Ngày 7.10 qua, tòa án trọng tài nước Cộng hòa tự trị Udmurt thuộc Liên bang Nga đã bắt đầu xem xét bản kiến nghị của Gremikha, một doanh nghiệp địa phương, yêu cầu tiến hành thủ tục phá sản đối với Công ty Izhmash để thu hồi món nợ khoảng 8 triệu rúp (tương đương 265.000 USD) mà Izhmash không có khả năng thanh toán. Con số này chỉ là một món nợ nhỏ trong tổng số 400 triệu rúp (13 triệu USD) mà Izhmash đang nợ các đối tác. Sự kiện này làm rúng động dư luận Nga bởi hai lẽ. Thứ nhất, Izhmash là lá cờ đầu của nền công nghiệp vũ khí Nga vốn được xem là có sức cạnh tranh rất mạnh trên thị trường quốc tế. Thứ hai, quan trọng hơn, nó liên quan đến sự tồn vong của khẩu tiểu liên lừng danh AK-47, niềm tự hào lớn của Liên Xô trước đây và của Liên bang Nga hiện tại. Nếu tòa án phán quyết Izhmash phải tiến hành thủ tục phá sản để trả nợ thì coi như kể từ nay, khẩu AK-47 chính hãng “made in Russia” không còn nữa . Nhưng sau khi phá sản, Izhmash có cơ hội tái cấu trúc lại công ty và giảm nợ, theo tạp chí kinh tế Pháp Les Echos.
Người khổng lồ lâm nguy
Izhmash (viết tắt của Công ty cơ khí Izhevsk) là một doanh nghiệp cổ phần với 57% vốn của công ty quốc doanh Rosoboronexport, thật ra không chỉ sản xuất AK-47. Nó từng có một quá khứ oanh liệt và hiện giờ là một trong những công ty giàu truyền thống nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Thành lập năm 1807 ở Izhevsk, nay là thủ phủ nước cộng hòa tự trị Udmurt, theo sắc lệnh của Sa hoàng Alexander Đệ nhất, Izhmash cung cấp vũ khí cho 15 nước trên thế giới, từ những nước giàu như Anh, Pháp, Đức đến những nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh. Ngoài khẩu AK-47, công ty còn sản xuất đại bác tầm trung, tên lửa và đầu đạn điều khiển bằng tia laser. Công ty cũng sản xuất súng săn và súng thể thao dành cho cả nam lẫn nữ trong các cuộc thi hai môn phối hợp mùa đông rất được giới thể thao châu u và Mỹ ưa chuộng. Công ty cũng sản xuất mô tô và xe hơi.
Khẩu AK-47 của Nga đã trở thành một huyền thoại bởi gói gọn ở hai cụm từ “dễ sử dụng” và “dễ sản xuất”. Hơn nữa nó là khẩu tiểu liên rẻ nhất. Ở một số nước, giá của nó chỉ có 50 USD (khoảng 800.000 đồng Việt Nam). |
Nạn sản xuất lậu súng AK-47 đã khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng trong 5 năm qua cộng thêm khủng hoảng kinh tế toàn cầu càng khiến công ty thêm lao đao. Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga giảm mạnh từ 10,8 tỉ USD năm 2007 xuống còn 3,5 tỉ USD năm 2008, “cái chết” của Izhmash đã được dự báo. Trước khi có bản kiến nghị nói trên của Gremikha, Nhà máy Molot - nơi sản xuất chính AK-47 của Công ty Izhmash - đã ngưng hoạt động vì “Nhà nước không đặt hàng nữa”. Nhà máy không có tiền để trả lương công nhân và trả nợ, theo nguồn tin của Đài phát thanh Ekho Moskvy.
Năm 2007, Izhmash ký được hợp đồng cung cấp 100.000 khẩu AK-47 cho Venezuela đồng thời bán giấy phép và xây dựng hai nhà máy sản xuất súng và đạn tiểu liên mới AK-103. Theo kế hoạch, hai nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ năm 2010. Tuy nhiên, những thương vụ này cũng không cứu nổi Izhmash.
Bị súng lậu “bắn gục”
Hàng trăm triệu khẩu AK-47 do các nước khác sản xuất một cách bất hợp pháp đã đẩy Izhmash tiến tới bờ vực phá sản. Theo công ty mẹ Rosoboronexport - nhà cung cấp độc quyền vũ khí Nga trên thị trường thế giới - hiện có 8 nước với hàng chục nhà máy ở mỗi nước cho ra đời súng AK-47 bất hợp pháp. Nhưng lỗi này không hoàn toàn thuộc về các nước đó. Thời Liên Xô trước đây, giấy phép sản xuất AK-47 được ban phát rất rộng rãi cho các nước anh em. Lúc đó quyền lợi chính trị được đặt lên trên quyền lợi tài chính, nên chưa có ai đăng ký bằng sáng chế.
Sau khi Hiệp ước quân sự Warsaw kết thúc (1991), tất cả giấy phép sản xuất AK-47 cũng hết hạn. Thế nhưng, theo Rosoboronexport, các đối tác vẫn tiếp tục sản xuất. Do đó, kim ngạch xuất khẩu AK-47 chính hãng cứ tụt dần và thị phần teo lại chỉ còn 10%. Nói cách khác, trong 10 cây AK-47 bán ra, chỉ có 1 cây của Rosoboronexport. Theo hãng tin RIA Novosti, trên thế giới hiện có khoảng 100 triệu khẩu AK-47 lưu hành khắp nơi, trong đó chỉ có 10 triệu khẩu được sản xuất tại Nga, còn phần lớn sản xuất tại Trung Quốc, Bulgaria, Ba Lan... Mikhail Kalashnikov, cha đẻ khẩu AK-47, từng than phiền: “Họ dùng bản vẽ, thương hiệu và danh tiếng (của chúng tôi) để làm giàu. Thật là không công bằng!”.
Nga cũng từng yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp giúp Nga chống lại việc sản xuất súng AK-47 lậu. Tuy nhiên nỗ lực này không hiệu quả vì một lý do đơn giản: lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức này hoạt động ở các nước, như Congo chẳng hạn, cũng sử dụng súng AK-47 chợ đen! Một trong những phản ứng quyết liệt đáng chú ý nhất của Nga là vào tháng 9.2006, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó thủ tướng Nga khi đó là ông Sergei Ivanov đã tố cáo Bulgaria sản xuất bất hợp pháp súng AK-47 làm nước ông thiệt hại nhiều tỉ USD, theo RIA Novosti. Hãng tin này còn dẫn lời một quan chức của Rosoboronexport cho biết một công ty quân giới Bulgaria đã cho trưng bày công khai hàng chục kiểu súng AK tại Hội chợ triển lãm vũ khí DSA 2006 ở Malaysia. Vẫn theo quan chức này, số lượng vũ khí hạng nhẹ sản xuất trái phép hằng năm trên thị trường quốc tế trị giá không dưới 2 tỉ USD, trong số này có đến trên 80% là súng AK-47 và các biến tấu của nó. Ông Ivanov từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ hành động quyết liệt để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sáng chế Nga”. Tuy nhiên, từ đó đến nay tình hình sản xuất AK-47 hầu như vẫn như cũ.
Trọng Nghĩa
Bình luận (0)