Biểu tượng của nước Nga
Trong lễ kỷ niệm, đứng bên cạnh khẩu AK-47 thế hệ thứ nhất - được lấy ra từ bảo tàng lịch sử quân đội ở Saint Peterburg - là cha đẻ của nó, ông Mikhail Timofeevich Kalashnikov, năm nay 88 tuổi. Tổng thống Vladimir Putin gửi điện mừng nhân sự kiện này, trong đó có viết: “Súng tiểu liên danh tiếng Kalashnikov không chỉ là hình mẫu của những ý tưởng cách tân mà còn là biểu tượng của tài năng, sức sáng tạo thiên tài của dân tộc ta. Hàng chục năm nay, nhờ những tính năng kỹ thuật đặc biệt mà AK-47 cùng các thế hệ cải tiến của nó đã phục vụ quân đội Nga và quân đội nhiều nước khác”.
Ra đời từ năm 1947, đến nay, với tính đa dụng của mình, AK-47 đã có mặt tại khắp các châu lục, tồn tại vững chắc trong sự thay đổi hình thái kinh tế – chính trị tại nhiều quốc gia. Hơn thế, theo nhận định của các chuyên gia quân sự Mỹ thì trong vòng 18 năm tới loại súng tiểu liên này vẫn không có đối thủ cạnh tranh. Ít nhất từ nay đến năm 2025, bên cạnh sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện đại thì AK-47 vẫn chiếm vị trí độc tôn trong các đơn đặt hàng mua bán vũ khí.
Chữ viết tắt AK không chỉ là là phương tiện biểu đạt một loại súng tiểu liên mà là hình mẫu, thước đo chất lượng sản phẩm của loại súng tiểu liên. Tùy viên quân sự của Đại sứ quán VN tại Nga – đại tá Tô Xuân Huê - có mặt trong buổi lễ này phát biểu rằng: “Tính bền vững, tiện lợi của AK là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước”.
Thành quả sáng tạo của Mikhail Kalashnikov sẽ còn được đánh giá trên nhiều phương diện, nhiều quan điểm. Còn cá nhân ông vào năm 1949 đã được tặng thưởng Huân hương Stalin hạng I với tiền thưởng 150 ngàn rup (vào thời điểm này một chiếc xe hơi Pabeda chỉ có giá 16 ngàn rup). Kalashnikov hồi tưởng: “Lúc đó tôi là thượng sĩ, số tiền này đủ để mua đến 9 chiếc Pabeda”. Có lần Bộ trưởng Quốc phòng Mozambique mời Kalashnikov đến thăm và kể ông ta gặp ở mỗi làng quê hàng chục đứa trẻ mang tên Kalash.
“Những người anh em” ở nước ngoài
Có một quy luật mà ai cũng biết: Sản phẩm chính hiệu càng tốt thì hàng giả của nó càng nhiều. Từ khi ra đời đến nay, số AK-47 được sản xuất là gần 100 triệu khẩu. Hằng năm trên thị trường vũ khí, trung bình có hơn 1 triệu khẩu AK-47 được bán ra. Thế nhưng chỉ 10% trong số này được sản xuất trong khuôn khổ pháp luật, số còn lại là những sản phẩm “sao chép” lậu. Tính ra, kinh tế Nga mỗi năm thiệt hại 2 tỉ USD vì chuyện này.
Trước đây, giấy phép sản xuất và cải tiến AK-47 được chuyển giao cho 18 nước thành viên khối Warsaw và Hội đồng tương trợ kinh tế với thời hạn sử dụng trong những thập niên 80 và 90. Hiện nay, một số quốc gia và 35 hãng tư nhân sản xuất AK-47 mà không có giấy phép, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Nga.
