Mới đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu và Tân Hoa xã liên tục đăng tải các hình ảnh mới nhất về máy bay chiến đấu J-20 trong lần thử nghiệm thứ 27 ngày 15.8. Lâu nay, Trung Quốc rất kín tiếng về J-20, được cho là máy bay chiến đấu thế hệ 5 có khả năng tàng hình. Thế nên, việc các cơ quan truyền thông lớn của nước này rầm rộ đưa tin về J-20 đã gây nhiều chú ý. Một số chuyên gia cho rằng đó là cách Bắc Kinh phản ứng việc máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi T-50 của liên doanh Nga - Ấn vừa được ra mắt. Sukhoi T-50 được xem là thành quả mới nhất của các dự án hợp tác phát triển vũ khí của hai nước này.
|
Những đứa con chung
Theo RIA Novosti, Ấn Độ đóng góp 35% trong tổng chi phí ước tính 6 tỉ USD của dự án phát triển máy bay Sukhoi T-50. Ngoài ra, Moscow và New Delhi còn hợp tác trong nhiều dự án quân sự quan trọng khác. Trong đó, chương trình tên lửa hành trình siêu thanh chống tàu chiến Brahmos là một dấu ấn đậm nét, khi hai bên cùng bắt tay nghiên cứu chế tạo ngay từ khi dự án này được phôi thai.
Brahmos Aerospace là liên doanh giữa Tổ chức Phát triển và nghiên cứu quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ với Công ty quân sự NPOM thuộc Chính phủ Nga, theo website của Brahmos. New Delhi chiếm 50,5% cổ phần và Moscow giữ 49,5% trong số vốn 250 triệu USD của liên doanh. Đến nay, Brahmos Aerospace đã chế tạo các phiên bản tên lửa có thể khai hỏa từ tàu chiến nổi và hệ thống phóng lưu động trên đất liền. Các phiên bản dành cho tàu ngầm và máy bay sắp được hoàn thiện. Tên lửa này, có giá trung bình khoảng 2,7 triệu USD, đạt tốc độ Mach 2,8 (tức gấp 2,8 lần vận tốc âm thanh, tương đương 3.500 km/giờ) và là loại tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới hiện nay. Brahmos có tầm bắn lên đến 290 km, mang theo đầu đạn 300 kg.
Một “đứa con chung” nổi bật khác là máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30MKI được Nga chuyển giao bản quyền cho Ấn Độ vào năm 2000, theo website của hãng Sukhoi.
Su-30MKI được xem là máy bay tiêm kích tấn công tầm xa vào loại tối tân hiện nay trên thế giới với tầm bay 8.000 km, tốc độ tối đa đạt Mach 2,35. Ngoài ra, Nga - Ấn còn cộng tác chặt chẽ trong dự án máy bay vận tải quân sự UAC/HAL II-214, xe tăng thế hệ mới T-90, tàu sân bay INS Vikramaditya, dự án nâng cấp máy bay Mig-29…
Ấn Độ tăng cường vũ trang
Sau khi Trung Quốc cho chạy thử tàu sân bay đầu tiên vào ngày 10.8, Ấn Độ đã chi 2 tỉ USD để mua thêm hàng trăm tên lửa Brahmos, theo Interfax. Không chỉ thế, Nga cũng tái khẳng định trong triển lãm MAKS 2011, đang diễn ra gần Moscow, rằng nước này và Ấn Độ sẽ là những khách hàng ưu tiên được sở hữu máy bay tàng hình Sukhoi T-50 vào năm 2015. Theo RIA Novosti, Ấn Độ có thể sẽ mua đến 200 chiếc Sukhoi T-50 và nước này cũng đàm phán với Công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport để mua thêm một số máy bay do thám A-50EI.
Cũng trong triển lãm MAKS 2011, Nga đã thương thảo hợp đồng bán cho Ấn Độ 126 máy bay chiến đấu mới Mig-35D trị giá 10 tỉ USD. Hợp đồng này nằm trong kế hoạch bổ sung máy bay chiến đấu đa nhiệm tầm trung để tăng cường khả năng tác chiến cho không quân Ấn Độ. Ngoài ra, tiến độ nâng cấp cải tạo tàu sân bay INS Vikramaditya đang được đẩy nhanh. Ấn Độ ký hợp đồng mua tàu này, có tên cũ là Đô đốc Gorshkov, của Nga vào năm 2004. Tàu đang được nâng cấp tại Nga và dự kiến được giao vào năm 2012.
Hồi đầu tháng 8, Giám đốc điều hành Tập đoàn RAC MiG là Sergei Korotkov cho hay Nga đã giao 11 máy bay chiến đấu MiG 29K/KUB cho Ấn Độ. Interfax dẫn lời ông Korotkov cho biết Ấn Độ sẽ nhận thêm 5 chiếc nữa vào cuối năm nay. Số máy bay này sẽ được trang bị trên tàu INS Vikramaditya. Hải quân Ấn Độ hiện sở hữu tàu sân bay INS Viraat thuộc lớp Centaur mua lại của Anh.
Như vậy, Ấn Độ đang theo đuổi nhiều dự án từ máy bay chiến đấu thế hệ 5 đến tàu sân bay và tên lửa hành trình chống tàu chiến. Giới quan sát cho rằng một trong những nguyên nhân khiến nước này tăng cường thực lực là sự lo ngại trước tình hình đang có nhiều biến động ở khu vực cũng như các động thái gần đây của người láng giềng Trung Quốc.
Mỹ sắp có tàu sân bay mới Công ty đóng tàu Mỹ Huntington Ingalls Industries vừa thông báo đã hoàn tất phân nửa công trình đóng tàu sân bay mới cho hải quân nước này, khoảng 21 tháng sau khi bắt đầu dự án. Báo The San Diego Union-Tribune dẫn thông cáo từ công ty cho hay với tiến độ như hiện nay, tàu USS Gerald R.Ford có thể sẽ được hạ thủy vào năm 2013 và giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2015. Đây là chiếc đầu tiên thuộc lớp Gerald R.Ford, thế hệ tàu sân bay hạt nhân mới của Mỹ và sẽ dần thay thế các tàu lớp Nimitz hiện nay. Tàu USS Gerald R.Ford có chiều dài 333m, vận tốc 56 km/giờ và độ rẽ nước khoảng 100.000 tấn, tương đương với tàu USS George Washington lớp Nimitz, nhưng có nhiều công nghệ tiên tiến hơn. Văn Khoa |
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)