82 ngày làm con tin – Kỳ cuối: Đoàn tụ (*)

01/09/2006 16:23 GMT+7

Ngày 2/4/2006. Một chiếc 747 màu trắng của hãng Lufthansa từ từ hạ cánh xuống sân bay Logan ở Boston. Đúng 12 giờ 22 phút trưa hôm đó, Jill Carroll bước ra khỏi máy bay. Cô đã đặt chân lên đất Mỹ.

>> Kỳ 12: Tự do
>>
Kỳ 11: Lời dặn dò của mujahideen
>>
Kỳ 10: Tuyệt vọng
>> Kỳ 9: Những người anh em thánh chiến
>> Kỳ 8: Kẻ thù mới
>>    Kỳ 7: Hy vọng hão
>> Kỳ 6: Học kinh Koran
>> Kỳ 5: Phim thánh chiến
>> Kỳ 4: Đoạn video đầu tiên
>>
Kỳ 3: Đoạn video đầu tiên
>> Kỳ 2: “Gián điệp” bất đắc dĩ
>> Kỳ 1: Bị bắt cóc

"Con xin lỗi”

Trong lúc Jill làm thủ tục thì các nhân viên và cán bộ hải quan tụ tập rất đông xung quanh để được nhìn thấy cô. Bước nhanh lên một chiếc xe hơi đang chờ sẵn ở ngoài, cô đi thẳng đến trụ sở của tờ Monitor ở Back Bay (thuộc Boston). Một đoàn xe cảnh sát hộ tống cô, trong khi máy bay trực thăng của các cơ quan truyền thông thì bám sát ở phía trên.

Jill chẳng mang theo hành lý gì nhiều. Cô đã bỏ lại ở Vùng Xanh (Baghdad) cái túi lớn màu vàng đựng quần áo và các vật dụng mà những kẻ bắt cóc đưa. Cô đã ở đó trong một ngày để giải tỏa bớt căng thẳng, nói chuyện với nhóm hỗ trợ con tin của tòa đại sứ Mỹ trước khi leo lên một chiếc máy bay chuyên được dùng để chở các binh sĩ Mỹ bị thương tới căn cứ không quân Ramstein ở Landstuhl (Đức).


Trở về (Ảnh: AP)

Ở Boston, chiếc xe hơi chở cô chạy thẳng vào bãi đỗ xe dưới tầm hầm của trụ sở Monitor. Theo kế hoạch đã được sắp xếp trước, Jill đi dưới tầng hầm qua phía bên kia đường. Nhanh như cắt, cô nhảy lên một chiếc xe van màu xanh, dễ dàng “qua mặt” cánh nhà báo đang “đóng đô” dày đặc trước tòa soạn Monitor.

Chiếc xe van chạy thêm vài dãy nhà nữa, dừng lại ởmột căn thuộc quyền sở hữu của nhà thờ. Jim, Mary Beth và Katie đang đứng chen chúc nhau ở ô cửa sổ và gọi lớn: “Zippy” (Zippy là tên thân mật của Jill).

Họ chạy nhanh xuống tầng dưới. Cả gia đình ôm chầm lấy nhau. Nước mắt Jill rơi lã chã. Cô nức nở: “Con xin lỗi”. Vậy là cuối cùng, Jill đã về tới nhà.

Vì sao Jill được thả?

Gần 5 tháng đã trôi qua. Chúng ra rút ra được kết luận gì từ việc Jill bị bắt cóc và được trả tự do?

Toàn thể lãnh đạo và nhân viên của tờ Monitor đều rất cảm kích trước làn sóng phản đối những kẻ bắt cóc trên khắp thế giới, nhất là từ các lãnh đạo Hồi giáo và thậm chí từ các nhóm dân quân, chẳng hạn như Hamas. Họ cũng rất tự hào vì chiến dịch truyền thông của họ đã góp phần dẫn đến những nỗ lực mang tính cách cá nhân kêu gọi trả tự do cho Jill cũng như những công bố công khai được đăng tải trên báo chí Iraq. Họ tin rằng họ đã nhắm đến đúng đối tượng: Trung Đông. Họ biết rằng những nỗ lực này đã đến được với những kẻ bắt cóc.

Sẽ là quá đà nếu nói rằng nỗ lực của Monitor là nguyên nhân giúp Jill được tự do nhưng nói như lời Tổng biên tập Monitor, ông Richard Bergenheim: “Tôi tin rằng những nỗ lực này đã làm thay đổi hoàn cảnh lúc đó”.

Một điều dễ thấy khác: Iraq là nơi rất nguy hiểm đối với nhà báo. Hơn 100 nhà báo, người phiên dịch và phụ tá của họ đã chết kể từ khi cuộc chiến nổ ra hồi tháng 3.2003.

Kể từ ngày Jill bị bắt cóc, tòa báo Monitor đã tăng cường các biện pháp bảo vệ cho nhân viên tại Baghdad vì cả 2 lý do: những gì đã xảy ra với Jill và tình hình an ninh tại đây ngày càng tồi tệ hơn. Ban biên tập không công khai đó là những biện pháp gì để không làm giảm hiệu quả chính những nỗ lực của họ. Tòa báo đã thuê một công ty an ninh của Anh để tư vấn về vấn đề này.