Về cha đẻ của AK-47
Tại đây, tài năng bẩm sinh của ông được bộc lộ trong việc cải tiến các tính năng chiến đấu của xe tăng. Vì thế, ông được gặp trực tiếp Nguyên soái Zukov. Zukov đã tặng nhà sáng chế trẻ một chiếc đồng hồ “hàng hiệu”. Tháng 10.1941, trong Chiến tranh vệ quốc, Kalashnikov bị thương nặng, nằm điều trị trong bệnh viện rất lâu. Với ý nghĩ phải làm gì để giúp mặt trận, ông bắt đầu mày mò sáng chế súng và đến năm 1947 thì khẩu AK ra đời. Ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý cấp nhà nước. Là cha đẻ của vũ khí huyền thoại, nhưng Kalashnikov lại rất thích nghe nhạc cổ điển, làm thơ và viết sách. Ông đã xuất bản 3 tập hồi ký vào các năm 1992, 1997 và 1999. Từ năm 2004, ông bắt đầu trình làng sản phẩm mới, đó là rượu vodka Kalashnikov. |
Tại Hungary, AKM với khác biệt cơ bản là không có báng gỗ, thay vào đó là một tay cầm ở phía dưới. Ngoài ra còn có AMD, một “biến thể” của loại súng này. Ở Cộng hòa dân chủ Đức trước đây – MriK, MRiKM hay MRiKMC hầu như không có khác biệt với AK, AKC và AKMC của Liên Xô (Nga ngày nay).
Tại Israel, khẩu tiểu liên “Galil ARM” được thiết kế trên cơ sở của AK nhưng có một số chi tiết khác biệt. Tại Nam Phi nó được gọi là “Galin AR-4” nhưng được đơn giản hóa so với AK. Còn ở Trung Quốc có ký hiệu 56 là bản sao của AK và AKC của Nga.
Tại Ba Lan, PMK-DGN-60 là vũ khí theo hệ thống AK kết hợp với khả năng phóng lựu. Còn ở Romania có loại AKM thiết kế theo AK nhưng được thu ngắn lại theo kiểu súng lục. Phần Lan thiết kế súng tiểu liên M62 và M71S trên nền tảng của Kalashnikov, ngay cả loại hiện đại hơn là M82 cũng sao chép lại các nguyên lý của AK. Riêng ở Nam Tư (cũ) nó được gọi là M64, sau này người ta cải tiến nó với các tên gọi M70 và M70A.
Chính sách 2 chuẩn mực
Hiện nay có 11 quốc gia không có giấy phép nhưng vẫn tiếp tục sản xuất, cải tiến AK-47 và thu được hàng triệu USD lợi nhuận. Thậm chí việc sản xuất súng tiểu liên trên nền tảng của AK-47 còn được tiến hành ở bang Nevada, Mỹ, mà dường như nơi này nhận được giấy phép từ nhà máy “Arsenal” của Bungaria. Bên cạnh đó, cả hai bên đều biết rằng việc thỏa thuận giữa hai đối tác như thế là không hợp lệ. Phía Nga cho đó là việc đáng hổ thẹn trong khi các cơ quan chính quyền Mỹ luôn lên tiếng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như đấu tranh với nạn ăn cắp bản quyền.
Ông Valeri Varlamov – lãnh đạo an ninh của Rosoboronexport - cho rằng: “Chính sách 2 chuẩn mực trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến việc hàng loạt súng AK do Ba Lan, Bungaria sản xuất được cung cấp cho các lực lượng ở Afghanistan và Iraq dưới sự kiểm soát của Mỹ và đồng minh”.
Nhưng dù có như thế nào, thì các loại AK được sản xuất không có giấy phép không thể so sánh về chất lượng với AK chính hiệu. Chính điều này đang làm tổn hại thương hiệu cũng như mất mát về tài chính đối với Nga. Những sản phẩm kém chất lượng dẫn đến việc nguy hại cho ngay chính người sử dụng vì nó có thể nổ ngay trên tay người lính, hay độ bền sử dụng sẽ không cao. Nhiều khi nòng súng nhanh chóng bị nóng và đạn vừa ra khỏi nòng đã rơi ngay trước mặt người bắn...
Hiện Nga đang gấp rút tiến hành soạn thảo, phê duyệt chi tiết các chuẩn kỹ thuật của AK-47 và dự định đấu tranh với nạn sản xuất lậu loại vũ khí này. Nhưng với tình hình như hiện nay, một loại vũ khí tiện dụng, chất lượng tốt, có thể tác chiến ở mọi địa hình như thế thì khó lòng triệt tiêu được việc sao chép nó.
Hoàng Hoài Sơn
Bình luận (0)