Hàng loạt dự án khổng lồ đang triển khai ở Phú Quốc (Kiên Giang), đưa huyện đảo này trở thành nơi thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tổng vốn đăng ký hơn 168.000 tỉ đồng (khoảng 8 tỉ USD).
Vinpearl là một trong những dự án làm thay đổi Phú Quốc - Ảnh: N.H |
Khách tăng, dự án tăng
Từ một vài chuyến bay bằng máy bay cánh quạt do Vietnam Airlines đưa khách tới đảo, đến nay mỗi ngày có hàng chục chuyến bay hạ và cất cánh từ sân bay quốc tế Phú Quốc. Trước đó, vào cuối năm 2012, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được khánh thành sau 4 năm xây dựng, vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, không chỉ đơn giản thu hút thêm nhiều du khách đến với đảo ngọc mà còn là tiền đề quan trọng để Phú Quốc hình thành đặc khu kinh tế.
|
Sân bay mới có thể tiếp nhận các loại máy bay lớn với lưu lượng 2,6 triệu lượt khách mỗi năm đã tăng năng lực vận chuyển lên 60% so với sân bay cũ. Cụ thể, năm 2013 khách du lịch đến Phú Quốc tăng gấp đôi so với thời điểm ngay trước khi sân bay mới khai trương (gần 700.000 lượt). Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc, cho biết dự báo năm nay có 850.000 lượt du khách đến với đảo, 30% là khách quốc tế.
Lượng khách tăng trưởng cao kéo theo nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn vào Phú Quốc. Thời điểm trước năm 2014 ở huyện đảo này có khoảng 3.000 phòng khách sạn, nhưng chỉ gần 1.000 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Công ty CBRE, khi dự án Vinpearl Phú Quốc Resort được đưa vào hoạt động cuối năm 2014 và các dự án nghỉ dưỡng lớn khác trên đảo đã tăng lượng phòng chuẩn quốc tế lên gần 3.000 phòng.
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi đưa sân bay mới vào vận hành, cùng nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nói trên, Phú Quốc trở thành đại công trường với hàng loạt dự án khủng đang triển khai. Theo ông Hưng, tính lũy kế đến nay có 200 dự án trong và ngoài nước đầu tư vào Phú Quốc, chủ yếu là các dự án trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, tổng vốn 168.000 tỉ đồng.
Ưu đãi lớn, giải quyết nhanh
Năm 2014, Phú Quốc được công nhận là đô thị loại 2 và tỉnh Kiên Giang đang tiếp tục tiến hành các thủ tục để thành lập thành phố biển Phú Quốc trực thuộc tỉnh, tiến tới thành lập đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Từ hoạch định chính sách này, Phú Quốc tập trung mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Bên cạnh sân bay mới 3.000 tỉ đồng, nhiều đường giao thông chính trên đảo đang được xây dựng có tổng vốn khoảng 5.800 tỉ đồng, đã giải ngân gần 3.700 tỉ đồng, với hệ thống đường quanh đảo, hệ thống đường nhánh, ngoài ra còn có tuyến điện lưới quốc gia, tuyến cáp điện, dự án nâng cấp cảng cá An Thới, dự án đê chắn sóng và nạo vét sông Dương Đông, Cảng du lịch quốc tế Phú Quốc...
Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ Phú Quốc thu hút được các nhà đầu tư với nguồn vốn khủng là nhờ các chính sách ưu đãi lớn. Theo Quy chế hoạt động của Phú Quốc và quần đảo Nam An Thới được Thủ tướng ban hành, dự án của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài vào Phú Quốc được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong suốt thời gian thực hiện dự án. Người VN và người nước ngoài được giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
Điều đặc biệt quan trọng đối với giới đầu tư bất động sản ở Phú Quốc là quy chế cho phép các tổ chức kinh tế, người VN định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú tại VN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức và cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê, cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây dựng hạ tầng theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai. Người VN định cư ở nước ngoài được mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất trên đảo. Người nước ngoài thường trú tại VN và các nhà đầu tư nước ngoài được mua nhà ở và được thuê đất ở lâu dài trên đảo.
Bình luận (0)