(iHay) Cũng giống như nhiều loại rau củ hiện đại, củ cải đường được người La Mã trồng đầu tiên. Đến thế kỷ thứ 19, củ cải đường thực sự lên ngôi với phát hiện nó có thể dùng để sản xuất đường.
|
Nhưng công dụng của củ cải đường không chỉ có thế. Bạn có thể ăn sống, ngâm chua hoặc nấu chín củ cải đường để bổ sung những nguồn dưỡng chất cực kỳ có ích cho cơ thể.
Màu phổ biến nhất của củ cải đường là đỏ thẫm nhưng cũng có loại màu trắng hoặc vàng. Có thể bạn chỉ chú ý đến phần củ nhưng lá loại cây này cũng ăn được. Nếu xét ở hương vị, lá đăng đắng chứ không ngọt ngào như phần củ. Nhưng nếu xét ở hàm lượng dinh dưỡng, lá không hề thua kém, thậm chí còn nhỉnh hơn củ. Đừng nấu lá củ cải đường quá chín. Hãy ăn nó giống như cách bạn ăn rau bó xôi - vốn thuộc cùng họ với củ cải đường.
Củ cải đường, nhất là lá rất giàu canxi, sắt, vitamin A và C. Đó cũng là một nguồn bổ sung axít folic tuyệt vời, chưa kể chất xơ, ma nhê và ka li. Một 100 gr củ cải đường tươi chứa 43 calorie, 2 gr protein, 10 gr carbohydrate, 3 gr chất xơ và không có tí chất béo nào, theo BBC GoodFood.
Củ cải đường từ lâu đã được sử dụng vì mục đích y khoa, chủ yếu là trị bệnh gan vì nó giúp thúc đẩy quá trình giải độc ở gan. Thứ “thuốc nhuộm” làm cho củ cải đường có màu đỏ thẫm chính là betacyanin, chất có công dụng kìm hãm sự phát triển của một số loại ung thư. Ngoài ra, vì rất giàu chất xơ, củ cải đường có lợi cho nhu động ruột, góp phần làm giảm táo bón và cũng giúp hạ huyết áp.
Đoan Nhật
Bình luận (0)