Ai bảo vệ người tiêu dùng?

10/06/2010 00:21 GMT+7

Chiều qua (9.6), QH thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD). Mặc dù nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ra đời luật này nhưng hầu hết các đại biểu (ĐB) đều đánh giá: dự luật này được xây dựng quá sơ sài, đặc biệt chưa rõ NTD sẽ được bảo vệ như thế nào, tổ chức nào chịu trách nhiệm bảo vệ họ.

Không rõ người tiêu dùng sẽ được bảo vệ ra sao

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận định: NTD Việt Nam đang rất yếu thế. Hình thức bán hàng ngày càng phong phú: qua điện thoại, internet, tivi... nhưng dự luật không đề cập đến quyền và trách nhiệm của người mua, người bán qua các hình thức này ra sao. Ngoài ra, theo ĐB Hường, mảng dịch vụ trong dự luật còn rất bị xem nhẹ trong khi trên thực tế các loại hình dịch vụ xuất hiện ngày càng nhiều.

Ví dụ, dịch vụ tư vấn, nếu nhà cung cấp dịch vụ tư vấn sai, dẫn đến NTD quyết định sai và bị thiệt hại; vậy quyền lợi của họ trong trường hợp này được bảo vệ thế nào? Chính vì vậy, ĐB Hường đề xuất: “Phải có quy định tương ứng với loại hình giao dịch hiện có, dự báo sẽ có, thì NTD mới được bảo vệ tương đối”.

"Từ năm 1993, ta đã có Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng thực tế thì hội này chưa bảo vệ được ai cả, vì họ không có luật pháp hỗ trợ. Rút kinh nghiệm thì trong luật phải quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm và phải cho tổ chức này quyền năng cụ thể".

ĐB Nguyễn Văn Phát
(Thanh Hóa)

Cùng chung nhận định này, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói: “Dự luật chỉ nặng về hàng hóa, không đề cập đáng kể đến việc bồi thường NTD khi họ phải nhận dịch vụ kém chất lượng”. Theo ông Hùng, có 4 dịch vụ là giáo dục, y tế, ngân hàng, thông tin, “ví dụ, dịch vụ viễn thông, điện thoại gọi chỉ một bên nghe được, một bên không nghe được, nghĩa là tiền mất mà không gọi được. Vậy bồi thường thế nào? Chưa hết, gần đây có chuyện người ta dùng công nghệ nhắn tin giả mạo. Giả dụ, dùng số của tôi nhắn cho người khác, gây ra bao nhiêu chuyện phiền hà, ghen tuông...”. Ông Hùng đề nghị phải có điều khoản quy định xử lý cả dịch vụ có khuyết tật. 

Ở một khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), đặt câu hỏi: “Việc mua hàng của những người bán rong, nếu hàng hóa kém chất lượng thì NTD sẽ được bảo vệ ra sao?”. Theo bà Hà, những mặt hàng bán rong rất nguy hiểm. “Ví dụ bán kem di động, trẻ con ăn xong nếu bị ngộ độc cũng phải vài tiếng sau, kẹo mút phát sáng... cũng vậy, dù ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em, đặc biệt trẻ em ở nông thôn, trẻ em mua quà rong ở cổng trường... nhưng dự luật lại chưa đề cập rõ tới đối tượng bán hàng rong này”, bà Hà nói.

Không thể đòi hỏi NTD thông thái như... Tôn Ngộ Không!

Trong dự thảo luật còn có những câu như là khẩu hiệu mà không phải là chính sách cụ thể. Tôi nghe ở Hà Nội có một phó chủ tịch, yêu cầu người tiêu dùng phải thông thái, nhưng thực tế thì tiến sĩ cũng bị lừa nữa là người dân. Bánh chưng, mứt tết, chai rượu, ai kiểm tra được mà biết, mở ra nếm, bóc ra ăn thử à? Nghĩa là không thể đòi hỏi NTD phải thông thái như Tôn Ngộ Không, nhưng cũng không thể để người dân gặp gì cũng mua, không ai có trách nhiệm. Nhà nước phải có hệ thống văn bản, cũng như bộ máy, thậm chí chính quyền cơ sở đủ mạnh để bảo vệ NTD, không thể để chính quyền cơ sở dung túng, bao che cho gian thương làm ảnh hưởng đến NTD.

ĐB Lê Văn Cuông 
(Thanh Hóa)

ĐB Nguyệt Hường cũng đồng tình với nhận định này và cho rằng: đặc điểm của VN là hàng rong rất nhiều, không phải ai cũng vào siêu thị mua hàng. Bởi vậy, luật bảo vệ NTD cũng nên thiết kế phù hợp với đời sống của chúng ta chứ không phải rập khuôn theo mẫu của các nước tiên tiến.

Tổ chức nào bảo vệ NTD?

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) lên tiếng: “Đề nghị luật cần phải làm rõ hơn địa vị pháp lý của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, dự luật xác định vị trí của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng còn quá mập mờ”. ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) tiếp tục: “Ở chương 5 của dự luật có nói đến việc thành lập tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng ai sẽ là người đứng ra bảo vệ thì chưa rõ”. ĐB Long nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng nhất là NTD phải biết là họ có quyền gì? Ví dụ, ở chợ phải có cái cân chuẩn, có cơ quan chức năng đứng ra đảm bảo cái cân đó, kẹp chì, kiểm định, bảo dưỡng ra sao. Ở mỗi chợ, thì ban quản lý xử lý các tình huống hàng nhái, hàng giả ra sao, chứ bảo vệ như luật này quy định thì chưa thấy bảo vệ gì cả”.

