7 lần thất bại, hai vợ chồng ở TP.HCM bán bánh tráng trộn làm lại từ đầu

26/11/2023 16:45 GMT+7

Khởi nghiệp lần thứ 8 với xe bánh tráng trộn, cặp vợ chồng ở TP.HCM khiến nhiều người nể phục vì ý chí quyết tâm. Sau xe bánh tráng, là ước mơ của cả gia đình 5 thành viên.

Là trụ cột gia đình, anh Lai Kim Duy (38 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) mỗi ngày dậy từ 3 giờ 30 phút sáng và làm miệt mài đến 12 giờ khuya với nghề: kiểm bánh ngọt, giao hàng, giữ xe. Anh vẫn tranh thủ phụ vợ dọn xe bánh tráng trộn ra bán, mỗi ngày chỉ có hơn 3 tiếng để ngủ và động lực duy nhất của anh đó là "sợ các con khổ".

Áp lực thời vật giá leo thang

3 giờ 30 sáng, cả con hẻm còn im phăng phắc, ánh đèn hẻm vàng mờ sương đêm, anh Duy đã lục tục dậy bắt đầu một ngày mới, bỏ cơm vào hộp mang đi làm. Con đường từ Q.4 đến kho bánh ngọt Q.Tân Bình vẫn chỉ lác đác vài chiếc xe.

Câu chuyện xúc động sau xe bánh tráng trộn của vợ chồng 3 con ở TP.HCM

Hơn 12 giờ, hết ca làm, anh mở ứng dụng giao hàng Aha Move và tiếp tục với công việc shipper. Gần 4 giờ chiều, anh về nhà phụ vợ dọn xe bánh tráng trộn ra góc đường Tân Vĩnh (Q.4) rồi đến nơi anh giữ xe gần cầu Ông Lãnh.

"Trưa nào mệt quá thì tôi mới nghỉ giao hàng, tranh thủ về ngủ 1 – 2 tiếng. Còn giữ xe thì làm đến gần 11 giờ hết khách, tôi qua phụ vợ dọn hàng về. Trước dịch tôi chỉ làm 2 việc, nhưng sau dịch thì 3 việc mới trang trải được cho 3 đứa con đến trường", anh nói. 

Làm 3 nghề cùng lúc, đi chợ 150.000 đồng/2 ngày mới đủ nuôi 3 con ở TP.HCM - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Duy khởi nghiệp lần thứ tám với xe bánh tráng trộn như bao lần trước

Vũ Phượng

Lương cứng của công việc buổi sáng hơn 7 triệu, giữ xe 2 quán được 6,5 triệu, anh gom hết đưa vợ lo chi tiêu trong nhà. Còn tiền chạy thêm giao hàng, anh lo xăng xe, thỉnh thoảng đưa con đi ăn gà rán, bò kho để con đỡ tủi thân với bạn bè.

Nhiều lần dầm mưa dắt xe cho khách, anh vẫn tự động viên mình cố gắng vì để các con được đến trường đầy đủ, lớn lên không khổ như mình.

Làm 3 nghề cùng lúc, đi chợ 150.000 đồng/2 ngày mới đủ nuôi 3 con ở TP.HCM - Ảnh 2.

Sau những lần mở bán thất bại, anh chị lại dành dụm tiền, đủ vốn thì tiếp tục khởi nghiệp

Vũ Phượng

"Vật giá giờ càng tăng, xăng cũng đang tăng, tất cả mọi cái đều tăng nhưng lương không tăng làm cho cuộc sống mình khó khăn hơn một chút. Nghề làm thuê chua lắm, nhiều khi mình làm có đúng đi nữa, mà chủ nói sai mình cũng phải im, cúi đầu làm, cúi đầu xin lỗi. Tôi không muốn con tôi như vậy nữa. Tôi cúi đầu để cho con sau này được ngẩng đầu với xã hội và cũng không phải là gánh nặng của xã hội", người đàn ông U.40 tâm sự.

Đi chợ 2 ngày 150.000 đồng

Từ trước dịch Covid-19, gia đình 5 người đã đặt chỉ tiêu chỉ đi chợ 150.000 đồng/2 ngày ăn vì muốn có khoản tiết kiệm lo cho tương lai. Chị Nguyễn Thị Mai Trinh (40 tuổi, vợ anh Duy) cho rằng, 75.000 đồng/ngày đi chợ sẽ khó, nhưng gom 2 ngày thì tương đối ổn và vẫn còn hơn nhiều gia đình.

Chị Trinh thường mua đồ ăn ở chợ nhỏ gần nhà, mỗi bữa chỉ gồm 1 món mặn và 1 món canh. "Ví dụ tôi mua 10.000 đồng rau muống về luộc lấy nước làm canh, rau xào, cá mòi 30.000 đồng, thêm 10.000 đồng thịt băm, bó rau cải nữa là đủ một ngày. Có ngày mua thịt ba rọi kho mặn thì hết khoảng 60.000 đồng, ăn 2 ngày. Sáng ăn mì gói, cơm chiên", chị nói.

