70 tuổi thi đỗ... tú tài

06/08/2015 10:17 GMT+7

Những ngày qua, người dân ấp Tân Lợi (xã Tân Thanh, H.Giồng Trôm, Bến Tre) bàn tán nhiều về chuyện ông Hồ Ngọc Cảnh (70 tuổi) vừa đỗ tốt nghiệp THPT 2015 (còn gọi là đỗ tú tài).

Những ngày qua, người dân ấp Tân Lợi (xã Tân Thanh, H.Giồng Trôm, Bến Tre) bàn tán nhiều về chuyện ông Hồ Ngọc Cảnh (70 tuổi) vừa đỗ tốt nghiệp THPT 2015 (còn gọi là đỗ tú tài).

Ông Hồ Ngọc Cảnh vui mừng vì vừa đậu tốt nghiệp THPT
Ông Hồ Ngọc Cảnh vui mừng vì vừa đậu tốt nghiệp THPT - Ảnh: An Lạc
Thí sinh “đặc biệt”
Dù đã ở cái tuổi “cổ lai hy” nhưng ông Cảnh vẫn quyết tâm thi tốt nghiệp THPT và là thí sinh lớn tuổi nhất ở Bến Tre trong kỳ thi THPT 2015 vừa qua.
“Tôi đã đậu tốt nghiệp với điểm trung bình là 5”, ông Cảnh cho biết.
Bà Trần Thị Nho, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, cho biết: “Bản thân tôi công tác trong ngành giáo dục nhiều năm nhưng trường hợp ông Cảnh là lần đầu tiên tôi chứng kiến. Ai cũng khâm phục tinh thần học tập nghiêm túc của lão ông này".
Bà Trần Thị Nho, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, nhận xét : “Tinh thần học tập của ông Cảnh rất đáng khen ngợi. Ông là thí sinh cao tuổi nhất ở tỉnh nhưng vẫn miệt mài học tập để tham gia thi tốt nghiệp THPT 2015”.
Theo ông Hồ Thanh Phương, Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Lợi, chuyện thi đậu tốt nghiệp THPT của ông Cảnh khiến cả xóm xôn xao, bởi đây là việc chưa từng xảy ra; đồng thời cho rằng đây là việc giúp kích thích tinh thần học tập của bọn trẻ trong ấp.
Niềm vui là vậy, nhưng để có được tấm bằng tốt nghiệp THPT thì ông Cảnh phải vượt qua nhiều khó khăn, mà trở ngại đầu tiên là sự phản đối của những người thân trong gia đình. Ông Cảnh kể ông từng thi đỗ tú tài 1 (lớp 11) vào năm 1968, nhưng lúc đó vùng quê Bến Tre đang bị ảnh hưởng chiến tranh nên việc học đành dở dang. Sau đó, ông lập gia đình và sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau.
Cứ ngỡ việc học sẽ không bao giờ quay lại thì đùng một cái vào năm 2012, sau khi ông học xong khóa sơ cấp về đông y, dự định mở cơ sở khám chữa bệnh cho bà con nhưng không thực hiện được do ngành chức năng quy định phải có bằng tốt nghiệp THPT. Không đầu hàng với tuổi tác, ông tìm tới Trung tâm giáo dục thường xuyên H.Giồng Trôm đăng ký học lớp 12.
Sau gần một năm miệt mài học tập, năm 2013, ông đi thi tốt nghiệp THPT cùng với đứa cháu ngoại. Năm đó, cháu ngoại thi đậu tốt nghiệp THPT và vào luôn Trường ĐH Kiến trúc ở TP.HCM, riêng ông thì bị trượt.
Năm 2014, ông tiếp tục thi lần thứ 2 nhưng vẫn không thành công.
Ước mơ trị bệnh giúp người
Theo ông Cảnh, ông học không chỉ để nâng cao kiến thức cho bản thân, mà học còn để giúp đời.
Ông tâm sự: “Đậu tốt nghiệp THPT là chỉ mới đi được nửa chặng đường, nửa chặng đường còn lại sẽ vô cùng cam go, cần phải nỗ lực không ngừng mới hy vọng hoàn thành tâm nguyện”.
Ông Cảnh dự định sẽ sớm liên hệ với các trường để theo học lớp trung cấp về đông y chính quy bài bản nhằm thực hiện ước mơ chữa bệnh giúp người nghèo khó.
“Thực tế tại các vùng nông thôn hiện nay còn rất nhiều thầy thuốc đông y chữa bệnh trái phép do không đủ điều kiện về học vấn theo quy định của ngành chức năng, nên không được Sở Y tế cấp bằng khám chữa bệnh. Bản thân tôi dù đã lớn tuổi song sẽ nỗ lực học đông y để lấy tấm bằng, đủ cơ sở pháp lý mở phòng khám”, ông Cảnh trăn trở.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (67 tuổi, vợ ông Cảnh) cho biết gia đình bà hiện đang canh tác 4,5 công hoa lài nên tạm đủ trang trải cuộc sống. Do đó, chuyện học trung cấp đông y của ông Cảnh được cả nhà đồng tình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.