Ai cũng thấy lương quá thấp!

23/03/2010 23:37 GMT+7

Đề cập đến đồng lương công nhân (CN) hiện nay, ngay cả doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý cũng kêu là quá thấp. Thế nhưng, thực tế này vẫn cứ tồn tại lâu nay.

Giới chủ lên tiếng

Trao đổi với PV Thanh Niên về mức lương hiện tại của CN, ông Wen Shih Hung (người Đài Loan), Giám đốc nhân sự Công ty Pouchen (Đồng Nai), thẳng thắn: “DN chúng tôi đến đây hơn 15 năm nay, đều thực hiện đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước đề ra đối với người lao động. Ở đây, ngoài mức lương cơ bản Nhà nước quy định, người CN còn có thêm tiền thưởng sản xuất (tùy theo tay nghề, vị trí công việc), tiền thưởng năng suất chuyên cần, tiền hỗ trợ sinh hoạt... Còn mức lương bao nhiêu cho đủ sống ư? Vô chừng lắm. Nhưng nói thiệt, với thu nhập khoảng 1,7-1,8 triệu đồng/tháng, sinh hoạt một người rất khó. Do đó, CN phải rủ vài người ở chung để chia sẻ tiền nhà trọ, tổ chức nấu ăn chung... thì mới hy vọng có chút dư dả”.

 
CN tranh thủ nghỉ trưa tại Công ty TNHH giày Thông Dụng (Bình Dương) - Ảnh: H.Tuấn

Cũng theo ông Wen, mức lương cơ bản mà Chính phủ quy định đã xem xét đến nhiều chỉ tiêu. Nếu lương cao quá thì gây khó khăn cho doanh nghiệp, khi đó giá thành sản phẩm sẽ tăng cao, khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực. Còn giữ mức lương như hiện tại thì thấp. "Với nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi bao giờ cũng mong muốn đời sống của người lao động bớt khó khăn hơn. Do vậy Nhà nước phải chia sẻ như giảm bớt thuế cho doanh nghiệp chẳng hạn. Cái này Nhà nước đâu có lỗ, nếu được tăng lương thì người lao động cũng dùng vào chi tiêu, cải thiện cuộc sống, thì Nhà nước cũng thu thêm được tiền thuế”, ông Wen phân tích.

Lương “nhích” nhẹ, giá “vọt” cao

Ông Triệu Văn Lãng, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH giày Thông Dụng (Bình Dương), cho biết: “Thực tế khi công ty vừa mới tăng lương cho CN, thì giá cả sinh hoạt lại tăng vọt nên đời sống người lao động càng khó khăn”. Còn ông Nguyễn Văn Khương, Phó chủ tịch LĐLĐ Bình Dương, phân tích: “Mỗi năm chúng ta điều chỉnh lương 2 lần và mỗi lần điều chỉnh là một lần giá cả "ăn theo", tăng vọt. Vô hình trung trong năm ít nhất hai lần tăng giá”. Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cũng nhìn nhận: “Tiền lương CN hiện tại không theo kịp tốc độ và chỉ số trượt giá. Cũng được chừng đó tiền nhưng tỷ lệ chi tiêu cho sinh hoạt của họ bây giờ cao hơn rất nhiều”.

Tương tự, ông Triệu Văn Lãng (người Đài Loan), Giám đốc nhân sự Công ty TNHH giày Thông Dụng (Bình Dương), cũng cho rằng mức lương CN hiện nay quá thấp. “Về mức lương tối thiểu thì ở VN thấp hơn Trung Quốc nhiều lần (Công ty Thông Dụng cũng có một nhà máy đặt ở Trung Quốc - PV). Hiện chính phủ quy định mức lương cơ bản trả cho người lao động, nhưng DN thấy chưa hợp lý nên phải trả lương cao hơn mức quy định. Không đợi Chính phủ tăng lương, mà DN phải xem xét đời sống để trả lương, để có một mức lương hợp lý cho CN, để họ vui vẻ ở lại cống hiến cho nhà máy”, ông Lãng nói.

