Vì quá ngao ngán, không tin tưởng với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nên nhiều người ủng hộ chủ trương một kỳ thi quốc gia vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm hơn là tổ chức vào lúc nào, thực hiện ra sao để đảm bảo công bằng, có chất lượng, ổn định, khoa học…
Mới ngày hôm qua, khi các trường ĐH chuẩn bị kết thúc công tác chấm thi, đã đặt câu hỏi: “Sao vẫn nhiều bài thi môn toán điểm 0 cho dù đề thi có những câu khá dễ, tương đương đề thi tốt nghiệp THPT?”. Không có câu trả lời nhưng ai cũng hiểu rằng phải xem lại chất lượng, hiệu quả thật sự của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay.
Làm một cuộc khảo sát nhỏ ở các trường ĐH được xem là tốp đầu tại TP.HCM, chúng tôi nhận được kết quả mỗi trường đều có vài chục bài thi môn toán điểm 0. Những người có trách nhiệm ở các trường ĐH cũng nhìn nhận nếu cho là cùng một thí sinh dự thi nhưng kết quả chênh lệch quá lớn thì một trong những vấn đề đặt ra là việc coi, chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp.
Khi công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2014 trên 99%, một đại diện của Bộ GD-ĐT nhận định con số này phản ánh được thực chất việc dạy và học ở các địa phương, đúng năng lực và kiến thức của học sinh. Đánh giá này có mâu thuẫn với thực tế không khi năm nay một thành phố lớn như TP.HCM không còn chỉ dựa vào tỷ lệ tốt nghiệp để đánh giá chất lượng các trường? Còn theo một nhà nghiên cứu giáo dục, khi đi tìm hiểu giáo dục của một huyện miền núi, báo cáo của huyện cho thấy chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, huyện này có 5 trường THPT và một trung tâm GDTX thì kết quả tốt nghiệp chung của huyện 3 năm qua đạt trên 99,5%!
Đây chỉ là vài dữ liệu cho thấy không thể duy trì mãi một kỳ thi tốt nghiệp THPT như lâu nay.
Nhưng làm thế nào để thực hiện cho hợp lý một kỳ thi quốc gia với 2 mục đích khác nhau là chuyện không đơn giản, nhất là khi thời gian không như kế hoạch ban đầu là sau năm 2016 mà dự kiến ngay từ năm 2015?
Nay đã hơn giữa năm 2014 mà mọi thứ vẫn còn là phương án, dự kiến. Người dân, học sinh nếu biết về những thay đổi này chỉ qua báo chí; những người trực tiếp làm giáo dục cũng không khá gì hơn về nguồn thông tin.
Thử nhìn vào cách làm của một số nước để thấy trước một thay đổi lớn liên quan đến người dân, họ đã chuẩn bị kỹ càng và cách làm khoa học như thế nào.
Khi người Anh muốn thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học từ có điểm, có xếp hạng sang định tính, họ phải thực hiện cả một chiến dịch. Những người có trách nhiệm phải tuyên truyền đến dân chúng. Giáo viên và nhân viên của bộ giáo dục tổ chức các đoàn đi vận động, giải thích, phát tài liệu cho người dân trên đường phố, khu vui chơi... về những thay đổi này.
Khi người Mỹ đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì kỳ thi SAT như hiện nay hay không, họ đã làm những nghiên cứu tỉ mỉ xem điểm thi SAT dùng làm điều kiện đầu vào ảnh hưởng thế nào đến kết quả học ĐH của sinh viên. Họ đã tiến hành khảo sát trên 123.000 sinh viên.
Để có được một chương trình - sách giáo khoa, Bộ Giáo dục bang Queensland (Úc) gửi thông báo đến những người có uy tín trong lĩnh vực giáo dục và hiệu trưởng các trường phổ thông để tham gia xây dựng chương trình các môn học. Chương trình sau khi được biên soạn sẽ lấy ý kiến từ người học đến phụ huynh, giáo viên và cộng đồng. Sau khi nhận được các ý kiến phản hồi, các chuyên gia mới xây dựng một chương trình để bộ phê duyệt.
Ý kiến của mọi đối tượng đều đáng ghi nhận. Làm thế nào để không dẫn đến việc làm xong năm 2015 rồi sau đó lại tiếp tục điều chỉnh, thay đổi? Làm sao đừng để dù có một kỳ thi quốc gia nhưng phần lớn các trường vẫn không tin tưởng mà vẫn có một kỳ tuyển sinh riêng…?
Thùy Ngân
Bình luận (0)