Ấm lòng những chuyến hàng tất bật ra miền Trung ở sân bay Tân Sơn Nhất

21/10/2020 19:35 GMT+7

Vận chuyển bằng đường bộ gặp khó khăn, nhiều nhóm thiện nguyện tại TP.HCM đã tìm cách đưa những chuyến hàng cứu trợ theo đường hàng không để đến đến với đồng bào miền Trung đang oằn mình chống lũ một cách nhanh nhất.

Có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 21.10, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều chuyến hàng được các nhóm thiện nguyện, những người muốn san sẻ với bà con miền Trung đã sẵn sàng để lên đường đến vùng bị bão lũ.

Bữa ăn tối tăm sau 1 tuần không cơm ăn trong vùng lũ Quảng Bình

Xót xa nỗi đau của đồng bào

Chị Trần Thị Lệ Quyên (31 tuổi, Q. Thủ Đức) cùng với nhóm thiện nguyện của mình đã thức từ rất sớm để vận chuyển hàng hóa ra sân bay Tân Sơn Nhất. Dù số lượng hàng hóa lớn nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi, sẵn sàng đi vào tâm lũ để cứu trợ đồng bào.
Ấm lòng những chuyến hàng hóa cứu trợ đồng bào miền Trung giữa sân bay Tân Sơn Nhất

Hơn 300 cái mền cứu trợ được công ty TNHH Thịnh Gia Huy đang chờ được trao tận tay bà con vùng lũ.

Ảnh: LÊ NGỌC THẢO

“Quê mình ở Quảng Trị nên mình biết người dân miền Trung vốn dĩ rất vất vả, gặp cảnh lũ lụt như vậy lại càng khốn khó trăm bề. Xem hình ảnh miền Trung bị lũ lụt những ngày gần đây, tôi cảm thấy xót xa lắm. Tôi cảm thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ cho quê hương mình nên tôi đã quyết định đưa những chuyến hàng cứu trợ này đến với đồng bào vùng lũ”, chị Quyên xúc động chia sẻ.
Được biết, biết nhóm chị có 7 thành viên dù ai cũng rất bận rộn với công việc tại TP.HCM nhưng vẫn sắp xếp thời gian để thực hiện chuyến đi này.

Chị Trần Thị Lệ Quyên (bìa phải) cùng với nhóm thiện nguyện của mình có mặt rất sớm để bay đến Quảng Trị.

Ảnh: Ngọc Thảo

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Quyên cho hay kinh phí cho chuyến đi được các thành viên trong đoàn tự chi trả. Ngoài ra, đoàn thiện nguyện của chị cũng kêu gọi bạn bè, người thân quyên góp. Sau 4 ngày kêu gọi, tổng kinh phí đoàn nhận được cho chuyến đi lần này là hơn 170 triệu đồng, cùng nhiều hiện vật như quần áo, đồ dùng học tập.
Ấm lòng những chuyến hàng hóa cứu trợ đồng bào miền Trung giữa sân bay Tân Sơn Nhất

Rất nhiều đoàn cứu trợ lựa chọn vận chuyển hàng hóa của mình theo đường hàng không.

Ảnh: LÊ NGỌC THẢO

“Chúng tôi đã liên hệ với chính quyền huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị để hỗ trợ tiếp tế nhu yếu phẩm và hiện kim cho người dân. Ngày 22.10 chúng tôi sẽ có mặt tại đây”, chị Quyên cho biết thêm.

Khốn khổ nhịn đói suốt 3 ngày trong cơn lũ lịch sử ở Quảng Bình

Đại diện công ty TNHH Thịnh Gia Huy (Long An) cũng có mặt tại sân bay để vận chuyển hơn 300 cái mền ra Quảng Bình. Được biết, số hàng hóa này sẽ được đưa đến H. Lệ Thủy để hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bão lũ ở đây.

Nỗi lòng người miền Trung ở Sài Gòn: Mất ngủ, nghe tiếng mẹ cha kêu cứu xé lòng!

