(TNO) Trong tuyên bố mới nhất hôm 5.11, cả Ai Cập và Nga đều bác bỏ lập luận cho rằng máy bay đã bị đánh bom, ngược lại với ý kiến của tình báo Mỹ.
Các nhà điều tra Ai Cập và Nga vẫn tiếp tục tìm nguyên nhân vụ máy bay Nga rơi ở Sinai vừa qua, nhưng tạm thời bác bỏ suy đoán cho rằng IS đã đánh bom - Ảnh: Reuters |
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 5.11 tuyên bố tất cả những khả năng dẫn tới việc chiếc máy bay của hãng Kogalymavia (Nga) rơi tại Ai Cập vừa qua cũng chỉ thuộc diện suy đoán. Chỉ những kết quả từ cuộc điều tra chính thức mới xác định nguyên nhân vụ thảm họa làm chết 224 người, theo Reuters.
Trước đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng có khả năng chiếc máy bay bị đánh bom, và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đứng sau vụ này.
Cùng ngày, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Ai Cập, ông Hossam Kamal cũng lên tiếng bác bỏ những lập luận cho rằng máy bay bị đánh bom. “Các nhà điều tra không tìm thấy bất kỳ bằng chứng hoặc dữ liệu nào xác nhận giả thuyết ấy”, Reuters dẫn lời ông Kamal.
Ngoài ra, ông Kamal cũng khẳng định phía Ai Cập luôn tuân thủ các quy định về an ninh và an toàn hàng không tại tất cả các sân bay. Cả ông Peskov và ông Kamal cũng nói các chuyến bay đi và về thông qua sân bay ở Sharm el-Sheikh, nơi xuất phát của chuyến bay Nga gặp nạn vừa qua, vẫn được thực hiện bình thường.
Chiếc máy bay của hãng Kogalymavia vừa qua gặp nạn trên đường từ Sharm el-Sheikh về St. Petersburg (Nga), làm chết 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn. Các hộp đen đã được tìm thấy, nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng tính đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ các cơ quan điều tra.
Tình báo Mỹ cho rằng đã có sự tiếp tay của nhiều người trong kế hoạch đánh bom máy bay Nga - Ảnh: Reuters
|
Tổ chức IS đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ việc này, tuy nhiên cả Ai Cập lẫn Nga đều bác bỏ và tiếp tục điều tra vụ việc.
Ngày 5.11, CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho rằng phía tình báo Mỹ khẳng định vụ việc rất có thể do IS hoặc những người liên quan tới tổ chức này gây ra. Theo đó, tình báo Mỹ lập luận rằng cá nhân hoặc tổ chức khủng bố đã nhận sự trợ giúp từ một người nào đó tại sân bay Sharm el-Sheikh để thực hiện trót lọt kế hoạch đưa bom lên máy bay.
“An ninh tại sân bay này rất lỏng lẻo. Vốn người ta đã biết thế. Nhưng thông tin từ tình báo cho thấy đã có một người nào đó trợ giúp (đem bom) tại sân bay”, một quan chức Mỹ nói với CNN.
Bình luận (0)