“Người VN còn không sống nổi...”

Nhận xét về mức lương cơ bản mà Chính phủ quy định hiện nay, ông Nguyễn Văn Khương, Phó chủ tịch LĐLĐ Bình Dương, cho rằng: “Nếu xét về tiền lương tối thiểu thì ở VN là quá thấp so với các nước trong khu vực. Quy định lương tối thiểu còn “đi sau” so với tiền lương mà DN thực trả. Như vậy, chúng ta đưa mức lương tối thiểu mà DN không thực hiện được thì chưa hợp lý. Tôi không hiểu các cơ quan đã tham mưu cho Chính phủ như thế nào, nhưng đưa ra mức lương tối thiểu mà không được sự đồng thuận của nhiều người thì cần xem xét lại. Ngay cả DN cũng thừa nhận rằng lương thấp nên công nhân “đòi” tăng ca để có thêm thu nhập; mà nếu tăng ca nhiều thì vi phạm pháp luật lao động”.

Tương tự, ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nói: “Nguyên nhân thiếu hụt lao động cũng do tiền lương quá thấp, không đủ sống. Để có thêm đồng tiền, CN phải làm việc ngày 12 tiếng. Như vậy, thay vì một lao động có thể sử dụng 30 - 40 năm nhưng với tình trạng tăng ca nhiều như thế, một CN chỉ có thể làm việc được 10 - 20 năm”.

 
Bữa cơm CN đạm bạc với vài con tôm nhỏ - Ảnh: H.Tuấn

Cũng theo ông Tâm, xu hướng CN đổ xô về khu vực nông thôn là quy luật của sự điều phối trong thị trường lao động. DN muốn thu hút được lao động thì phải dời nhà máy về những nơi có lao động giá rẻ, còn giữ nguyên vị trí nhà máy thì phải tăng tiền lương. “Một số DN “hù” tuyển lao động Philippines, Lào. Theo pháp luật VN, chúng ta chỉ tuyển chuyên gia và cán bộ quản lý nhưng phải có bằng đại học trở lên và ít nhất 5 năm kinh nghiệm. Hơn nữa, trả tiền lương như thế người VN còn không sống nổi, không chịu ở lại làm việc nói chi đến lao động nước ngoài”, ông Tâm nói. 

Thấu được sự khổ nhọc cuộc sống của người CN, ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, nói: “Mới đây, Tỉnh ủy Đồng Nai có chỉ đạo UBND tỉnh làm văn bản (Sở LĐ-TB-XH đang soạn thảo) gửi Chính phủ kiến nghị thay đổi về mức lương tối thiểu, để đảm bảo đời sống cho người lao động”.

Luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư Người nghèo: Phải đảm bảo cuộc sống người lao động

Việc quy định mức lương tối thiểu như hiện nay là giúp người lao động xác định được mức thấp nhất mà mình sẽ được hưởng, chứ không phải được quyền hưởng cỡ đó mà thôi. Do đó, khi giao kết hợp đồng lao động, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận mức lương, các chế độ cao hơn mức lương tối thiểu. Vấn đề đáng bàn là mức lương tối thiểu hiện ta đang áp dụng đã phù hợp chưa, khi mà lạm phát và giá cả luôn leo thang từng ngày đã khiến mức lương tối thiểu trở nên lỗi thời, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người lao động. Theo tôi, chúng ta cũng cần nghiên cứu, xem xét lại cơ chế áp dụng mức lương tối thiểu hiện nay sao cho phù hợp. Việc sửa đổi tất nhiên là phải tính đến rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo cuộc sống của người lao động, đồng thời phải được thực hiện nhanh chóng, linh hoạt hơn.

Hoàng Tuấn - Bảo Thiên - Trương Huyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.