“Dứa dại không gai/Chúng anh nghĩ rằng cây thì dứa dại nó không gai/Không ngờ thì gai dứa lại dài hơn chông/Em nói dối anh em chửa có chồng…”, tiếng hát của nghệ sĩ Văn Phương cất lên, những gương mặt trẻ tỏ ra thích thú, gật gù theo nhịp điệu. Trong khán phòng, những tiếng cười đã vang lên khi trích đoạn Xã trưởng mẹ Đốp trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính được diễn trên sân khấu. Trong số những người trẻ ngồi ở đây, có người lần đầu mới được biết đến sự phong phú của các làn điệu xẩm, hay thế nào là hề áo ngắn, hề áo dài trong chèo…
“Dụ” khán giả trẻ không dễ
tin liên quan
Đưa âm nhạc dân tộc đến gần người trẻ“Người trẻ có cách tiếp nhận khác với âm nhạc truyền thống. Nhiều người chưa từng được làm quen tiếp xúc bao giờ. Trong khi, họ quen với những loại hình nghệ thuật khác tươi mới hơn, cập nhật thị trường nhiều hơn”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nói về một trong những khó khăn khi làm chương trình giới thiệu âm nhạc truyền thống tới người trẻ.
Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, muốn “dụ” khán giả trẻ phải có “chiêu”. “Để âm nhạc truyền thống tiếp cận gần hơn với công chúng, đặc biệt là người trẻ phải biến đó trở thành món ăn tinh thần chứ không phải để mọi người phải tiếp nhận như kiểu đó là giá trị cổ truyền quý báu của dân tộc, mình phải trân trọng. Không thể làm như thế, mà đó phải là tác phẩm nghệ thuật để mọi người thích thú khi thưởng thức. Âm nhạc phải hợp thời, tức là ca từ nội dung cũng phải đời, gần gũi. Chúng ta ở thời đại nghe nhìn nên phần hình cũng phải đẹp. Khi làm chương trình hay sản phẩm âm nhạc chúng tôi luôn cố gắng đi theo khuynh hướng như vậy”, ông Long cho hay.
|
Nghệ sĩ cát sê vài trăm vẫn diễn
|
Tuy vậy, tất cả các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đều phải quen với việc “không có tiền” hỗ trợ từ nhà nước trong hầu hết các hoạt động bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc. “Nghệ sĩ làm từ tâm sức chứ không có gì hỗ trợ cả, kể cả kinh phí. Ngay như việc làm các hoạt động để giới trẻ tiếp cận cũng khó có kinh phí để làm thường xuyên. Trong khi, để làm chương trình ít nhất phải có khoản kinh phí nhất định lo mặt âm thanh, ánh sáng”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho hay. “Đến các nghệ nhân còn không chế độ đãi ngộ gì nhiều nữa là các nghệ sĩ”, nghệ sĩ ngậm ngùi nói.
Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc đã mang những chương trình diễn giải âm nhạc dân tộc VN đến nhiều trường đại học trên thế giới như tại Mỹ, Pháp, Đức…, nhưng chẳng mấy khi có thể đến với sinh viên VN. Ông Nguyễn Quang Long cho hay, việc chương trình Tinh hoa nhạc Việt có thể diễn ra là nhờ cái bắt tay hợp tác giữa trung tâm và Cung Thanh niên (Hội Liên hiệp Thanh niên VN). “Chúng tôi chỉ có một khoản kinh phí nhỏ, cát sê của nghệ sĩ cũng chỉ vài trăm nghìn nhưng ai cũng “sung” vì dù sao cũng đã có được “sân chơi” cho các bạn trẻ”, ông Long nói.
Bình luận (0)