Các bậc Phụ huynh thường chú ý đến những mặt tiêu cực của trò chơi điện tử (game) hơn là lợi ích mà nó mang lại. Nhưng nếu bạn biết chọn lọc, game sẽ là một công cụ mạnh mẽ giúp con (hoặc cháu/em...) bạn phát triển ở nhiều mặt.
1. Tăng khả năng giải quyết vấn đề và óc sáng tạo
Trò chơi điện tử có thể giúp não bộ của trẻ phát triển. Những tựa game mang tính chiến thuật như Legends of Zelda sẽ rất giúp ích cho trẻ khi game buộc trẻ phải suy nghĩ, tính toán nước đi sao cho đúng, hoặc như Bakugan: Defenders of the Core (nhập vai) cũng bắt buộc người chơi phải có chiến thuật cụ thể và biết ứng biến với các chiêu tấn công của địch.
Như người viết đã nói, nếu biết chọn lọc, bạn sẽ tìm ra được nhiều tựa game tuy không dán mác “giáo dục” nhưng vẫn dạy cho trẻ rất nhiều kĩ năng.
2. Là động lực cho trẻ học bài
Có nhiều tựa game chứa đựng những nội dung sẽ khiến trẻ muốn tìm tòi và nghiên cứu. Chẳng hạn như Age of Mythology, Civilization hay Age of Empires có thể sẽ là động lực để các bé nghiên cứu lịch sử, địa lý cũng như các nền văn hóa.
Hơn thế nữa, những tựa game lịch sử đậm chất chiến thuật này cũng sẽ it nhiều kich thích óc sáng tạo, khả năng tư duy cũng như suy luận của trẻ.
3. Giúp trẻ kết bạn
Đây là một lí do dễ thấy nhất ở game thủ. Khác với bậc phụ huynh, trẻ em coi game như một hoạt động xã hội, nơi mà các bé có thể rủ nhau cùng phối hợp một tựa game nào đó, khiến các bé trở nên hòa đồng và giao tiếp tốt hơn.
4. Là động lực để trẻ tập thể thao
Nghe có vẻ hơi vô lí, vì từ trước đến nay, nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng con họ sẽ ngồi ì một chỗ chơi game. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp tiếp thu được mặt tích cực của game. Khi trẻ chơi một tựa game thể thao nào đó và nhân vật trong game đạt được kỹ năng mới, trẻ sẽ cảm thấy thích thú và tập theo. Một số thì tập thể thao sau khi được giới thiệu một tựa game nào đó.
Việc nhân vật trong game đạt được kỹ năng mới sẽ làm động lực cho trẻ để tập cho đến khi được như nhân vật trong game.
5. Tạo cho trẻ tính cạnh tranh
Đây là một điều hoàn toàn bình thường và lành mạnh đối với trẻ. Có rất nhiều tựa game tạo những bảng xếp hạng nhằm tăng tính cạnh tranh giữa các người chơi. Từ đây, người chơi sẽ lấy đó làm động lực và luyện tập để thể hiện khả năng của mình.
6. Tăng khả năng lãnh đạo
Ở ngoài đời thực, trong một nhóm làm việc chung với nhau, lúc nào cũng cần có một nhóm trưởng để lãnh đạo và quản lí các thành viên trong nhóm. Cũng như trong game, nhất là những tựa game online, người chơi sẽ ở trong một nhóm và các thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau cũng như cần một trưởng nhóm để ra lệnh và điều phối.
Theo như nghiên cứu của Nick Yee tại trung tâm nghiên cứu Palo Alto, những đứa trẻ chơi game online theo nhóm cảm nhận rằng kỹ năng lãnh đạo như thuyết phục, thúc đẩy các thành viên hay giảng hòa xung đột được cải thiện rõ rệt.
7. Tạo điều kiện cho trẻ phát huy bản thân
Nhiều trẻ chọn cách chơi game một mình vì chúng muốn là người hiểu biết nhiều và có khả năng chỉ lại cho các bạn khác cách chơi. Đây là một cách rất tốt giúp gầy dựng các mối quan hệ cũng như nâng cao kỹ năng giao tiếp và sự kiên nhẫn.
8. Đẩy mạnh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Những đứa trẻ rất thích được bố mẹ chú ý đến sở thích của chúng. Vì vậy, hãy dành ra một chút thời gian tìm hiểu về sở thích của con và chia sẻ cùng bé, chắc chắc bé sẽ rất thích và sẽ mở lòng hơn với bạn.
Bình luận (0)