Ai rồi cũng sẽ trưởng thành, sẽ đi qua những ngày thơ ấu… Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, ta dễ quên mất tuổi thơ, để khi chợt nhớ lại thì nó đã xa, chỉ còn đọng trong ký ức. Ăn để nhớ, đọc cuốn sách này, từng trang, từng dòng như dẫn ta trở lại ngày xưa.
Ở đó nhịp sống chầm chậm và nhẹ nhàng, thoảng đâu đó chút buồn của hồn Phố, một Hội An lặng lẽ ủ đầy dấu xưa. Kim Em là một nhà báo nữ, sinh ra và lớn lên ở Hội An, một đô thị cổ nhỏ bé, bình dị, một phố cổ đã nhuốm màu rêu phong và cổ kính. “Đến bây giờ, khi đã bước qua bên kia dốc cuộc đời nhìn lại, tôi vẫn thấy mọi thứ như mới hôm qua, hôm kia. Và tôi biết, bạn cũng cảm thấy như vậy khi nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn và hoài niệm về những ngày ấu thơ của mình...”. Đó là những dòng chia sẻ của nhà báo Kim Em trong Ăn để nhớ.
Ta bắt gặp trong Ăn để nhớ tuổi thơ ngày nào với đôi dép đứt, cái đôi dép đứt có đứa trẻ nào chịu vất đi bao giờ, cứ khư khư cất dành để đổi cà rem, cũng có khi “không đứt cũng đem cắt cho đứt” để có cái đổi cà rem, ăn mà “cà rem hở gió rớt xuống đất là ngó theo mà tiếc đứt ruột”. Không ê hề kẹo bánh như trẻ con bây giờ, ngày đó lon sữa đặc hiệu Ông Thọ hiếm hoi chỉ ưu tiên cho người ốm nhưng với trẻ con nó “ngon hơn bất cứ thứ gì trên đời” nên cứ đợi người lớn không để ý là “hút một hơi sữa vào miệng xong chạy ra sau hè khoan khoái nuốt”.
Ta bắt gặp những món ăn bình dị, thân thương mà mỗi người con xứ Quảng đi xa “chỉ nghĩ đến thôi đã thấy lòng rưng rưng muốn khóc”. Hương vị cháo thịt bò má nấu thơm đến tận bây giờ. Tiếng rao “Ai xu xoa” mộc mạc của người bán dạo đã in vào ký ức. Chén xu xoa thơm mùi “nước đường thắng vừa tới quyện lẫn mùi gừng tươi” mà không một đứa trẻ xứ Quảng nào không thèm thuồng vào ngày hè nắng nóng. Những cục kẹo ú thơm ngon trong đôi quang gánh tan buổi chợ mẹ về, cục kẹo “nuốt đến đâu biết đến đấy” được bọc bên ngoài lớp bột sắn “nếu ăn không để ý thì bột sắn sẽ dính quanh miệng”. Những cục kẹo ú ngày xưa giờ còn đâu vì “bánh kẹo ê hề, muốn ăn gì không có, ai mà còn ngồi bán mấy cục kẹo gói trong lá chuối khô”.
Người Quảng khi xa xứ, có ai không nhớ hương vị tô mì Quảng, món ăn đặc trưng không lẫn vào đâu của người xứ Quảng, cứ như “tất cả cái ngon của sản vật đất đai, sông hồ như gom hết vào một tô mì làm ấm lòng người ăn ở phố vào buổi đầu ngày”. Nhớ tô mì cá leo vừa ăn “vừa hít hà vừa quệt mồ hôi trên trán”. Nhớ bánh xèo vàng ruộm ngày mưa, tiếng “xèo xèo” trong chiếc chảo nóng bằng gang “là thứ âm thanh” mà những đứa trẻ ngồi quanh bếp háo hức nhất. Nhớ bữa cơm nhà với những món dân dã, đơn sơ. Những trái bắp nếp đầu mùa được hái ven sông Vu Gia, Thu Bồn hạt còn mọng sữa được nướng trên than hồng thơm ngào ngạt rồi chan nước muối, hành lá phi dầu phụng sau đó nướng một lần nữa trên than hồng trước khi gói vào lá chuối. Và phở, hương vị đậm chất Hội An không nơi nào ta bắt gặp, sợi phở khô trụng mềm “ăn kèm với đu đủ dầm chua”. Vạt rau đắng xanh mướt bên hàng rào cũng trở thành một món ăn ngon khác lạ, rau được cắt mang vào trộn với thịt ba chỉ và tôm đất, ăn vừa giòn vừa nhẫn nhẫn.
