Còn AFF Cup 2018, liệu Thái Lan có nối dài chiến tích? Singapore đuổi kịp người Thái? Việt Nam hoặc Malaysia lần thứ 2 đứng đầu? Hay liệu Indonesia hay Philippines có thể lần đầu góp tên trong “bảng vàng”?
1. Cuộc đua mới của AFF Cup 2018 bắt đầu từ những đổi thay trên băng ghế huấn luyện, nôm na là bắt đầu từ những “cái đầu”. Lào 3 lần thay đổi HLV chỉ trong 1 năm, và đặt hy vọng vào ông thầy người Singapore. Campuchia mời Keisuke Honda – một cựu tuyển thủ nổi tiếng của Nhật Bản. Thái Lan thuê HLV từng đưa Ghana vào tứ kết World Cup 2010. Nhưng Philippines mới là đội gây sốc nhất khi có được chữ ký của Sven Goran Eriksson, chiến lược gia lừng danh người Thụy Điển từng dẫn dắt tuyển Anh, Bờ Biển Nga, Mexico...
Còn đội tuyển Việt Nam, “bộ não” giờ đang đặt cả nơi “thầy Park”, vị HLV trưởng đầu tiên đến từ Hàn Quốc, người từng bị nghi ngờ khi mới đến với Việt Nam với tuyên bố “sẽ đưa đội tuyển vào tốp 100 thế giới”, nhưng sau đúng 1 năm đã làm khiến mọi nghi ngờ ấy tan biến khi liên tiếp thành công tại 2 giải đấu lớn: Á quân U.23 châu Á và tốp 4 Asiad 18 (lứa U.23 + 3).
|
Lịch sử bóng đá nước nhà ghi nhận Alfred Riedl là “vị tướng” đầu tiên đưa bóng đá Việt Nam vào tới chung kết AFF Cup (1998). Sau đó đúng 10 năm, Henrique Calisto là HLV thứ 2 dẫn dắt đội tuyển Việt Nam lần thứ 2 vào chung kết, rồi lần đầu tiên giành ngôi vô địch. Kể từ chiến tích kỳ diệu ấy tới nay, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ thêm một lần đi tới trận cuối cùng tại AFF Cup, dù vị trí cầm quân đã nhiều lần thay đổi, từ “nội” (Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng), tới “ngoại” (Calisto, Miura).
Bởi vậy, không có gì lạ khi sự kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà giờ đây đã trở nên rất lớn lao, đặt lên vai thầy Park cùng lứa tuyển thủ có độ tuổi trung bình trẻ nhất trong lịch sử các lần tham dự các giải quốc tế (23,78) của đội tuyển Việt Nam.
2. Kèm theo niềm hy vọng là nỗi băn khoăn, bởi những chiến công tại VCK U.23 châu Á hay ASIAD đều chỉ là sân chơi cho lứa tuổi trẻ.
Nhưng việc đội tuyển Việt Nam đăng ký chính thức dự AFF Cup 2018 với chỉ 8/23 cầu thủ trên độ tuổi 23 cho thấy sức trẻ là tiêu chí cốt lõi ở đội tuyển trong tay thầy Park. Có thể hy vọng thế này: Lứa trẻ này có lẽ không biết “sợ” Thái Lan, đương nhiên cũng chả biết “ngán” những kình địch như Malaysia hay Indonesia. Nghĩa là ngoài sức trẻ, còn một yếu tố khác nên ghi nhận nơi các học trò của “thầy Park”, đấy là tinh thần (điều đã được thể hiện tại VCK U.23 châu Á và ASIAD vừa qua).
Năng lực cầm quân, đấu pháp và tài “đọc trận đấu” của thầy Park; Sức trẻ, tinh thần tốt của dàn tuyển thủ trẻ, cộng thêm kinh nghiệm trận mạc của những Văn Lâm (thủ môn), Ngọc Hải (trung vệ), Trọng Hoàng (tiền vệ), Văn Quyết, Anh Đức (tiền đạo)... tất cả sẽ giúp đội tuyển Việt Nam tạo nên một đội hình có sự cân bằng và đồng đều hơn hẳn so với những kỳ AFF Cup gần đây.
Mối băn khoăn nữa có lẽ nằm ở tính hiệu quả, mà điều này thì hẳn vốn đã nằm trong triết lý bóng đá của “thuyền trưởng” Park Hang-seo. Lèo lái con thuyền đội tuyển Việt Nam như thế nào, vượt “ghềnh thác” và các thử thách ra sao, ông là người hiểu rõ nhất và chịu trách nhiệm chính.
|
Nhưng cuối cùng, kết quả còn tùy thuộc cả vào những điều khách quan đến mức gần như... ngoài tầm với: Sự may rủi. Tiger Cup 98, đội tuyển Việt Nam mất cúp vô địch một phần vì... kém may mắn. 10 năm sau, chúng ta vô địch cũng một phần lại nhờ vào... vận đỏ. Vậy nên nhiều khi không nên chỉ lấy thành – bại để “luận anh hùng”.
Lịch sử gọi tên ai? Chúng ta hãy cùng chờ đợi, cổ vũ và hy vọng!
Bình luận (0)