Anh Trần Thế Anh (28 tuổi, Long An) chia sẻ: “Tôi cảm thấy thực sự xót xa trước những khó khăn mà người dân miền Trung đang đối mặt trong thời điểm này. Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh bão lũ lại ám ảnh khiến tôi không ngủ được. Chúng tôi mong muốn hàng cứu trợ của mình sẽ chia sẻ một phần nào những khó khăn mà họ phải đối mặt. Điều đó sẽ giúp anh em chúng tôi thấy yên lòng hơn”.
Ngoài việc hỗ trợ chăn ấm, đơn vị này cũng sẽ mua hơn 1.000 thùng mì cũng như nhiều nhu yếu phẩm khác như áo phao, nước sạch và thuốc uống.
Ấm lòng những chuyến hàng hóa cứu trợ đồng bào miền Trung giữa sân bay Tân Sơn Nhất

Hàng hóa cứu trợ các nhóm thiện nguyện đóng gói kỹ lưỡng trước khi được làm các thủ tục ký gửi.

Ảnh: LÊ NGỌC THẢO

Ông Đoàn Ngọc Hải lái xe cứu thương vượt lũ, cứu trợ bà con miền Trung

“Mắt mình thấy cay cay”

Dù chuyến bay đến Huế khởi hành lúc 7 giờ 20 sáng 21.10, tuy nhiên nhà báo Nguyễn Đức Liên, một cựu nhà báo ở Báo Thanh Niên đã thức từ 3 giờ sáng để để chuẩn bị vận chuyển hàng cứu trợ. Ông viết trên trang cá nhân của mình: “Kém 5 giờ, sân bay đông nghịt khách, đa số đi cứu trợ. Hàng hóa vì miền Trung thân yêu khắp lối đi vào nơi làm thủ tục. Mắt mình thấy cay cay, không phải vì thiếu ngủ. Chưa đến Huế mà…”. Đoàn thiện nguyện của ông Liên, cùng luật sư Nguyễn Minh Thuận và các cựu nhà báo, nhà hảo tâm đã chung tay để đến với bà con. 
Ông Nguyễn Đức Liên cùng với các thành viên trong nhóm của mình đang thực hiện kế hoạch “Chung tay góp sức vì đồng bào miền Trung thân yêu” với số tiền quyên góp được hơn 300 triệu đồng. Nhóm của ông dự định sẽ trực tiếp đến các điểm cần cứu trợ gồm một số làng, xã thuộc huyện Phú Vang, Hương Thủy  (Huế), Hải Lăng và Cam Lộ (Quảng Trị).
Hội “Trái tim từ bi” của anh Huỳnh Văn Út (37 tuổi, H. Củ Chi) với gần 20 thành viên cũng đã có mặt tại sân bay để tiếp tế hàng cứu trợ. Số tiền hội vận động hơn 200 triệu đồng cùng 2.000 phần quà gồm lương khô, sữa, gạo và mì gói.
“Chắc chắn những phần quà của chúng tôi sẽ đến tận tay những người đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt miền Trung tại Huế và Quảng Trị. Mong rằng những nỗ lực của chúng tôi sẽ xoa dịu phần nào nỗi đau của họ”, anh Huỳnh Văn Út cho hay.
Ấm lòng những chuyến hàng hóa cứu trợ đồng bào miền Trung giữa sân bay Tân Sơn Nhất

Nhóm thiện nguyện “Trái tim từ bi” đã sẵn sàng đưa những kiện hàng hóa đến với miền Trung.

Ảnh: CAO AN BIÊN

Bạn Trần Thị Ngọc Thảo (20 tuổi, Q.7) chia nói thêm: “Biết đến hoàn cảnh của những người dân miền Trung, mình thực sự muốn rơi nước mắt. Mình mong thông qua chuyến đi này sẽ góp một phần sức trẻ của mình để xoa dịu nỗi đau bão lũ”.
Một nữ nhân viên công tác tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết thêm nhiều đoàn cứu trợ đã đưa hàng hóa đến sân bay trong 1 tuần nay. Số lượng hàng hóa rất lớn, chủ yếu là các nhu yếu phẩm cần thiết. Bản thân bà cũng thực sự biết ơn và xúc động trước tấm lòng của các nhóm thiện nguyện, vì quê của bà cũng ở miền Trung.
Cứ như thế, nhiều kiện hàng cứ lần lượt vận chuyển vào sân bay Tân Sơn Nhất mang theo tấm lòng “tất cả vì miền Trung ruột thịt”.

Cận cảnh Quốc lộ 12A tan hoang vì sạt lở sau mưa lũ kinh hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.