(iHay) Ra Hà Nội rất nhiều lần nhưng chỉ riêng dịp này tôi mới có cơ hội khám phá quán chè gần 1 thế kỷ ở Hà Nội. Dù chè là món ăn yêu thích nhưng tôi vốn là đứa đến từ nơi xa nên cũng chẳng có hứng đi lùng sục dù nghe danh chè bà Thìn ở phố Hàng Bồ, Bát Đàn nức tiếng đất Hà thành lâu nay.
|
Vừa ăn xong ở một nhà hàng trên phố cổ, lúc đó cũng khoảng 11 giờ đêm, đứa em vừa lái xe vừa xuýt xoa: “Giờ này mà đi ăn chè đỗ đen thì đã lắm đây. Hay em đưa chị qua chỗ này, đảm bảo chè đỗ đen không đâu ngon bằng, không nơi nào có đấy. Đổ đen “nguyên chất” không có nước cốt dừa béo ngậy như ở miền Nam đâu chị ạ”. Tôi ừ liền vì “gãi đúng chỗ ngứa” với một đứa thích ăn ngọt như tôi.
Băng qua vài con phố, đỗ xe ở một góc, nó kéo tôi vào hàng chè bà Thìn. Lúc này tôi mới biết đây là quán chè lâu đời mình từng nghe tiếng…Hai đứa ngồi xuống 2 cái ghế nhựa còn trống, xung quanh đã hết chỗ. Nó gọi: “Cho cháu 2 bát chè đỗ đen, 2 chè bà cốt”. Tôi khèo nó: “Ăn gì nhiều thế em, một loại thôi”. Nó bảo: “Chị thử chè bà Cốt đi, đảm bảo không ghiền không ăn tiền” rồi nó nháy mắt cười giòn.
|
Tiếng là quán chè nhưng nhìn lụp xụp, tạm bợ, ngoài mấy nồi chè được đặt ở phía trong, trên một cái bàn gỗ nhỏ thì ở vỉa hè là những cái ghế nhựa nhỏ, vừa là để ngồi vừa làm bàn. Mà nhìn cũng không tươm tất, thậm chí hơi bát nháo, rác ngập xung quanh hàng chè vì người ta ăn xong vứt giấy bừa bãi, chủ quán cũng chưa kịp dọn vì quá đông khách, hết tốp này đến tốp khác ra vào tấp nập.
Nhỏ em đá chân tôi khi thấy tôi chứ nhìn “soi” xung quanh quán trong khi mấy chén chè nghi ngút khói đã bưng ra. Trước tiên nó đưa tôi chén chè đỗ đen. Mà công nhận, hạt đậu đen mềm mịn, khi bỏ vào miệng có vị bùi, thơm lừng, tan ra trong miệng. Chè được nấu với độ đặc vừa phải , hòa quyện với đường nâu nên mùi thơm đậm đà. Ăn xong tôi thấy cũng vừa “đủ đô” thì nó cứ dí vào chén chè bà Cốt rồi bảo: “Chị ăn thử chè này đi, không ở đâu có mà ăn, món “độc” ở đây đấy”.
|
Bưng chén chè bà Cốt hít hà và nếm thử muỗng đầu tiên, tôi thấy sao nó giống món chè nếp ở Quảng Nam quê tôi. Nhưng nếu ăn, cảm nhận thì thấy sẽ khác chút ít vì chè bà Cốt được nấu bằng nếp cái hoa vàng xứ Bắc chứ không đơn thuần là loại nếp ở quê tôi. Loại nếp cái này rất thơm, dẻo, từng hạt nếp nở to vàng óng khi quyện với đường nâu. Gừng là gia vị không thể thiếu của món chè này, tạo nên mùi thơm nồng ấm, thanh ngọt. Nếu ăn món chè bà Cốt vào mùa lạnh thì quả là “đúng điệu”.
Ăn hết mỗi đứa 2 chén chè, tôi hỏi: “Quán chè này chắc có rất lâu rồi phải không em”. “Em cũng không rõ là có từ đời nào nhưng thời em còn nhỏ xíu, bà nội đã dẫn ra đây ăn chè nhưng nghe nói cũng đã qua 3 đời gia truyền rồi đấy chị, từ những năm 1930. Cái chị đang ngồi bán hàng giờ là cháu gái".
Bình luận (0)