Ai cũng được phạt báo chí ?

23/12/2013 09:00 GMT+7

Quy định cho phép hàng loạt cấp, ngành được xử phạt báo chí đưa tin sai sự thật đang phá vỡ tính thống nhất về lãnh đạo và quản lý báo chí , gây rối rắm, bất khả thi và chồng chéo về thẩm quyền xử phạt...

Ai cũng được phạt báo chí ?
Phóng viên tác nghiệp - Ảnh: Ngọc Thắng

Cơ quan nào cũng phạt báo chí (!?)

Ngày 19.7.2013, Nghị định 79/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thống kê (có hiệu lực thi hành từ 5.9.2013) tại điều 13, Vi phạm quy định về phổ biến thông tin thống kê quy định: “...Phạt tiền từ trên 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật và buộc cải chính thông tin thống kê sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đã phổ biến”. Tại điều 14 Vi phạm quy định về sử dụng thông tin thống kê: “Cảnh cáo đối với hành vi không ghi rõ nguồn gốc của thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn gốc thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm. Phạt tiền từ trên 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi làm sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố để phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm...”.

Tiếp đó, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn ngày 24.9.2013 (có hiệu lực từ 9.11.2013) của Chính phủ tại điều 14 cũng quy định: “Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường. Phạt tiền từ 75 - 100 triệu đồng đối với hành vi trên nếu đăng tải phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các ấn phẩm thông tin khác”.

Gần đây, Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22.10.2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục (có hiệu lực có hiệu lực từ 10.12.2013) cũng có quy định phạt tiền từ 3 - 6 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi.

Chưa hết, ngày 13.11.2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 173/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ 1.1.2014 cũng quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu đưa tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không nêu nguồn gốc cấp tin; phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi như: Đưa tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng không đúng quy định; làm sai lệch nội dung bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Trường hợp làm sai lệch nội dung bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp gây hậu quả nghiêm trọng chịu mức phạt từ 40-50 triệu đồng.

 

Các ngành có thể ra quy định xử phạt nhưng chỉ xử phạt trong lĩnh vực mình quản lý. Chẳng hạn, thuế có quyền phạt báo chí nếu vi phạm các quy định về thuế như khai báo thuế không đúng quy định, mất hóa đơn... chứ không thể nhảy sang phạt báo chí đưa tin sai sự thật

Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM)

Chủ tịch xã cũng có quyền xử phạt báo chí !

Từ các văn bản nêu trên cho thấy, có rất nhiều cơ quan có "quyền" phạt báo chí. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giáo dục, người có thẩm quyền xử phạt là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (có quyền phạt đến 5 triệu đồng, điểm b, khoản 1, điều 28, Nghị định 138) đến quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh và tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; Thanh tra viên đang thi hành công vụ, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ; Chánh thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ... (điều 29, Nghị định 138) cũng có quyền xử phạt.

Trong lĩnh vực thống kê, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc về chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Ngoài ra, người có quyền phạt còn có: Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thống kê; Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Trưởng đoàn thanh tra Cục Thống kê tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (điều 18, Nghị định 79).

Các văn bản chuyên ngành khác như trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Khí tượng thủy văn... cũng quy định chi tiết về các cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

Trong khi đó, Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản; Nghị định 159/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 02 nói trên từ 1.1.2014, quy định thẩm quyền xử phạt báo chí thuộc thanh tra chuyên ngành thông tin - truyền thông; Chánh thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông; Chánh thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, và chủ tịch UBND cấp huyện trở lên...

Rối rắm, chồng chéo

Hiện nay, hành vi tác nghiệp của phóng viên, xuất bản... vi phạm pháp luật đã có Nghị định 02/2011. Đặc biệt, Nghị định 159/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 02 nói trên từ 1.1.2014. Như vậy, chỉ còn ít ngày nữa Nghị định 159 sẽ có hiệu lực song hành với các nghị định chuyên ngành trong lĩnh vực khác cùng xử phạt báo chí. Nghị định 159 có 4 chương, 38 điều với 13 điều quy định về mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm về nội dung thông tin sai sự thật, không dẫn nguồn, minh họa, rút tít không phù hợp; về sử dụng thẻ; cung cấp, sử dụng thông tin của cơ quan báo chí; cải chính... Nói chung tất tần tật hành vi liên quan đến hoạt động báo chí (của cá nhân và tổ chức), xuất bản... đều bị nhắc đến và xử phạt nhẹ nhất là cảnh cáo và nặng nhất là phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong khi đó, điều 1, khoản 3 Nghị định 159 quy định: “Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động báo chí, xuất bản không quy định tại nghị định này mà quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác thì áp dụng các quy định đó để xử phạt”. Luật sư Phạm Công Út phân tích: Điều này, có nghĩa là chỉ những hành vi nào mà Nghị định 159 không quy định thì các nghị định khác mới được bổ sung, đưa vào để xử phạt. Phù hợp với quy định tại điều 3 luật Xử phạt vi phạm hành chính về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”.