Ta bắt gặp trong Ăn để nhớ nỗi nhớ thương một Hội An u hoài, thăm thẳm. Nhớ cái giếng, gian bếp cũ ám khói “chạn gỗ có bốn chân kê trên bốn cái chén đựng dầu lửa” “để tránh kiến”. Nhớ đôi quang gánh của má chiều chiều trở về, trong đó có bó lá ổi, lá muồng để nấu nước cho con gội đầu, đôi quang gánh “theo má suốt cuộc đời tảo tần” cũng đã trở thành ký ức. Nhớ tiếng guốc mộc khua đều đều trên phố nhỏ nay đã trở thành miền ký ức xa xưa.
Mái ngói thâm nâu, những mảng tường loang lổ, rêu phong, dấu vết của thời gian còn đọng lại. Mỗi mùa nước lụt với tụi con nít là mùa vui, vui vì được nghỉ học, được “tụ tập ngoài bờ sông chờ nước tràn lên bờ là reo hò, nhảy múa”. Nhớ chợ làng chỉ đông vào buổi chiều, cái chợ chỉ “hơn chục hàng quán lợp tranh tre trên một khoảnh đất rộng” mà ở đó “kẻ bán cũng lại là người mua”... Khi mặt trời khuất núi, các bà các cô lại trở về với “gánh hàng nhẹ tênh”. Nơi đó có con sông quê xanh ngắt chở nặng phù sa là nơi chơi đùa, tắm mát của tuổi thơ. Cái giếng nhỏ, tưởng như chỉ là nơi lấy nước sinh hoạt, tắm táp ngày xưa, giờ đã “chứa đựng một miền ký ức êm đềm”.
Ta nghe được cả mùi khói rơm đun bếp len vào trong giấc ngủ. Cũng “từ những bếp lửa sực nức mùi thơm khói rơm ấy” đã thành hành trang cho những người con lớn lên, trưởng thành rồi đi xa. Tất cả như phảng phất mùi xưa cũ đâu đây, từng góc phố, từng ô cửa, từng bức tường rêu ghi đậm dấu thời gian…
Ăn để nhớ, nên cứ nhớ cứ thương hoài hũ mắm cá cơm mẹ muối nơi góc bếp, cái món mắm được “coi như món chủ lực” trong bữa cơm… Mẹ không còn nữa, cái hũ chỉ còn “nằm chơ vơ nơi góc bếp”. Nhớ cái bánh tráng sắn nhúng nước cho mềm, cuốn vài cọng rau muống “với con cá nục hấp rồi chấm vào chén mắm cá cơm thơm lừng và cay xé lưỡi”. Nhớ mít non nấu canh với cá chuồn “nhắc xuống cho lá lốt xắt nhỏ vào” thơm một mùi vị rất riêng. Những trưa hè, trong mâm cơm đạm bạc, bát canh dưa hồng mát ngọt bên dĩa cá nục kho khô đã trở thành ký ức “kéo người đi xa trở về quê nhà”. Làm sao thiếu được hũ tương ớt mẹ làm, hăng hăng, nồng nồng “có thể ăn với bất cứ món gì cũng hợp”. Nhìn cái hũ bằng sành nằm lăn lóc bên giếng lại nhớ hũ dưa vàng ruộm mẹ muối ngày xưa để ăn xổi, đến lúc chua quá mẹ lại dùng để nấu canh.
Ai từng sống ở Hội An, rồi đi xa, một ngày nhìn lên tờ lịch, mùng 5 tháng 5 lại về, làm sao không nhớ cho được những cái bánh ú tro được gói bằng lá đót, cái bánh ú “trong veo màu hổ phách, dẻo và thơm nồng mùi nước tro” mà chỉ có ở Hội An, tro được đốt từ cây gai dền phơi khô, lọc lấy nước rồi cho vào chum lắng lại. Nhớ góc bếp treo những chùm bắp khô, vào mùa mưa được lấy xuống tẻ hột rồi rang trên cái trã. Cái trã gốm dễ nứt nên thường thấy nhất là cái nồi nhôm sứt quai được thay vào để rang...
Ta còn bắt gặp trong Ăn để nhớ một cái tết quê với “những chuyến xe chất đầy gạo, nếp, lá chuối, lá dong, củ kiệu, củ cải…, mang hơi hướng tết từ các vùng quê đã ùn ùn đổ về các nẻo chợ”. Và “mùi tết ở chợ theo chân bà nội trợ về nhà”.
Tập tản văn Ăn để nhớ của Kim Em đã đưa người đọc trở về tuổi thơ, trở về những ngày xưa cũ, để thấy một Hội An trầm mặc, lặng lẽ, một phố cổ man mác phong vị ngày xưa. Những hình ảnh tưởng như chỉ có ở xứ Quảng miền Trung ấy lại rất đỗi thân thương với bất cứ ai. Và cuối cùng ta thấy chính mình trong đó, ngây ngô, trong trẻo. Cảm xúc ùa về bất chợt, ta khe khẽ hát một đoạn Kỷ niệm của Phạm Duy: “Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau, xin đi từ thơ ấu…”.
Bình luận (0)