Trong vòng tay gia đình (Ảnh: Boston Globe)

Còn đối với Jill, cô tâm sự rằng những gì xảy ra đã dạy cho cô một bài học về sự lựa chọn. Trong suốt 82 ngày làm con tin, cô luôn nghĩ tới gia đình và bạn bè. Công việc và sự thành đạt dường như không còn quan trọng nữa. “Lúc đó, tôi không một lần ao ước có thể đăng thêm bất kỳ một bài viết nào”, cô nói.

Nhưng cô không hề hối tiếc vì đã đến Iraq để tác nghiệp. Cô đã đạt được điều mà cô luôn mong muốn: làm báo ở nước ngoài. Sau khi được tự do, cô đã quay lại Ai Cập và rất hạnh phúc vì điều này. Cô lại được nếm trải nền văn hóa độc đáo của thế giới Hồi giáo trong một môi trường hòa bình.

“Những gì đã xảy ra cho tôi không thể đại diện cho cả vùng Trung Đông”, Jill nhận xét.

Jill cũng không còn là một nhà báo tự do như trước nữa. Biết trước rằng Jill thể nào cũng được tự do, tờ Monitor đã âm thầm nhận Jill làm phóng viên chính thức chỉ một tuần sau khi cô bị bắt để cô có thể yên tâm hơn về mặt tài chính mà tác nghiệp sau này. Mùa thu này, cô đã được nhận một học bổng báo chí tại một trường đại học lớn. Sau đó, cô lên kế hoạch sẽ tiếp tục ra nước ngoài hành nghề.

Tại sao Jill lại được trả tự do? Có lẽ không ai, trừ những kẻ bắt cóc biết được câu trả lời chính xác. Có lẽ áp lực của dư luận đã phát huy hiệu quả. Có lẽ những lời nhận xét rỉ tai thông qua thế giới  tình báo phương Tây cũng như Trung Đông đã thuyết phục được các lãnh đạo Hồi giáo Sunni có nhiều ảnh hưởng rằng làm hại Jill không có lợi cho họ.

Cũng có thể rằng tình hình chính trị biến chuyển vào lúc đó đã làm thay đổi thứ tự ưu tiên của những kẻ bắt cóc. Có thể nhóm này thấy rằng bọn chúng đã đạt được mục tiêu của mình: được nhiều người biết đến và một số phụ nữ ở nhà tù Abu Ghraib đã được trả tự do. Mà cũng có thể nguyên nhân đến từ chính Jill- một cô gái Mỹ biết nói tiếng Ả Rập. Có thể chính cô đã làm thay đổi kế hoạch của nhóm bắt cóc.

“Một trong những thứ vũ khí hữu hiệu nhất để chống lại khủng bố chính là sự thật. Trong trường hợp này, sự thật là Jill Carroll không phải là kẻ thù của những kẻ bắt cô ta. Bố của cô đã nói lên sự thật và cả thế giới này cũng làm điều đó”, Christopher Voss- nhân viên đặc biệt của Đơn vị đàm phán khủng hoảng ở Quantico (trực thuộc FBI) phát biểu.

Cả báo Monitor và gia đình của Jill đều khẳng định rằng họ không nộp một đồng tiền chuộc nào để đổi lấy sự tự do cho cô.

800USD và sợi dây chuyền vàng


Hồi đầu tháng này, quân đội Mỹ thông báo đã bắt được 4 trong số những kẻ đã bắt cóc Jill sau khi đột kích vào 4 địa điểm ở Baghdad, Abu Ghraib và một ngôi làng phía Tây Fallujah. Các nguồn tin Mỹ ở Baghdad đã nói với nhà báo Scott Peterson rằng người đàn ông mà Jill biết đến dưới cái tên Abu Ahmed tên thật là aka Sheikh Sadoun và đã bị thủy quân lục chiến Mỹ bắt vào ngày 19/5. Những kẻ khác là những tên lính canh, không nắm vị trí quan trọng trong nhóm này.

Gia đình của Alan Enwiya- người thông dịch cho Jill bị sát hại khi cô bị bắt cóc- đã rời Iraq, vùng đất họ cảm thấy quá nguy hiểm. Họ đang xin chính phủ Mỹ cho họ sang đây định cư cùng với họ hàng của mình.

Jill chưa bao giờ chạm trán với kẻ đã giết Alan. Cô nghe nói rằng tên này đã chết chỉ một tuần sau đó trong một chiến dịch càn quét những kẻ nổi dậy.

Riêng tài xế Adnan Abbas, người đã thoát chết sau vụ bắt cóc, đầu tiên bị nghi ngờ là kẻ đồng lõa. Tuy nhiên, anh ta đã được cảnh sát Iraq chứng minh là vô tội. Anh ta cùng vợ và 4 đứa con (trong đó có một trẻ sơ sinh) cũng đã ra nước ngoài. Vẫn chưa biết tương lai của họ sẽ như thế nào nhưng mong muốn của họ là được sang Mỹ sinh sống và làm việc.

Báo Monitor đã thành lập 2 nguồn ngân quỹ để giúp đỡ 2 gia đình này bắt đầu cuộc sống mới. Trong số những đóng góp mà ngân quỹ nhận được có 800 USD mà những kẻ bắt cóc đã đưa cho Jill trước khi trả tự do cho cô. Cô cũng dự định sẽ đem sợi dây chuyền vàng đi bán và dùng số tiền này góp cho ngân quỹ.

Kiều Oanh (Dịch từ Christian Science Monitor).

(*): Kỳ cuối không nằm trong hồi ký của Jill Carroll nhưng do một đồng nghiệp của Carroll ở tờ Christian Science Monitor là Peter Grier viết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.