Cụ thể, điều 8, Nghị định 159 đã quy định đầy đủ các hành vi: Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; Đăng, phát thông tin sai sự thật, đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống... với những mức phạt rất cụ thể. “Tuy nhiên, các nghị định nói trên vẫn áp vào để xử phạt là trái với khoản 1, điều 3 nghị định 159 và các văn bản quy định về xử phạt trong hoạt động báo chí đang giẫm chân lên nhau”, luật sư Út nói.

Ai có quyền kết luận đúng sai ?

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, để xử phạt hành chính thì các cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh hành vi vi phạm. “Vậy căn cứ vào đâu để các cơ quan, tổ chức cho rằng hành vi, bài viết, bài báo đó vi phạm hành chính? Ai có quyền kết luận đúng sai? Như vậy, có thể có tình trạng bị xử phạt oan và xảy ra tình trạng khiếu kiện về sau”, luật sư Chánh phân tích. Ông cũng nhìn nhận: “Chưa có hoạt động nào mà bị nhiều ngành xử phạt hành chính như lĩnh vực hoạt động báo chí. Vì vậy, cần thống nhất lại các quy định xử phạt để tránh chồng chéo, mâu thuẫn nhau”.

Cùng quan điểm, luật sư Phạm Công Út cho rằng điều 8, Nghị định 159 đã quy định đầy đủ các hành vi: Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; đăng, phát thông tin sai sự thật; đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống... với những mức phạt rất cụ thể. Nhưng các nghị định khác vẫn áp vào để xử phạt là trái với khoản 1, điều 3 Nghị định 159. “Các văn bản quy định về xử phạt trong hoạt động báo chí đang giẫm chân lên nhau”, luật sư Út nói.

Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích thêm: “Các nghị định xử phạt vi phạm hành chính ban hành phải tuân thủ luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, các ngành có thể ra quy định xử phạt nhưng chỉ xử phạt trong lĩnh vực mình quản lý. Chẳng hạn, thuế có quyền phạt báo chí nếu vi phạm các quy định về thuế như khai báo thuế không đúng quy định, mất hóa đơn... chứ không thể nhảy sang phạt báo chí đưa tin sai sự thật”.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng những quy định như thế cho thấy sự khập khiễng, chồng lấn, không chuyên nghiệp. Dẫn đến tình trạng khi có hành vi vi phạm xảy ra sẽ có tranh chấp, bên “đòi” xử nhẹ, bên muốn “áp” xử nặng và không biết xử theo “luật” nào. Chia sẻ quan điểm này, luật sư Hà Hải đề nghị cần thống nhất về một đầu mối xử phạt. “Nếu ngành ngành ra văn bản xử phạt, mỗi nơi mỗi kiểu thì pháp luật không đi vào cuộc sống”, ông Hải nói.

Không đúng thẩm quyền

Bình luận xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cho biết:

Thời gian qua Chính phủ đã có một chủ trương hợp lý là yêu cầu các bộ ngành “rút gọn” các quy định xử phạt hành chính liên quan đến lĩnh vực mà bộ, ngành đó quản lý vào tối đa 1 - 3 nghị định (do Chính phủ ban hành). Ví dụ trong lĩnh vực thông tin - truyền thông trước đây có khoảng 10 nghị định xử phạt thì nay gom lại còn 2 nghị định. Đây là chủ trương mà tất cả các bộ ngành đều phải thực hiện và tiến hành xây dựng lại các văn bản. Chủ trương cũng yêu cầu gom các quy định xử lý vi phạm liên quan các bộ, ngành khác nhau về một văn bản chung. Ví dụ Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chủ trì nhưng liên quan đến nhiều bộ, ngành khác.

Trong lĩnh vực báo chí xuất bản thì đã có Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản sẽ có hiệu lực từ 1.1.2014. Nghị định này cũng đã bao trùm tất cả các vấn đề liên quan các lĩnh vực khác. Trước đây, Thanh tra Bộ TT-TT cũng từng được một số bộ ngành mời tham gia hội đồng tư vấn, thẩm định các dự thảo văn bản xử phạt trong đó có liên quan đến báo chí. Đã nhiều lần, chúng tôi đề nghị các cơ quan ban hành văn bản không đưa vấn đề xử phạt báo chí vào vì như vậy là không đúng thẩm quyền. Các cơ quan này, trong đó có cả Bộ Công an, cũng đã đồng ý và rút các quy định đó ra.

Tuy nhiên do thực tế xây dựng văn bản pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập. Không phải lúc nào Bộ TT-TT cũng được tham vấn ý kiến nên đã xảy ra nhiều trường hợp văn bản được ban hành rồi thì mới phát hiện ra như những chồng chéo, bất hợp lý.

Xin ông cho biết quy trình xử phạt các sai phạm liên quan đến lĩnh vực báo chí - xuất bản hiện nay?

