TNO

Ăn bẩn... sống lâu?

01/10/2014 10:15 GMT+7

“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, đó là điều mà từ xưa đến nay người Việt Nam nào cũng biết. Thế nhưng với xã hội hiện đại, đôi khi vì quá sạch mà nhiều người không thích nghi được với môi trường bẩn, thực phẩm bẩn... Vì thế, theo các chuyên gia về sức khỏe, câu “ăn bẩn sống lâu” không phải là không có cơ sở.

“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, đó là điều mà từ xưa đến nay người Việt Nam nào cũng biết. Thế nhưng với xã hội hiện đại, đôi khi vì quá sạch mà nhiều người không thích nghi được với môi trường bẩn, thực phẩm bẩn... Vì thế, theo các chuyên gia về sức khỏe, câu “ăn bẩn sống lâu” không phải là không có cơ sở.

Rước bệnh vì quá sạch

Bác sĩ Hoàng Công Minh, Giám đốc Bệnh viện Nhân Sinh đưa ra trường hợp một gia đình bị bệnh lặt vặt quanh năm vì cả nhà sống trong môi trường “vô trùng”. Bác sĩ Minh kể: Không biết từ bao giờ mà tháng nào cũng thấy chị Phương (Q.12) đưa hai đứa con trai sinh đôi đến khám vì bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp kéo dài. Bác sĩ cho thuốc uống khỏi thì tháng sau lại thấy tới khám tiếp. Vì bị tiêu chảy triền miên nên 2 bé không hấp thụ được thức ăn nên bị suy dinh dưỡng, 14 tuổi mà nhìn như trẻ lên 10, người gầy nhom, da tái mét.

 
"Ăn bẩn" một cách chừng mực nhất định có thể giúp con người chống được một số
bệnh thông thường như tiêu chảy, cảm cúm ... tăng sức đề kháng - Ảnh: Shutterstock

Không phải chỉ có 2 đứa con trai thường xuyên phải đến bệnh viện mà gia đình chị Phương cũng trở thành “khách hàng thân thiết” của bác sĩ Minh. Theo như lời chị Phương thì chồng chị là cán bộ thuế của quận và bị mắc bệnh... sạch sẽ thái quá. Nhà cửa, xe cộ, hễ đi về là lau chùi. Những vật dụng dùng trong gia đình luôn được tiệt trùng bằng nước sôi và các loại dung dịch khử trùng khác.

Còn ăn uống mới thực sự khó, gia đình chị rất ít khi mua thực phẩm ở ngoài mà tự cung, tự cấp. Rau, củ, thịt, cá... đều do ba mẹ anh có vườn ở Q.12 làm ra và chu cấp cho con cái, thậm chí gạo anh cũng bắt phải đến tận nhà cô em gái ở Long An lấy về ăn cho an toàn. Anh không cho người nhà sử dụng bột ngọt, bột nêm, đường mà gia vị chỉ là muối, nước mắm. Còn nước đá thì anh và 2 đứa con không bao giờ đụng đến. Vì thế, mỗi lần bất đắc dĩ phải ăn ở ngoài anh đều bị “tào tháo rượt”. Những đứa con của anh năm nay lên cấp 2 nên học bán trú, ăn buổi trưa ở trường với chế độ ăn “phổ thông” nên không quen và cũng bị tiêu chảy.

Vì quá sạch sẽ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng nên gia đình anh hầu như bị cách ly hoàn toàn với môi trường xung quanh. Hàng xóm không bao giờ thấy hai đứa con anh chạy nhảy ngoài đường, chơi đồ chơi như chúng bạn, buổi chiều bất kể nắng hay mưa chúng đều phải xỏ tất vào chân, mang quần dài, áo dài tay, uống nước ấm... Thế nhưng chị Phương bảo là lúc nào cũng thấy con ho, sụt sịt, tiêu chảy và uống kháng sinh.

Được bác sĩ Minh tư vấn, chị Phương về điều chỉnh lại chế độ ăn, sinh hoạt trong nhà nhưng bị chồng kịch liệt phản đối. Anh cho rằng, sạch còn bị bệnh, nếu bẩn một tí thôi cũng đủ... chết.  

