Một người thầy thấy rác nhưng không lượm mà yêu cầu học trò lượm. Một người mẹ thấy sách báo rơi trên sàn nhà, bước ngang qua, rồi kêu con đến nhặt lên cất đúng chỗ... Người lớn ra lệnh cho trẻ vì muốn trẻ phải tự làm để rút ra bài học, tự giác hơn. Đó là suy nghĩ của người lớn.
Học trò phản kháng lại thầy với lý do sao thầy là người lớn, thấy rác không lượm mà bắt em lượm. Như thế là không làm gương. Đứa con phản đối mẹ cũng với lý do tương tự. Thế là mâu thuẫn xảy ra dù mục đích của cả hai bên đều tốt đẹp. Dưới quyền uy của người lớn, học trò hay đứa con buộc phải thực hiện lời yêu cầu nhưng trong lòng ấm ức, không phục. Còn người lớn thì mắng nhiếc người trẻ không lễ độ, thiếu ý thức...
Người lớn thường tự tin vào vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, quyền lực của mình nên có khuynh hướng ra lệnh, dạy bảo. Người trẻ dựa vào sự nhạy bén nắm bắt cái mới, tính độc lập, không dễ chấp nhận những giá trị cũ nên dẫn đến phản kháng. Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ, kỹ thuật càng phát triển, nhiều thang giá trị thay đổi thì khoảng cách thế hệ dường như ngày càng xa - nhất là khi bên nào cũng cho rằng mình đúng, không chịu mở lòng lắng nghe, học hỏi lẫn nhau.
Khoảng cách này một phần là nguyên do dẫn đến những sự việc gây tranh cãi gần đây như thầy kêu học trò nhặt rác hoặc lớn hơn là ngôn ngữ trong truyện cổ tích - chẳng hạn truyện Thạch Sanh - hay hoạt động tại các lễ hội truyền thống…
Nhiều phụ huynh trẻ bất bình với các chi tiết trong truyện Thạch Sanh (Truyện cổ tích Việt Nam - tập 1, do NXB Kim Đồng phát hành) như: Mẹ Thạch Sanh trước khi qua đời đã cởi chiếc quần độc nhất của mình trao lại cho con hay Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi… đã từng quên rằng đã có thời mình chấp nhận những chi tiết còn “rùng rợn” hơn thế trong các truyện cổ tích.
Mấy ai không nhớ truyện Tiên Dung - Chử Đồng Tử có chi tiết hai cha con Chử Đồng Tử chỉ có một chiếc khố thay nhau mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha, Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, còn mình chịu cảnh trần truồng. Rồi chi tiết công chúa Tiên Dung dạo chơi, sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu ngay chỗ của Chử Đồng Tử trốn. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Lúc bấy giờ, có mấy ai cho rằng những chi tiết này là phản cảm?
Cũng như đã có lúc người ta cũng thấy hài lòng với chi tiết Tấm đổ nước sôi hoặc làm mắm mẹ con Cám trong truyện Tấm Cám với quan niệm “ác giả ác báo”. Thế hệ ngày nay lại cho rằng những chi tiết này phản cảm, không hướng thiện, thiếu tính giáo dục... rồi dẫn đến tranh cãi và vì ai cũng giữ cái lý của mình nên chẳng đi đến đâu.
Trong điều kiện sống khác nhau, ở một thế giới nhiều biến đổi, nếu không chịu hiểu, học hỏi nhau thì khoảng cách thế hệ, vốn tự nhiên đã có, mỗi ngày sẽ sâu hơn, rộng thêm.
Bình luận (0)