn nhận được 28 tác phẩm dự thi (trên tổng số 33 xã triển khai thí điểm) với nội dung đa dạng, phong phú. Qua các tác phẩm dự thi cho thấy, các tuyên truyền viên đã chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, với nhiều nội dung và hình thức phong phú; đã thực hiện phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trong phân loại, xử lý rác thải, hướng dẫn xây dựng mô hình sinh kế, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ và làm đẹp cảnh quan môi trường.
Ban tổ chức đánh giá: những nội dung tuyên truyền hướng dẫn mang tính “cầm tay, chỉ việc”, giúp người dân xây dựng, duy trì và vận hành hiệu quả mô hình, đã huy động được đông đảo đoàn viên, thanh niên và nhân dân chung tay vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cùng nhau trồng những hàng cây, đường hoa đẹp mắt trên khắp các tuyến đường.
Nhiều địa phương đã sáng tạo trong việc sử dụng những lốp xe bỏ đi để làm nên những chậu hoa đẹp mắt; tận dụng những khoanh cống để làm bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng, làm cho cánh đồng giảm đi sự ô nhiễm… Từ những việc làm trên đã tác động đến suy nghĩ và thay đổi nhận thức của người dân, làm cho môi trường trở nên xanh, sạch, đẹp, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Bình luận (0)