Khoảng 14 giờ chiều 30.11, chúng tôi bám theo chiếc xe buýt Tân Đạt chạy tuyến Hà Nội - Hưng Yên, vừa ra khỏi bến xe Lương Yên, chiếc xe nhích chậm như “rùa bò” đón khách.
Đi được khoảng 20m, thấy có người vẫy, lái xe bỗng phanh khựng lại, đón thêm hai khách. Trên suốt đoạn đường từ dốc Minh Khai đến đầu cầu Chương Dương dài khoảng 4 km, chiếc xe buýt này liên tục dừng đỗ sai quy định để đón khách nên mất tới 20 phút.
Đến đoạn đầu cầu Chương Dương, dù cách điểm đỗ cuối khá xa, lại đang đi với tốc độ khá nhanh để lên cầu nhưng thấy có khách vẫy, bật xi nhan, lách đầu về phía hành khách. Nhiều người điều khiển phương tiện xe máy không kịp phản ứng cuống cuồng nhấn phanh, suýt đâm vào đuôi xe buýt.
9 giờ sáng 3.12, trên đoạn đường Quang Trung (Hà Đông), một chiếc xe buýt chạy tuyến Mỹ Đình - Tế Tiêu dừng lại khá lâu tại điểm xe buýt đoạn siêu thị Vinaconex Hà Đông để bắt khách.
Không xi nhan báo hiệu, chiếc xe nằm ngay điểm đỗ đã khiến nhiều xe buýt chạy các tuyến vào khu vực nội thành đành phải đón trả khách sai điểm. Sau khi chờ một tốp khách lên, chiếc xe nhanh chóng rồ ga, lao đi.
Đến đoạn cổng trụ sở Trung tâm thông tin tín dụng (Ngân hàng nhà nước), đang đi bên lề trái, nhưng thấy có khách vẫy, không hề có bất cứ tín hiệu nào xin dừng đỗ, lái xe phanh khựng lại ngay giữa đường bất chấp tiếng còi inh ỏi của nhiều phương tiện phía sau, hai người phụ xe chạy xuống mở cốp nhấc đồ vào cho khách, chiếc xe lại rồ ga phóng nhanh.
Suốt dọc hành trình từ đó đến ngã ba Ba La (Hà Đông), cửa xe luôn trong tình trạng mở toang cho phụ xe bám, vẫy tay chèo kéo khách trên vỉa hè.
Sang đến địa phận Thanh Oai, đường hẹp lại đông các phương tiện nhưng lái xe buýt vẫn liên tục bóp còi inh ỏi, rồ ga, lạng lách qua các phương tiện để phóng lên trước, nhiều người đi đường hoảng hốt, phải dừng lại nhường đường cho xe buýt này chạy qua.
“Mấy tuyến xe buýt chạy về Xuân Mai, Tế Tiêu, Chùa Hương này là rất hay bắt khách bừa bãi mà phóng cũng kinh lắm”, anh Nguyễn Văn Toan, làm nghề lái xe ôm ở gần Bưu điện Hà Đông cho hay.
Trong suốt quá trình ghi nhận của chúng tôi, không riêng 2 tuyến này mà các tuyến xe buýt khác như Hà Đông - Xuân Mai, Hà Nội - Hải Dương, Hà Nội - Bắc Giang… cũng diễn ra tương tự.
Dù chạy trên đại lộ Thăng Long, nhưng hai tuyến xe buýt Hà Đông - Xuân Khanh, Kim Mã - Sơn Tây lại liên tục chạy chậm, dừng đỗ sai quy định để đón khách.
Bám theo chiếc xe buýt tuyến số 39 đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi về công viên Nghĩa Đô. Suốt quãng đường Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Xuân Thủy, chúng tôi quan sát thấy lái xe buýt liên tục lấn sang làn của các phương tiện thô sơ, xe máy, vượt sai quy định.
Sau khi dừng tại điểm đỗ gần tòa nhà Keangnam, lái xe vẫn ung dung cho xe chạy trong làn đường dành cho các phương tiện thô sơ đến khoảng hơn 200m, khiến không ít người đi đường bất ngờ, phải phanh khựng, chuyển làn lại để tránh lao vào đuôi xe.
Trên đoạn đường Giải Phóng đoạn từ bến xe Giáp Bát đến cầu vượt Ngã Tư Vọng, chúng tôi cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp xe buýt các tuyến 21, 32, 16, 25… lấn làn đường, vượt sai quy định.
Đặc biệt vào các giờ cao điểm, trên hầu hết các tuyến đường mà chúng tôi ghi nhận như Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Khâm Thiên, Trần Nhật Duật, Xuân Thủy… tình trạng các xe buýt bỏ bến, dừng đỗ không đúng điểm đỗ theo quy định diễn ra rất phổ biến.
“Giờ cao điểm, đường thì đông mà mấy ông xe buýt trên xe chật lại thấy bến đông là y rằng lại bỏ bến, dừng đỗ sai ngay, mình đi để ý thì còn đỡ chứ mà không để ý thì có ngày tai nạn như chơi, nguy hiểm lắm”, chị Nguyễn Thị Nhàn (Cầu Giấy) chia sẻ.
Thành Chung
Bình luận (0)