Các quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ TT-TT sẽ được căn cứ trên nhiều nguồn. Đầu tiên là dựa trên các đề nghị từ các cơ quan chức năng của Bộ TT-TT như Cục Báo chí, Cục Quản lý truyền hình - phát thanh và thông tin điện tử... Các cơ quan này cũng lấy thông tin từ nhiều nguồn khác như trong đó có nguồn từ các bộ, ngành hoặc qua các kênh khác phản ánh đến các cơ quan quản lý báo chí. Bên cạnh đó cũng có nhiều vụ việc do Thanh tra Bộ TT-TT tự phát hiện và xử lý. Chúng tôi cũng tiếp nhận thông tin từ các cá nhân, tổ chức gửi đến. Sau khi thẩm tra các thông tin này, nếu chính xác thì cũng sẽ tiến hành xử lý.

Ông đánh giá thế nào về tính khả thi nghị định xử phạt của các ngành?

Cần phải xem xét cụ thể xem các nghị định khác xử phạt báo chí có gì vênh với Nghị định 159 hay không? Trong thẩm quyền của mình chúng tôi sẽ cố gắng trao đổi đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp. Còn về nguyên tắc quản lý báo chí thì trách nhiệm thuộc Bộ TT-TT. Mức phạt chênh lệch nhau cũng không công bằng và hợp lý do cách đánh giá của mỗi bộ ngành có sự khác biệt. Trong khi cần có một khung phạt thống nhất.

Trường Sơn

Sẽ dẫn tới sự lạm dụng

Ai cũng được phạt báo chí ? 

Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến (ảnh) cho rằng: Việc xử lý vi phạm trong các lĩnh vực là điều rất cần thiết và không ngoại lệ với báo chí, thế nhưng để tránh chồng chéo, tùy tiện trong việc xử phạt vi phạm với báo chí, chỉ nên áp dụng theo quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Nếu lĩnh vực nào, cơ quan nào cũng nhăm nhăm đòi xử phạt vi phạm của báo chí (chưa đề cập đến có vi phạm thực sự hay không), sẽ dẫn tới sự lạm dụng, chồng chéo, như chúng ta vẫn thường hay nói “thuế chồng lên thuế”, thì các quy định xử phạt báo chí trong các nghị định như câu hỏi đặt ra là “phạt chồng lên phạt”.

Tôi vẫn thường đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là vừa quản lý tốt báo chí nhưng đồng thời cũng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để báo chí phát triển và hội nhập, chứ không nên nhăm nhăm chỉ dùng phanh, ngoài phanh cũng còn phải có ga, phanh là để ngăn ngừa, xử lý kịp thời khi báo chí vi phạm hoặc làm quá đà, còn ga là thúc đẩy để báo chí phát triển và hội nhập, hai cái này phải song hành, chứ không chỉ quan tâm nhiều đến xử phạt và đôi khi không tạo điều kiện để báo chí phát triển và hội nhập.

Nếu chúng ta quy định xử phạt báo chí nhiều quá hay lạm dụng quy định xử phạt báo chí sẽ vô hình trung cản trở tác nghiệp của báo chí. Báo chí cần có khoảng rộng để hoạt động, tác nghiệp, nếu đưa tin sai đã có luật Báo chí điều chỉnh, tổng biên tập phải chịu trách nhiệm và cá nhân nhà báo đưa tin sai cũng sẽ bị xử lý, xử phạt theo luật định.

Vậy với các quy định xử phạt báo chí trong nội dung các nghị định xử phạt vi phạm hành chính của các ngành đã được ban hành, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có yêu cầu làm rõ tính hợp lý, hợp pháp để tránh tình trạng chồng chéo như ông nói?

Theo quy định thì cơ quan giúp Chính phủ “gác cổng” các văn bản trước khi ban hành là Bộ Tư pháp. Thời gian qua, rất nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thực thi các luật, pháp lệnh được ban hành theo soạn thảo, đề xuất từ các bộ ngành chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn rồi bị khai tử, trong đó có nhiều quy định rất phản cảm, không hợp lòng dân, khó khả thi, bị dư luận phản ứng, và Chính phủ cũng đã rất cầu thị sửa đổi.

Với các nghị định đã ban hành hoặc đang dự thảo liên quan đến xử phạt vi phạm báo chí cũng thế, nếu không hợp lý, hợp lệ thì các cơ quan soạn thảo, ban hành phải chủ động sửa đổi kịp thời cho phù hợp. Trong trường hợp các cơ quan ban hành không chủ động điều chỉnh, các ủy ban của Quốc hội được giao thẩm tra, thẩm định các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách sẽ yêu cầu báo cáo lại, nếu thấy không hợp lý, hợp lệ, không đúng quy định của pháp luật, thậm chí là vi hiến, thì sẽ yêu cầu bãi bỏ hoặc sửa đổi lại cho phù hợp.

Bảo Cầm
(thực hiện)

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.