Trên thực tế, cái tên siêu trăng là do nhà thiên văn học Richard Nolle đề xuất vào năm 1979, và đến nay vẫn không được sử dụng chính thức trong cộng đồng khoa học hoặc giới thiên văn học, mà giới hàn lâm chọn cái tên khó nhớ hơn là "perigee-syzygy".
|
Perigee là cận điểm giữa trái đất và mặt trăng, còn syzygy chỉ hiện tượng trái đất, mặt trăng, mặt trời cùng thẳng hàng, có thể diễn ra tối đa 12 giờ trong giai đoạn siêu trăng, và không quá 1 giờ khi siêu trăng lớn hơn nữa. Dù với cái tên nào, đây là hiện tượng mặt trăng đến cận điểm với trái đất, và phải xảy ra vào lúc trăng tròn. Trong lần siêu trăng sắp tới, mặt trăng sẽ đến điểm chỉ cách trái đất 356.955 km vào đúng 19 giờ 35 thứ bảy, ngày 5.5 (giờ VN), một trong những lần tiếp cận gần nhất trong 18 năm qua.
Liên quan đến thảm họa ?
Cũng chính chuyên gia Nolle là người khởi xướng sự liên hệ giữa siêu trăng với đủ loại thảm họa trong lịch sử gần đây của trái đất. Nhà thiên văn học người Mỹ cho rằng trong vòng 3 ngày trước và sau hiện tượng trên, trái đất sẽ đối mặt với nhiều đợt thiên tai hơn, như động đất và hoạt động núi lửa do mặt trăng gia tăng lực tác động đến địa cầu. Nghe qua cũng có lý, nhất là khi những người tin vào giả thuyết này lôi ra nhiều sự kiện có vẻ liên quan đến siêu trăng, như động đất gây sóng thần tại Nhật Bản vào ngày 11.3.2011, trong khi siêu trăng xảy ra sau đó khoảng 1 tuần. Còn trận động đất gây sóng thần ở Ấn Độ Dương vào ngày 26.12.2004 khiến gần 230.000 người thiệt mạng đã diễn ra trước sự kiện siêu trăng khoảng 2 tuần. Đó chưa kể những sự kiện lẻ tẻ ít được biết đến như cơn bão ập vào New England (Mỹ) năm 1938, hoặc đợt lụt lội Hunter Valley ở New South Wales (Úc) vào năm 1955.
Sau khi NASA bác bỏ tin đồn siêu trăng tác động đến thiên tai tại Nhật Bản, đến lượt lực lượng tuần duyên Anh đổ lỗi rằng chính hiện tượng này đã khiến 5 chiếc tàu khác nhau mắc cạn trong lãnh hải của mình, theo báo Telegraph. Tin đồn càng dữ dội hơn khi chính tạp chí National Geographic cách đây 1 tháng đã cho đăng tải một bài to tướng về giả thuyết mới cho rằng tàu Titanic bị đắm một phần là do siêu trăng. Nhà thiên văn học người Mỹ Donald Olson nghi ngờ hiện tượng siêu trăng vào ngày 4.1.1912 có thể đã tạo nên những đợt sóng mạnh trên đại dương, khiến các tảng băng trôi lũ lượt về phía nam, và một trong số đó đã nhấn chìm chiếc tàu huyền thoại trong chuyến hải trình đầu tiên vào ngày 14.4.1912. Siêu trăng vào năm đó cũng là lần chị hằng đến gần nhất trái đất kể từ năm 796, và cư dân địa cầu sẽ không phải đối mặt với hiện tượng tương tự cho đến năm 2257.
Lực thủy triều tăng
Trước những lời đồn đãi trên, giới chuyên gia luôn tìm cách giải thích theo cách khoa học nhất. Trên thực tế, cộng đồng khoa học đã liên tục nghiên cứu những bối cảnh được cho là có liên quan đến siêu trăng. Tất nhiên không phủ nhận việc mặt trăng rút ngắn khoảng cách với trái đất có thể tác động đến triều cường, như lần vào ngày 5.5 tới lực thủy triều sẽ tăng 42%, theo báo Daily Mail. Và theo Giáo sư Narendra Bhandari của Phòng Thí nghiệm nghiên cứu tự nhiên ở Ấn Độ, đó là tác động hầu như rõ ràng nhất của siêu trăng đối với trái đất. Ông khẳng định nếu chỉ dựa vào mặt trăng thì chưa đủ gây thảm họa cho địa cầu. Bên cạnh đó, siêu trăng đúng là có thể tạo nên lực hút nhỏ đến lớp dung nham nóng chảy bên dưới vỏ trái đất, nhưng không đủ để gây nên những vụ phun trào núi lửa. Tương tự, mặt trăng không thể tạo ra sóng thần, nhưng có thể tác động khiến những đợt sóng này cao hơn so với lúc không xảy ra siêu trăng. Ý kiến của Giáo sư Bhandari nhận được sự nhất trí của giới chuyên gia phương Tây. “Nhiều cuộc nghiên cứu về vấn đề này đã được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và những nhóm khác. Họ không phát hiện điều gì bất thường cả”, nhà địa vật lý John Bellini của USGS nói.
Kết luận là sự kiện siêu trăng sắp tới sẽ không gây ra tình trạng động đất hay những vụ việc tương tự. Điểm lại lịch sử trái đất, hầu hết các vụ thiên tai cứ xảy ra mà không bị tác động bởi siêu trăng. Đơn giản là trái đất đang tích trữ quá nhiều năng lượng, và nó có thể tống ra khi không thể nào kiểm soát được nữa.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)