Làm 3 nghề cùng lúc, đi chợ 150.000 đồng/2 ngày mới đủ nuôi 3 con ở TP.HCM - Ảnh 3.

Để tiết kiệm chi phí, cả gia đình 5 thành viên chỉ đi chợ hết 150.000 đồng/2 ngày

Vũ Phượng

Cùng với số tiền đi chợ mỗi ngày như trước dịch, nhưng chị Trinh đã thay đổi món ăn để phù hợp với thời "vật giá leo thang". "Trước đây có thể tôi mua cá thác lác nấu canh cải thì giờ phải thay bằng thịt bằm vì cá thác lác nay phải 30.000 đồng/lạng còn thịt băm 10.000 – 15.000 đồng là nấu canh được rồi", chị nhận xét.

Mọi chi tiêu trong nhà, dù là món nhỏ nhất hai vợ chồng cũng bàn bạc với nhau xem mua sắm thế nào cho tiết kiệm. Chính vì vậy, nhắc đến sự tần tảo của vợ vừa chăm 3 con vừa lo cơm nước, buôn bán, anh Duy lại xúc động: "Khi tôi khổ ở dưới đáy xã hội, khi hai vợ chồng không có gì trong tay, vợ vẫn ở bên tôi, không có một chút cằn nhằn hay so sánh chồng người ta với chồng mình. Vợ tôi lúc nào cũng dốc hết toàn tâm toàn sức lo cho chồng con nên tôi nhủ mình cũng phải toàn sức lo cho gia đình".

Không sợ thất bại

Chị Trinh quê ở Tây Ninh, cả tuổi thơ chứng kiến mẹ đầu tắt mặt tối với nghề làm bánh tráng nuôi các chị em ăn học. Ngày lấy chồng về TP.HCM sinh sống, chị quyết định nối nghiệp mẹ với xe bánh tráng trộn vào năm 2010.

Thất bại vì ế ẩm, vợ chồng chị đi tìm việc làm. Có chút vốn trong tay, 2012 tiếp tục mở lại xe bánh tráng... nhưng vì mặt bằng, vì không đúng thị hiếu khách, vì anh phát hiện bệnh tiểu đường… cứ như vậy, xe bánh tráng trộn đến hiện tại đã là lần khởi nghiệp thứ tám. Chị kể, hai vợ chồng ít học nên bươn chải qua đủ nghề như: bán gấu bông, bán nước mía, bán cà phê cóc, giúp việc nhà, bán quần áo, giày dép, kể cả bán vé số.

Dọn xong xe bánh tráng cho vợ, anh Duy tiếp tục với công việc thứ ba trong ngày. Con gái lớn sau giờ học cũng tranh thủ về phụ ba mẹ bán hàng

Vũ Phượng

"Tôi không sợ thất bại, tôi sợ mình không làm được nữa thôi", chị Duy khẳng định. Ngày bán lại xe bánh tráng, 5 thành viên mỗi người một tay mang đồ từ nhà ra điểm bán. Mấy tối mưa, nhìn con gái út co ro núp mưa mà vẫn cười tít mắt, cặp vợ chồng U.40 động viên nhau: nhất định phải thành công.

"Thành công tức là bán buôn ổn định chứ không phải chi nhánh này, chi nhánh kia. Thành công thì tôi mới nghỉ bớt được việc, có thời gian cho con. Tuổi trẻ của tôi là ăn chơi, quậy phá. Năm 14 tuổi tôi nghỉ học đi bụi. Đến năm 17 tuổi, mẹ bệnh rồi mẹ nói với tôi rằng 'Mất cái gì cũng có thể tìm được nhưng nếu mẹ mất con thì mẹ không bao giờ tìm được nữa' nên tôi quay về". Tôi không muốn con mình sẽ trở thành mình của ngày xưa", anh chia sẻ.

Làm 3 nghề cùng lúc, đi chợ 150.000 đồng/2 ngày mới đủ nuôi 3 con ở TP.HCM - Ảnh 5.

Những bông hoa anh Duy nhặt từ bó hoa khai trương của quán gần đó mang về tặng vợ

Vũ Phượng

Tất bật từ sáng sớm đến tận nửa đêm, niềm vui của người cha 3 con đơn giản chỉ là thấy vợ con khỏe, con đi học về vui vẻ, hạnh phúc và cả nhà đủ ăn.

Không sợ thất bại, không sợ khổ, điều chị Trinh lo sợ nhất là bệnh tình của chồng trở nặng, chị sợ lỡ đến ngày đơn độc. "Nhìn anh bệnh tiểu đường mà làm 3 việc một lúc vậy tôi xót lắm. Tôi nói với con rằng ba bệnh mà vẫn phải đi làm nên tụi con ráng học. Các con hiểu nên không bao giờ đòi hỏi gì", chị bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.