TNO

Ấn Độ chính thức đào tạo phi công Việt Nam lái tiêm kích Su-30

15/12/2014 08:18 GMT+7

(Tin Nóng) Chính phủ Ấn Độ đã chính thức cho phép Không quân Ấn Độ đào tạo huấn luyện phi công Việt Nam lái tiêm kích Su-30 tại Ấn Độ, hãng tin ITAR-TASS (Nga) ngày 13.12 cho biết.


Không quân Ấn Độ chính thức nhận đào tạo phi công Việt Nam lái tiêm kích Su-30, sau khi được Chính phủ Ấn Độ đồng ý, theo bản tin của ITAR-TASS ngày 13.12.2014. Trong ảnh: Tiêm kích Su-30 MKI của Ấn Độ đáp xuống căn cứ không quân Lajes ở quần đảo Azores (Bồ Đào Nha) giữa Đại Tây Dương tháng 7.2008 để đến bang Nevada tập trận không quân chung với Mỹ - Ảnh: Không lực Mỹ

TASS dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 13.12 cho biết Không quân Ấn Độ (IAF) đã được chính phủ chấp thuận về việc đào tạo huấn luyện này. “Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Ấn Độ đã chấp thuận việc đào tạo phi công Việt Nam lái máy bay Su-30”, nguồn tin từ IAF cho TASS biết.

Vào tháng 10.2014, trong chuyến thăm Ấn Độ 2 ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thống nhất việc Ấn Độ giúp đào tạo huấn luyện phi công Việt Nam lái tiêm kích Su-30 tại Ấn Độ.

Nga đã cung cấp hơn 20 tiêm kích Su-30 MK2 cho Không quân Việt Nam. Theo hợp đồng mới nhất vào năm 2013, Nga cung cấp 12 chiếc Su-30 MK2 cho Việt Nam và đã giao 2 chiếc đầu tiên vào ngày 6.12.2014 qua. Hai chiếc kế tiếp sẽ bàn giao trước cuối năm 2014 này, và 8 chiếc còn lại sẽ giao trong năm 2015.

Ấn Độ hiện có gần 200 chiếc Su-30 do Nga cung cấp và tự sản xuất theo giấy phép và một phần linh kiện của Nga. Loại Su-30 của Ấn Độ được đặt tên là Su-30 MKI (I là India, tức Ấn Độ). Từ năm 2007, Nga đã cung cấp 50 chiếc Su-30 MKI cho Ấn Độ, và tập đoàn hàng không Hindustan Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của Nga. Dự kiến đến năm 2018, Ấn Độ sẽ có 14 phi đoàn Su-30 MKI với tổng số 272 chiếc.

Ngoài ra, Việt Nam còn đề nghị Ấn Độ cung cấp tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos (liên doanh sản xuất Nga - Ấn Độ), và việc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp, theo báo chí Ấn Độ.

Trước đó, năm 2013 Ấn Độ đã nhận đào tạo 500 thuỷ thủ tàu ngầm Việt Nam thực tập trên các tàu ngầm lớp Kilo của Ấn Độ. Đã có 1 khoá 50 học viên tốt nghiệp khoá đào tạo 1 năm này.


Đưa tiêm kích Su-30 MK2 từ máy bay vận tải An-124 Ruslan xuống, tại sân bay Đà Nẵng ngày 6.12.2014 - Ảnh: militaryparitet


Ngày 9.12, Ấn Độ chính thức triển khai tên lửa diệt hạm BrahMos - 1 Block 3, phiên bản phóng từ đất liền. Đây là phiên bản thứ 3 của loại tên lửa diệt hạm siêu thanh do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất. Hai loại kia là phiên bản phóng từ tàu chiến và từ máy bay - Ảnh: Militaryparitet

Trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 11.12.2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký hàng loạt hiệp định, trong có có việc Ấn Độ sẽ sản xuất trực thăng Mi-17, trực thăng hạng nhẹ Ka-226T với sự hỗ trợ của Nga.

Theo Business Standard (Ấn Độ), tập đoàn hàng không Hindustan cho biết đến nay đã nội địa hoá đến 51% chi tiết của tiêm kích Su-30 MKI do Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của Nga, chiếm 35 - 40% giá thành của máy bay này. Tập đoàn đã tự sản xuất 31.500 chi tiết trong tổng số 43.000 chi tiết để lắp ráp thành tiêm kích Su-30.

Hiện cơ sở của Hindustan ở Nashik, bang Maharashtra là nơi duy nhất trên trên giới (ngoài Nga) có khả năng đại tu sửa chữa tiêm kích Su-30. Trong tương lai Hindustan sẽ nhận được các hợp đồng sửa chữa tiêm kích Su-30 từ các nước như Việt Nam, Malaysia, Algeria…, theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ.

Anh Sơn

>> Hai tiêm kích Su-30 MK2 đã về Việt Nam
>> Quý 4.2014, Nga giao 4 tiêm kích Su-30 MK2 cho Việt Nam
>> Xem Su-30 MK2 Việt Nam bay thế rắn hổ mang
>> Indonesia nhận tiêm kích Su-30 MK2
>> Việt Nam mua thêm 12 chiếc tiêm kích Su-30 MK2
>> Học giả Ấn Độ: Hải quân Việt Nam đã tiến ra biển lớn
>> Ấn Độ đàm phán cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam
>> Ấn Độ giúp Việt Nam kỹ năng sử dụng tàu ngầm, máy bay Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.