ĐB Nguyệt Hường (Hà Nội) nói: cần phải xác định rõ vai trò của tổ chức bảo vệ NTD đặt ở đâu, vị trí nào trong các tổ chức của chúng ta. Ở các nước, hoạt động của tổ chức này là tổ chức xã hội, Nhà nước tham gia bằng cách đưa ra các thiết chế, chế tài xử lý khi sự việc xảy ra. “Dự luật này lại dùng bộ máy hành chính nhà nước để làm việc bảo vệ quyền lợi NTD là không hợp lý”, ĐB Hường đánh giá. ĐB Long cũng cho rằng, việc quy định UBND cấp xã phường có trách nhiệm xử lý khi xảy ra tranh chấp giữa người kinh doanh và NTD là rất khó cho địa phương.

Lo quá tải cho các cơ quan hành chính nếu dự luật quy định như vậy, ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) đề nghị: “Không nên thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp tại cơ quan hành chính, vì cơ quan hành chính giải quyết những vụ khiếu nại liên quan đến chính mình đã mệt mỏi rồi”.

ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) phân tích, đây chỉ là tranh chấp giữa người tiêu dùng với người cung cấp, khi xảy ra tranh chấp thì tại sao lại chuyển cho cơ quan hành chính giải quyết. Thêm nữa, “nếu để cơ quan hành chính giải quyết, khi không đồng ý thì người tiêu dùng lại khởi kiện ra tòa, và khi khởi kiện ra tòa thì vô tình “ông” Nhà nước lại phải đi theo để giải quyết”, ĐB Ánh nói.

Nhiều ĐB đề xuất: cần phải viết lại dự luật bảo vệ quyền lợi NTD vì nội dung dự luật hiện quá sơ sài, mâu thuẫn nhau; thiếu sự quan tâm, đối chiếu, so sánh với các luật có liên quan khác nhằm tránh việc ban hành rồi mà đi vào cuộc sống thì ít, có luật nhưng NTD vẫn không được hưởng lợi.

Đề nghị rút ngắn thời gian sửa đổi Hiến pháp

Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 tại hội trường sáng 9.6, nhiều ĐB QH đề nghị nên bàn sửa đổi Hiến pháp 1992 ngay từ kỳ họp thứ 8 của QH khóa XII thay vì đưa vào chương trình chuẩn bị sửa đổi năm 2011 như đề nghị của Ủy ban TV QH.

ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) cho rằng nếu Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp có thể được đưa vào chương trình chính thức vào cuối năm nay, tức là khóa XII kỳ họp thứ 8 thì sẽ tốt hơn. Bởi vì việc sửa đổi Hiến pháp kịp thời sẽ phù hợp cho việc chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân ở các cấp năm tới. 

Cũng trong quá trình thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2011, sáng 9.6, nhiều ĐB QH đề nghị kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan soạn thảo luật đã không chấp hành việc đưa một số luật vào bàn thảo tại chương trình kỳ họp thứ 7 như dự kiến, trong đó đáng chú ý là Luật Biển Việt Nam, Luật Đầu tư công và Luật Thủ đô. Đồng thời, các ĐB QH đề nghị sớm xúc tiến trình các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Khiếu nại, tố cáo (sửa đổi) và một số luật khác để giải quyết những bức xúc của thực tiễn đặt ra trong cuộc sống hiện nay.

Cùng quan điểm, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng đề nghị kỳ họp thứ 8 tới tập trung bàn sửa đổi Hiến pháp 1992, bởi vì lúc đó đã cận kề tổ chức ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI. “Chúng ta tập trung xây dựng dự thảo sửa đổi một số điều theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI tới đây, sửa Hiến pháp để chúng ta sửa lại tổ chức bộ máy chứ nếu để qua nhiệm kỳ XIII mới sửa thì sẽ phục vụ cho Quốc hội khóa XIV, Quốc hội khóa XIII không làm được nữa vì liên quan đến Luật tổ chức Quốc hội, tổ chức Chính phủ, UBND, HĐND các cấp, Luật tổ chức Viện kiểm sát, tòa án... như vậy không phù hợp”, ông Minh lý giải. Nhiều ĐB cũng tán thành đề xuất trên.

Về việc sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (ủy ban thay mặt Ủy ban TV QH trình dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 - pv) cho biết, nếu sau khi tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành, QH không đồng ý tổ chức thí điểm nữa và được phép của BCH Trung ương thì phải sửa Hiến pháp ngay trong kỳ họp cuối năm nay. Và chỉ sửa những nội dung liên quan đến tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. “Nhưng sau lần sửa này có phải sửa nữa không, chắc chắn trong nhiệm kỳ sau chúng ta vẫn phải sửa đổi một cách căn cơ hơn các quy định của Hiến pháp để thực hiện cho được những đổi mới trong các văn kiện, các nghị quyết của Đảng về mặt thể chế cũng như về các nội dung khác”, ông Thuận nhấn mạnh.

Nguyệt Minh

Tuệ Nguyễn - Lưu Quang Phổ - Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.