Bẩn thế nào là phù hợp 

Theo bác sĩ Hoàng Công Minh, những trường hợp sống quá sạch sẽ, cách ly với môi trường xung quanh khiến cơ thể trở nên nhạy cảm, rất dễ mắc các bệnh thông thường, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng. Chẳng hạn có người mới hơi nóng một chút đã bật máy lạnh, hơi lạnh một chút cũng quàng khăn... dẫn đến cơ thể không thích nghi được với tự nhiên. Vì thế khi gặp nóng hoặc lạnh đột ngột là ngay lập tức bị ốm, cảm cúm.

Điều này cho thấy sạch sẽ quá mức, giữ gìn quá mức là không có lợi cho sức khỏe. Có những người tới bệnh viện khám bệnh nhưng sợ vi khuẩn nên không dám đứng, không dám ngồi, về nhà cái gì cũng phải khử độc, khử trùng. Cách sống như vậy cũng là phản khoa học.

Theo bác sĩ Minh, "ăn bẩn" một cách chừng mực nhất định có thể giúp con người chống được một số bệnh thông thường như tiêu chảy, cảm cúm... Tất nhiên, phải hiểu rõ, "ăn bẩn" không có nghĩa là ăn đồ sống, ăn những thứ dính đất, dính cát, ăn rau, quả không cần rửa, không ngâm muối... mà “ăn bẩn” ở đây có nghĩa là sống gần với tự nhiên hơn. Đặc biệt với trẻ con nên để chúng thỏa sức vui chơi, hòa mình vào tự nhiên, sẽ được tăng cường miễn dịch, sức đề kháng sẽ cao hơn.

Cũng theo bác sĩ Minh, xã hội hiện đại đã trở nên ám ảnh với sự sạch sẽ nhiều tới mức chúng ta không còn tiếp xúc trực tiếp với một số vi trùng thiết yếu, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt. Điều này đồng nghĩa, khi cơ thể gặp một chất lạ, chưa từng biết đến, hệ miễn dịch sẽ phản ứng quá mức, tấn công cả cơ thể trong quá trình đó. Khi không cần thiết, hệ miễn dịch nên được "tắt" hoàn toàn. Không nên để hệ miễn dịch luôn hoạt động ngay cả khi không cần thiết.  

Chính vì thế, quan niệm "ăn bẩn sống lâu" là có cơ sở khoa học. Vấn đề là "ăn bẩn" như thế nào. Hiểu ở góc độ khoa học, đó là không cách ly hoàn toàn với đời sống tự nhiên. Việc sống quá sạch sẽ, tiệt trùng mọi thứ đồ ăn thức uống, kể cả môi trường sống, sẽ làm giảm hệ miễn dịch ở con người.

Về cơ chế sinh học, con người không bao giờ thích ứng với ký sinh trùng nhưng lại có thể thích ứng được với vi sinh vật. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh cũng chính là tiêm các vi sinh vật vào cơ thể để miễn dịch với loại vi sinh vật đó. Trước đây, người nguyên thủy ăn lông ở lỗ, hệ miễn dịch của cơ thể rất cao. Người nguyên thủy gần như không bị mắc các chứng bệnh cảm cúm hay tiêu chảy, sởi nhưng lại tử vong ngay lập tức nếu nhiễm các bệnh như viêm não, ung thư... Nói vậy để thấy "ăn bẩn" đúng cách giúp cơ thể gần với tự nhiên hơn, sức đề kháng tốt hơn.

Rõ ràng với môi trường ô nhiễm và thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, con người đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, nhiều rủi ro. Vì thế, nếu bao bọc cơ thể chúng ta quá kỹ càng theo kiểu nhìn đâu cũng thấy độc hại, đặc biệt là với trẻ con, thì khi đối diện với những “độc tố” từ bên ngoài sẽ không thể thích nghi, dễ sinh ra bệnh tật.

Yên Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.